Mang lại gam màu tươi sáng cho phim “giờ vàng”

Kể các câu chuyện hướng thiện, nhân văn với những tình huống chân thật, dung dị và gần gũi là nội dung mà một số phim “giờ vàng” trên truyền hình thời gian gần đây đang hướng tới. Dòng phim nhiều bi kịch, mâu thuẫn “long trời lở đất” không còn giữ sức hút như xưa.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong phim Gặp em ngày nắng với những gam màu tươi sáng.
Cảnh trong phim Gặp em ngày nắng với những gam màu tươi sáng.

Những năm gần đây có khá nhiều bộ phim truyền hình đi sâu vào đề tài cuộc sống hôn nhân, gia đình. Tuy nhiên, việc lạm dụng những mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân, gia đình khó tránh gây mệt mỏi, căng thẳng cho người xem. Phim Trạm cứu hộ trái tim nhận nhiều ý kiến trái chiều vì dồn dập tình tiết bi kịch, kịch bản u uất, tiêu cực. Phim Gia đình mình vui bất thình lình lên sóng giữa năm 2023 cũng có điểm trừ vì có nhiều tình tiết bi thương. Một nhân vật được xây dựng với tính cách hiền lành, chu đáo, hết lòng vì gia đình nhưng liên tục gặp biến cố: chồng bị ung thư, bản thân sảy thai tới ba lần,…

Với khán giả đang phải đối mặt với sự mệt mỏi, áp lực cuộc sống thì cách chữa lành tốt nhất là kể các câu chuyện hướng thiện, nhân văn với những tình huống chân thật, dung dị và gần gũi. Đó là điều mà một số phim “giờ vàng” gần đây đang hướng tới. Những bộ phim này không đào sâu vào mâu thuẫn, đẩy xung đột giữa các nhân vật lên đến đỉnh điểm, thay vào đó mang đến những thông điệp tích cực, nhân văn qua những tình tiết nhẹ nhàng, vui vẻ nhưng không kém phần sâu sắc. Đừng làm mẹ cáu phát sóng đầu năm 2023 cho người xem tận hưởng cảm giác ấm áp len lỏi khi theo dõi hành trình làm mẹ bất đắc dĩ của Hạnh (do diễn viên Quỳnh Kool thủ vai). Sau những ngày tháng bên “con gái” bé bỏng dù không mang nặng đẻ đau với nhiều tình huống phát sinh dở khóc dở cười, nhưng Hạnh đã trở thành người mẹ đích thực.

Từ nhu cầu của khán giả, các nhà sản xuất, đặc biệt là Đài Truyền hình Việt Nam gần đây đã chú tâm hơn tới những bộ phim mang sắc màu ấm áp, tươi sáng. Trên nhiều diễn đàn phim Việt, những bộ phim như Gặp em ngày nắng, Lỡ hẹn với ngày xanh được khán giả yêu mến. Câu chuyện phim của Gặp em ngày nắng gần gũi, đề cập mâu thuẫn trong gia đình, sự khác biệt trong tư duy và lối sống của những tầng lớp khác nhau trong xã hội nhưng không căng thẳng, không khoét sâu vào sự khác biệt hay chênh lệch giàu-nghèo. Vượt qua sự khác biệt, các nhân vật đều tìm ra cách giải quyết ôn hòa.

Lỡ hẹn với ngày xanh dù vừa phát sóng được vài tập nhưng cũng thu hút khán giả nhờ các nhân vật trẻ do các diễn viên Huỳnh Anh, Xuân Anh thủ vai. Họ có lý tưởng, dám theo đuổi mơ ước, khát vọng… Từ màu sắc tươi tắn đến lời thoại của những nhân vật chính đều chiếm thiện cảm của khán giả.

Người một nhà chuẩn bị lên sóng cũng là một trong những bộ phim được kỳ vọng mang đến góc nhìn ấm áp về tình cảm gia đình, nhất là tình cảm anh em. Các nhân vật tuy gặp hoàn cảnh éo le nhưng họ chọn cách sửa sai, vượt qua thử thách bằng cách bao bọc, chăm lo cho nhau.

Nhìn ra thế giới, nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc hiện đang đi tiên phong sản xuất dòng phim chữa lành, với các tác phẩm đa dạng đề tài. Khán giả yêu mến các tác phẩm như Điệu cha cha cha làng biển, kể về nơi nuôi dưỡng những tâm hồn bị tổn thương, Cuộc đình công mùa hè nói về người trẻ tuổi tạm biệt cuộc sống ồn ào nơi thành thị để tận hưởng nhịp điệu chậm rãi, an lành ở nông thôn. Bộ phim Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo xoay quanh cô gái tự kỷ, vượt lên nghịch cảnh để trở thành luật sư tài ba, có được hạnh phúc trong đời sống. Các tác phẩm mang tinh thần tươi sáng, chữa lành đang “nở rộ” và áp đảo về mặt số lượng. Không xoáy sâu vào những bi kịch long trời lở đất, các nhà làm phim Hàn Quốc ưu tiên những lát cắt đời sống nhẹ nhàng và dung dị như ký ức thời thanh xuân, đời sống tình yêu dân văn phòng…

Những bộ phim truyền hình phát vào “giờ vàng” ít nhiều sẽ tác động đến đời sống xã hội trong việc thay đổi hành vi, thái độ sống, phê phán cái xấu và đem đến sự hướng thiện cho người xem. Vì vậy, chất lượng sản xuất phim và đổi mới trong sáng tác kịch bản cần phải đặt lên hàng đầu. Nhà thơ, phê bình phim Nguyễn Phong Việt nhận định, xu hướng phim chữa lành được ưa chuộng là tất yếu, sau một thời gian khán giả ngập trong câu chuyện của xê-ri truyền hình liên quan đến đề tài “tiểu tam”, bi kịch hôn nhân, mâu thuẫn gia đình nhiều thế hệ... “Đó là chưa kể các đề tài bị lặp lại với ít góc nhìn mới mẻ, từ đó dẫn đến việc món ăn dù ban đầu có thể ngon nhưng nếu ăn mãi thì cũng trở nên nhàm chán. Dòng phim chữa lành, yêu đời, ít bi kịch... đã mang đến hương vị mới lạ cho khán giả, giúp họ cảm thấy ấm áp hơn khi xem phim, nhất là trong bối cảnh cuộc sống hiện đại ngày càng có nhiều áp lực”, Nguyễn Phong Việt nói. Anh cho rằng, nếu được khai thác tốt, dòng phim này chắc chắn tạo ra được một xu hướng mới trong tương lai gần với khán giả màn ảnh nhỏ ■