Mạng lưới tổ chức cộng đồng - “điểm tựa” kiểm soát dịch HIV

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít quốc gia thực hiện công tác dự phòng và điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới. Để làm được điều đó, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các lực lượng liên quan còn là sự chung tay của nhiều tổ chức cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Tư vấn phòng chống lây nhiễm HIV tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa).
Tư vấn phòng chống lây nhiễm HIV tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, đặc điểm dịch HIV ở nước ta hiện nay vẫn là tập trung, nhiều người nhiễm thuộc nhóm dễ tổn thương như người nghiện chích ma túy, người bán dâm, nhóm đồng tính.

Đây là các nhóm dễ bị kỳ thị, phân biệt, cho nên hệ thống y tế nhà nước khó tiếp cận hơn so với các tổ chức cộng đồng. Những nhóm hỗ trợ cộng đồng hoạt động phòng chống HIV là những nhóm xuất thân từ cộng đồng song tính, chuyển giới, người có HIV, phụ nữ bán dâm…

Hiện cả nước có khoảng 400 nhóm mạng lưới tổ chức cộng đồng đang hoạt động tại Việt Nam. Các nhóm này đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông giảm hành vi nguy cơ cho cộng đồng đích, và kết nối điều trị HIV.

Thành viên trong các nhóm có nhiệm vụ thuyết phục người có HIV đi điều trị, kéo họ từ “cõi chết” trở về, hoặc cùng họ vượt qua giai đoạn khó khăn, tái hòa nhập cuộc sống. Các tổ chức, nhóm cộng đồng chủ yếu thực hiện truyền thông về các biện pháp dự phòng HIV, cung cấp vật phẩm miễn phí theo nhóm nhỏ; tư vấn trực tiếp cho cá nhân có nguy cơ cao, người tiêm chích ma tuý; kết nối điều trị HIV…

Thành viên của mạng lưới này là những “cánh tay nối dài” của nhân viên y tế, nhờ đó mà nhiều người nhiễm mới được đưa đến cơ sở y tế để tiếp cận xét nghiệm HIV và điều trị.

Một trong những yếu tố then chốt giúp các mạng lưới tổ chức cộng đồng phát huy hiệu quả là sự hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên. Việc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, và nguồn lực đã góp phần nâng cao năng lực tổng thể của toàn hệ thống.

Như Mạng lưới người nhiễm HIV Việt Nam (VNP+), một tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 2009 hiện đã có hơn 300 câu lạc bộ thành viên hoạt động trên cả nước. Các câu lạc bộ này đóng vai trò kết nối, hỗ trợ kỹ thuật và vận động chính sách cho người nhiễm HIV trong nhóm tại địa phương.

Nhờ sự hợp tác này, các thành viên của nhóm đã nâng cao năng lực tư vấn xét nghiệm, chăm sóc hỗ trợ lẫn nhau và giám sát dịch mở rộng với những người có nguy cơ cao tại địa bàn của mình… Qua đó, góp phần quan trọng vào thành công của chương trình phòng chống HIV/AIDS quốc gia.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang Võ Thị Lợt cho biết: Nếu không có những thành viên, đồng đẳng viên của mạng lưới cộng đồng thì việc tiếp cận với các đối tượng nguy cơ là thách thức lớn, trong khi nguy cơ lây nhiễm ở nhóm đồng tính nam đang tăng ở mức báo động.

Các cán bộ y tế có thể hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, nhưng để tìm đối tượng nguy cơ, tiếp cận và thuyết phục họ không phải là điều dễ dàng. Nhờ những “cánh tay nối dài” này, đến nay tỉnh Kiên Giang đã xây dựng được lực lượng truyền thông viên đồng đẳng hoạt động rất tích cực và hiệu quả.

Khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính HIV, chị Nguyễn Thúy Ng. (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) suy sụp và cảm thấy cuộc đời như đã dừng lại. Nhưng khi gặp chị Ngô Thúy H., trưởng nhóm “Vì ngày mai tươi sáng”, cuộc đời Ng. như tìm lại được niềm vui.

Ng. nhớ lại, sau khi chồng mất vì HIV, các anh, chị trong nhóm cộng đồng đề nghị đi xét nghiệm HIV. Ngày đợi kết quả, chị trốn biệt… và tất cả đều trống rỗng, hư vô khi kết quả đúng như điều dự cảm. Nhưng tình thương và sự nhiệt tình, các anh, chị trong nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” đã giúp Ng. lấy lại nghị lực sống và trang bị cho chị những kiến thức, hiểu biết về HIV/AIDS.

Giờ đây, chị cũng là một trong những thành viên tích cực của nhóm, luôn giúp đỡ, chỉ bảo các thành viên mới.

“Sống một ngày cũng phải là 24 giờ yêu thương và ý nghĩa”, đó chính là phương châm sống của nhóm “Vì ngày mai tươi sáng”, phương châm này được tất cả các thành viên trong nhóm lan tỏa sự tích cực đến những nhóm tự lực khác, những người có HIV trên khắp cả nước.

Hiện nay tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại nước ta hiện nay.

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tỷ lệ nhiễm HIV tăng gấp sáu lần trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2020 và được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hằng năm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà quần thể MSM chưa thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ như xét nghiệm, điều trị phơi nhiễm... một cách toàn diện. Do đó, hơn lúc nào hết, sự tham gia của các tổ chức cộng đồng là cầu nối, là cánh tay đắc lực để giúp cho các đối tượng đích tiếp cận dịch vụ như truyền thông, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su.

Trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước chuyển giao trách nhiệm tài chính cho phòng chống HIV/AIDS từ các nhà tài trợ quốc tế sang nguồn lực trong nước, mạng lưới tổ chức cộng đồng được đánh giá sẽ trở thành trụ cột không thể thiếu.

Với sự linh hoạt và mối liên hệ mật thiết với cộng đồng, các mạng lưới tổ chức cộng đồng có thể tiếp tục duy trì các dịch vụ thiết yếu như tư vấn xét nghiệm, chăm sóc hỗ trợ, và giám sát dịch ngay cả khi nguồn lực bị hạn chế.

Kinh nghiệm từ dịch Covid-19 cho thấy, sức mạnh của mạng lưới tổ chức cộng đồng khi mà các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng, nhiều người nhiễm HIV gặp khó khăn trong việc tiếp cận thuốc kháng vi-rút, các mạng lưới này đã nhanh chóng huy động tình nguyện viên, phối hợp cơ sở y tế địa phương để cung cấp thuốc tận nhà cho bệnh nhân.

Nhờ sự hỗ trợ kịp thời này, hàng nghìn người có HIV đã không bị gián đoạn điều trị trong thời gian giãn cách. Bên cạnh đó, mạng lưới tổ chức cộng đồng còn có thể huy động sự tham gia của khu vực tư nhân và nguồn lực xã hội hóa, tạo ra một hệ sinh thái đa dạng và bền vững cho công tác phòng chống HIV/AIDS…