Mạn đàm văn chương về văn hóa, tinh hoa trong văn, thơ Việt Nam xưa và nay

NDO - Sáng 3/10, tại không gian nghệ thuật 34 Châu Long, Hà Nội đã diễn ra mạn đàm văn chương có chủ đề về văn hóa, tinh hoa trong văn thơ xưa và nay với sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học, được chủ trì bởi nhà sưu tập Thúy Anh - người khởi xướng nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đậm đà tính nhân văn và hướng tới cộng đồng.
Không gian buổi mạn đàm văn học.
Không gian buổi mạn đàm văn học.

Với sự dẫn dắt của Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà phê bình văn học Văn Giá trong vai trò MC, cuộc mạn đàm thu hút sự tham gia của đông đảo nhà văn, nhà thơ nổi tiếng: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; các nhà thơ: Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn, Hữu Việt; các nhà văn: Trần Thị Trường, Nguyễn Trương Quý; Tiến sĩ văn học Nguyễn Thanh Tâm; diễn giả - nhà báo Phan Đăng...

Mạn đàm văn chương là hoạt động thuộc chuỗi sự kiện: ĐẸP số 2 "Văn hoa" (văn hóa và tinh hoa) được tổ chức thành Tuần lễ các sự kiện tôn vinh tinh hoa văn hóa Việt Nam diễn ra từ ngày 1 đến 5/10 tại Hà Nội thông qua sự kết nối, tổ chức của nhà sưu tập Thúy Anh.

Mạn đàm văn chương về văn hóa, tinh hoa trong văn, thơ Việt Nam xưa và nay ảnh 1

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (trái) và nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.

Mở đầu cuộc mạn đàm, nhà sưu tập Thúy Anh bày tỏ cơ duyên được biết đến nhiều văn nghệ sĩ. Cuộc gặp gỡ như một sự đáp lại tấm chân tình và bày tỏ lòng ngưỡng mộ của chị với các văn nghệ sĩ - những người đóng góp, cống hiến cho tinh hoa của điệu hồn dân tộc.

Các văn nghệ sĩ có cùng nhận định: Nhà sưu tập là một người yêu văn hóa, hướng tới nhiều hoạt động thiết thực và ứng xử với văn hóa nghệ thuật bằng tình yêu để từ đó kết nối những tài năng, tâm huyết. Hành trình ấy thật đáng trân trọng và đem đến cho chúng ta tình yêu con người, tình yêu cái đẹp.

Mạn đàm văn chương về văn hóa, tinh hoa trong văn, thơ Việt Nam xưa và nay ảnh 2

Nhà sưu tập Thúy Anh (phải) đã có nhiều hoạt động lan tỏa văn hóa nghệ thuật.

Chia sẻ về văn hóa, tinh hoa Hà Nội, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều bày tỏ: "Khi bước vào không gian mạn đàm, tôi nhận ra đây là một trong những không gian hiếm hoi còn sót lại của Thủ đô. Tôi như được vén tấm mành để ngó vào Hà Nội. Sự trang trọng của buổi mạn đàm đang lan tỏa dần trong tôi. Những người thân quen tôi gặp hằng ngày mà hôm nay như gặp lần đầu. Có lý do nào đó khiến tôi thấy mới mẻ. Các hoạt động ý nghĩa cần được kiến tạo, lan tỏa và cổ vũ mạnh mẽ hơn".

Nhà thơ Vũ Quần Phương hồi nhớ: Không gian mạn đàm khiến ông quay về ký ức ngày xưa - thời mà các văn nghệ sĩ, như: Bùi Xuân Phái, Trần Quốc Vượng... cũng thường tạo nên những cuộc gặp gỡ, tạo nên không khí nghệ thuật cho Hà Nội. Ông bày tỏ niềm xúc động bởi cuộc mạn đàm đã khiến ký ức bập bùng của ông được sống lại tươi mới hơn. Nhà thơ hóm hỉnh và khiêm tốn so sánh buổi mạn đàm cũng như "lớp học hàm thụ", để tôi học hỏi để tôi được hiểu mọi người hơn, đặc biệt là người hoạt động về văn hóa - sưu tập như chị Thúy Anh.

"Các bạn hôm nay làm được rất nhiều việc mà chúng tôi không làm được. Tôi vẫn luôn tranh thủ học các bạn mọi lúc mọi nơi", nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ.

Mạn đàm văn chương về văn hóa, tinh hoa trong văn, thơ Việt Nam xưa và nay ảnh 3

Nhà thơ Vũ Quần Phương (trái) dành nhiều lời khen cho chuỗi hoạt động văn hóa.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý đóng góp ý kiến: Hà Nội có một cái hay là trong những buổi gặp gỡ văn hóa mọi người tham gia rất nhiệt tình. Tạo nên một không khí văn hóa rất đặc trưng. Anh đi nhiều đất nước nhiều hội thảo, những đất nước phát triển và nhận thấy ở đất nước họ đời sống văn hóa rất dồi dào, văn hóa ấy do cá nhân mỗi người tạo nên. Vậy nên không gian như các cuộc mạn đàm mỹ thuật, văn học, chương trình ca nhạc... thuộc chuỗi sự kiện "Đẹp số 2 "Văn hoa" (văn hóa và tinh hoa)" được tổ chức thành tuần lễ từ ngày 1/10 - 5/10 là rất đặc trưng, đặc thù Hà Nội.

Tuy nhiên, cũng cần phải có những người đứng ra như nhà sưu tập Thúy Anh, cần có những cá nhân hiểu và chia sẻ được với nhau thì mới tổ chức được. Cũng đã đến lúc chúng ta cần làm gì đó để thúc đẩy văn hóa đô thị của mình sâu hơn. Những công trình có thể biến mất nhưng giá trị của con người thì có thể lưu giữ được mãi mãi.

Mạn đàm văn chương về văn hóa, tinh hoa trong văn, thơ Việt Nam xưa và nay ảnh 4

Nhà báo - diễn giả Phan Đăng chia sẻ về vẻ đẹp của phố và người Hà Nội.

Nhà báo - diễn giả Phan Đăng chia sẻ tại mạn đàm về một Hà Nội của phố và người. Anh nhận định, phố Hà Nội rất nên thơ. Những cảm xúc về phố đánh thức con người về Hà Nội cổ xưa. Còn về người, chính những người có mặt tại mạn đàm đã đánh thức anh ý thức sâu hơn về Hà Nội. Như nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà văn Nguyễn Trương Quý gợi nhớ về những Hà Nội hào hoa. Anh cho rằng, những con người tụ về Hà Nội xuất xứ ở đâu không quan trọng nhưng ta sống và để lại chút gì đó cho mảnh đất văn hóa này.

Tiến sĩ văn học Nguyễn Thanh Tâm trao đổi: Người tổ chức, các khách mời, diễn giả có mặt tại đây đã là một định nghĩa về tinh hoa Hà Nội. Chúng ta đã hoài niệm về một Hà Nội rất đẹp, triệu hồi những ký ức đẹp, và cũng vô tình đánh rơi mất những ký ức về sự lăn lộn mưu sinh của chính mình ở đây. Chúng ta từng có một Hà Nội vất vả trong văn chương và trong thực tế. Hà Nội đúng là rất nhiều điều đáng trân trọng... trong đó có cả cái đẹp sang trọng và sự vất vả".

Xúc động với những nội dung sâu sắc của cuộc mạn đàm, nhà sưu tập Thúy Anh bày tỏ: "Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng thuở nhỏ, hình dung trong tôi chưa rõ rệt về tình yêu Hà Nội. Chỉ là những gì gần gũi, như: con phố, mái trường, con đường, hàng cây... Sau này xa Hà Nội, xa Tổ quốc, tôi mới hiểu hơn, và khi trở về càng muốn gắn bó."

Những năm qua, nhà sưu tập Thúy Anh được biết đến qua hành trình miệt mài khởi xướng, tổ chức nhiều chuỗi hoạt động văn hóa thông qua các triển lãm, mạn đàm về mỹ thuật, văn học, ẩm thực, âm nhạc... nhằm kết nối, tôn vinh tinh hoa văn hóa Việt Nam và hướng tới giá trị tích cực, cống hiến với cộng đồng.

Trong bối cảnh đồng bào nhiều địa phương trong cả nước đã và vẫn đang chịu hậu quả nặng nề của bão lũ; nhiều lực lượng trong xã hội đang tiếp tục hỗ trợ... nhà sưu tập cho rằng, văn hóa từ lời nói, việc làm cho đến văn học nghệ thuật đóng vai trò quan trọng. Cùng với sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực, những giá trị nhân văn, tinh hoa sẽ luôn chạm đến trái tim, cảm xúc của đồng bào để từ trong đau thương, mất mát họ có quyền hy vọng, tin yêu và bước tiếp...

Mạn đàm văn chương về văn hóa, tinh hoa trong văn, thơ Việt Nam xưa và nay ảnh 5

Theo các chuyên gia, cần tổ chức nhiều hơn nữa các mạn đàm về văn hóa.

Nhà sưu tập Thúy Anh dự định, trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa với nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc sắc có mục đích hướng đến cộng đồng bằng giá trị nhân văn, đóng góp thiết thực để chia sẻ cùng đồng bào các vùng miền chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, giúp bà con thêm vững vàng, hy vọng vào những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

"Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Đất nước, người dân đang gồng gánh hậu quả vô cùng nặng nề của cơn bão lũ và tới giờ vẫn chưa chấm dứt. Chúng ta tôn vinh tinh hoa văn hóa đồng nghĩa với trách nhiệm cần tham gia giúp đỡ, sẻ chia, vì cộng đồng để từ đó lan tỏa, ươm mầm cho nhiều thế hệ" - nhà sưu tập Thúy Anh.

Là người khởi xướng, tổ chức nhiều chương trình văn hóa, nhà sưu tập Thúy Anh nhấn mạnh: "Tôi mong muốn, nếu được, chúng ta hãy cùng nhau làm nên điều gì để lan tỏa tinh hoa văn hóa rất đặc biệt và đặc thù này, những gì chúng ta đã có, chúng ta hãy nỗ lực lan tỏa rộng hơn, sâu hơn đến cộng đồng một cách thiết thực. Có đó chưa phải điều gì quá lớn lao, nhưng vẫn có sự tác động, đóng góp cho văn hóa cộng đồng".

Mạn đàm văn chương về văn hóa, tinh hoa trong văn, thơ Việt Nam xưa và nay ảnh 6

Nhà sưu tập Thúy Anh (phải) dự định sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa quy mô để từ đó có đóng góp thiết thực cho cộng đồng.

Theo chị, cái đẹp không nên chỉ dừng lại trong phạm vi các tác phẩm nghệ thuật mà cần đưa tinh thần ấy đến với tất cả cộng đồng bằng tâm huyết của mình để "dù có đi bốn phương trời", tinh hoa văn hóa Việt sẽ toát lên từ tâm hồn con người, khí chất con người Việt; từ sự nâng tầm tư duy, thẩm mỹ.