Tiếp nối thành công của các năm trước, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh vừa tổ chức Chợ phiên nông sản an toàn tỉnh Bắc Ninh năm 2023. Tham gia Chợ phiên có 22 gian hàng, trưng bày các sản phẩm nông sản an toàn, đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh và Hội Nông dân 4 tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Hà Giang.
Kết nối tiêu thụ nông sản
Vừa đón khách đến tham quan quầy hàng, ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau củ quả nông sản an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du vừa tranh thủ điện thoại để các hội viên kịp thời chuyển thêm rau củ lên hội chợ phục vụ người tiêu dùng.
Ông Hiệp chia sẻ: "Trong 3 ngày hội chợ, trung bình mỗi ngày hợp tác xã bán được khoảng 3 tạ rau. Tham gia Chợ phiên lần này, chúng tôi rất vui khi có thêm nhiều người tiêu dùng biết đến các sản phẩm rau, củ, quả an toàn của thôn Liên Ấp. Hiện hợp tác xã của chúng tôi có hơn 30ha đất, trong đó có khoảng 20ha canh tác sản xuất các loại rau cải, dưa chuột Nhật, cà chua, hành, tỏi… theo quy trình VietGap".
Với gần 140 thành viên tham gia sản xuất, bình quân mỗi năm, hợp tác xã đứng ra tiêu thụ từ 250 đến 350 tấn rau, củ, quả các loại, đã ký hợp cung ứng với các doanh nghiệp, siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và một số tỉnh lân cận. Năm 2023, Hợp tác xã đã đăng ký 4 sản phẩm OCOP gồm: Bí xanh, cà chua, dưa chuột và mướp.
Gian hàng của Hợp tác xã sản xuất rau củ quả nông sản an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du tại Chợ phiên. |
Nhanh tay chọn các sản phẩm rau củ sạch thôn Liên Ấp, cô Phạm Thị Huệ, ở thành phố Bắc Ninh cho biết: "Ngay hôm khai mạc, tôi đã đến tham quan và mua các sản phẩm rau sạch, mì chũ, mắm tép chưng thịt. Biết nay là ngày cuối của chợ phiên nên tôi lại tranh thủ qua mua thêm dưa chuột, cà chua, su hào về cất tủ lạnh ăn dần. Đây là phiên chợ do Hội Nông dân tổ chức nên giá cả rất phải chăng, rõ nguồn gốc và tôi mong có thêm nhiều hội chợ tương tự sẽ được mở ra với nhiều sản phẩm phong phú hơn nữa".
Đây là lần thứ 4 Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chợ phiên nông sản an toàn và là phiên thứ hai của năm 2023. Tham dự chợ phiên năm nay, có nhiều sản phẩm tiêu biểu của địa phương như: Tỏi Bà Lý (huyện Lương Tài); mắm tép chưng thịt của Công ty PTK 897 Việt Nam (huyện Tiên Du); giò chả, nem chua Tuấn Liên (thành phố Từ Sơn), bánh tẻ làng Chờ (huyện Yên Phong).
Bên cạnh đó, phiên chợ còn có sự góp mặt của Hội Nông dân các tỉnh Bắc Giang, Hà Giang, Tuyên Quang và Hà Tĩnh với các đặc sản địa phương như mỳ Chũ, cam, quýt, bưởi, hương trầm, bánh cu đơ… giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn phong phú khi tới mua sắm.
Thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn
Là sản phẩm OCOP của tỉnh đạt tiêu chuẩn 4 sao, được tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” năm 2021, thương hiệu Tỏi bà Lý đã tham gia Chợ phiên nông sản an toàn tỉnh Bắc Ninh năm 2023.
Bà Lê Thị Phương Dung, đại diện thương hiệu Tỏi bà Lý (huyện Lương Tài) cho biết, thời gian qua, thương hiệu đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ và yêu thích của người dân trong và ngoài tỉnh. Tại chợ phiên lần này, thương hiệu đã mang đến 3 sản phẩm mới gồm tỏi cắt lát sấy khô, hành cắt lát sấy khô và bột tỏi để người tiêu dùng có thể sử dụng và bảo quản sản phẩm lâu hơn.
Các đại biểu, người tiêu dùng tham quan, lựa chọn sản phẩm bán tại Chợ phiên. |
Theo ông Đào Trọng Đại, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh), Chợ phiên nông sản an toàn là dịp để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kết nối tiêu thụ nông sản và liên kết trong sản xuất. Đặc biệt là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, vì an toàn sức khỏe của người tiêu dùng.
Đồng thời, đây cũng là hoạt động hưởng ứng Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn 1 sản phẩm (OCOP), quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn, VietGAP đến với hội viên và người tiêu dùng, giúp họ có cơ hội tự tay lựa chọn, thưởng thức các sản phẩm chất lượng cao với giá thành của nhà sản xuất.
Thời gian qua, chương trình Mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Ninh đã góp phần quan trọng thúc đấy phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng nội lực và gia tăng giá trị.
Sau 5 năm triển khai, đến nay, toàn tỉnh đã có 93 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, 34 sản phẩm đạt 3 sao (chiếm 36,6%), 59 sản phẩm đạt 4 sao (chiếm 63,4%); có 63 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm (chiếm 67,7%), có 17 sản phẩm thuộc nhóm lưu niệm nội thất và trang trí (chiếm 18,3%), có 7 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống (chiếm 7,5%), còn lại là các sản phẩm khác.
Có 38 chủ thể có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó 8 chủ thể là hợp tác xã (chiếm 21,0%), 12 chủ thể là doanh nghiệp (chiếm 31,6%), 18 chủ thể là hộ gia đình đăng ký kinh doanh (chiếm 47,4 %).
Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, Hội Nông dân tỉnh đóng vai trò rất quan trọng công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chi hội, hội viên tham gia xây dựng, chuẩn hóa, phát triển sản phẩm OCOP.
Nông dân ngày càng phát huy tốt vai trò chủ thể tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, khai thác sử dụng tiềm năng lợi thế để phát triển sản phẩm OCOP nâng cao hiệu quả kinh tế và xây dựng nông thôn mới.