Con bài chiến thuật của Man City
Với người hâm mộ, đoàn quân của huấn luyện viên Pep Guardiola là những người theo đuổi lý tưởng bóng đá một cách rõ ràng. Họ thống trị quyền kiểm soát bóng, liên tục điều chỉnh lối chơi nhằm thích ứng với các đối thủ. Những bàn thắng của Man City thường đến từ các pha phối hợp linh hoạt, hàng loạt những đường chuyền trôi chảy hay còn là sự bất ngờ sau những tình huống xoay người nhằm nhanh chóng chuyển đổi trạng thái tấn công.
Những kỷ lục về điểm số hay cú ăn ba gần nhất là minh chứng cho sức mạnh của tập thể. Nhưng, lối đá của Man City còn dựa trên quy tắc gây khá nhiều tranh cãi - sử dụng các lỗi chiến thuật nhằm ngăn cản đối phương phản công nhanh.
Phạm lỗi chiến thuật là một phần không thể thiếu trong lối chơi của Man City. |
"Tôi không huấn luyện những pha tắc bóng và phạm lỗi chiến thuật. Thật đơn giản, việc để mất bóng khiến đối thủ thực hiện chuyển đổi cực kỳ nhanh. Và khi bạn đến muộn, bạn đành quyết định phải phạm lỗi trong giây phút đó" - Pep Guardiola từng chia sẻ thẳng thắn trong một cuộc họp báo diễn ra tháng 1/2020.
Đối với nhiều người, đây là hành động phi thể thao. Nhưng nếu đứng trên góc độ một người chơi đơn thuần, đó cũng chỉ là một phần của "nghệ thuật đen tối" trong bóng đá.
Rõ ràng, Man City không cố gắng huấn luyện điều này, bởi nguy cơ dẫn đến chấn thương cho các cầu thủ. Nhưng, Pep luôn cố gắng điều chỉnh tư duy của học trò. Tất cả phải đánh giá thật nhanh sự nghiêm trọng của các tình huống phản công và đưa ra những phản ứng khi cần.
"Phạm lỗi. Nếu có sự chuyển tiếp, hãy phạm lỗi". Đó là tiếng hét của Huấn luyện viên trưởng Arsenal Mikel Arteta - cựu trợ lý của Pep Guardiola trong bộ phim tài liệu All or Nothing: Manchester City (mùa giải 2017-2018).
Bây giờ, chỉ Arsenal (49,5%) có tỷ lệ phạm lỗi ở một phần ba cuối sân cao hơn Man City (39,3%). Nhìn vào các pha phản công nhanh bắt đầu từ phần sân đối phương và tỷ lệ phạm lỗi của mỗi đội sau đó trong vòng tám giây, top 4 gồm Arsenal, City, Brighton & Hove Albion và Tottenham Hotspur.
Rodri là cầu thủ phạm lỗi hàng đầu của Man City mùa này. Anh , thay thế Fernandinho, cầu thủ phạm lỗi chính của Man City từ năm 2016 đến 2019. Các tiền vệ trung tâm thường đứng đầu bảng xếp hạng phạm lỗi do bản chất vai trò đánh chặn của họ.
Song, cần nhìn vào những cái tên tiếp theo của đội bóng áo xanh. Mùa giải này, lần lượt Alvarez, Phil Foden và Bernardo Silva. Năm ngoái, Haaland là người về nhì. So với mùa giải 2018-2019, Man City đang phạm lỗi nhiều hơn gần 10% ở một phần ba cuối sân và phạm lỗi ít hơn 6,6% nơi hàng phòng ngự.
Quan trọng hơn cả, nghiên cứu năm 2021, ở cả năm giải đấu hàng đầu châu Âu trong suốt 10 năm trước đó, phân tích các tình huống phạm lỗi trong mối tương quan giữa số lượng bàn thắng mỗi trận và số điểm kiếm được. Số liệu chỉ ra rằng: những pha phạm lỗi chiến thuật chống phản công nhanh góp phần mang đến thành công cho các đội thực hiện lối chơi kiểm soát bóng. Đặc biệt, sự tích cực được nhìn thấy rõ rệt ở Premier League nhiều hơn các giải đấu lớn khác ở châu Âu.
Vậy, đâu là điểm yếu của Man City?
Nếu nhìn sang đấu trường Champions League, năm bàn thua của Man City về cơ bản đều giống nhau. Dù đó là trận đấu với Leipzig, Young Boys hay Red Star Belgrade, đội bóng áo xanh thủng lưới sau năm pha phản công nhanh. Bóng được luân chuyển một cách chóng mặt ra phía sau hàng phòng ngự, đặt thủ môn trong tình huống một đối một.
Openda ghi hai bàn vào lưới Man City tại đấu trường Champions League. |
"Thật không bình thường khi để đối phương ghi tới bốn bàn (trong trận đấu với Chelsea) hay những bàn thua chúng tôi phải nhận ở đấu trường Champions League. Điều này không xảy ra trong mùa giải trước. Đó là sự thật đáng buồn" - Pep phát biểu sau trận thắng 3-2 trước Leipzig vào giữa tuần.
Mùa giải 2022-2023, Pep nhận định chìa khóa giúp Man City giành cú ăn ba là khả năng phòng ngự "đúng đắn" của họ, khả năng các hậu vệ của họ giành chiến thắng trong các pha tranh chấp tay đôi, tắc bóng, đánh đầu... Pep đã khôn khéo khi cài hình ảnh trận hòa 4-4 trước Chelsea thay vì tập trung vào những vấn đề gặp phải tại sân chơi Champions League.
Nhìn vào trận hòa gần nhất trước Liverpool, đội bóng áo đỏ chỉ có thể tung ra ba cú sút trúng đích (trong tổng số tám lần vung chân). Không dễ để thoải mái tung ra pha dứt điểm trên phần sân của Man City.
Theo thống kê, Man City có hàng thủ tốt thứ ba ở Premier League (để thủng lưới 13 bàn). Song, họ chỉ giữ sạch lưới bốn trận trong tổng số 13 cuộc đọ sức quốc nội. Trên tất cả các đấu trường, con số này cũng chỉ là năm trên tổng số 21.
Mùa giải trước, Man City nhận trung bình 2,53 cú sút trúng đích so 2,77 lần ở Premier League mùa này. Chấn thương kéo dài của John Stones và sự vắng mặt của Rodri khiến điểm yếu của đội bóng áo xanh ngày càng lộ rõ.
"Trận duy nhất chúng tôi để thủng lưới nhiều bàn thắng là trận gặp Chelsea. Các cặp đấu còn lại nằm ở ở mức trung bình giống như mùa giải trước. Nhưng mức trung bình được xem xét giống như cuộc chạm trán với Liverpool và dừng lại chỉ từ hai đến ba lần. Nói chung, đây là kết quả tốt. Ngoại lệ duy nhất là Chelsea với những nỗ lực không biết mệt mỏi của đội bóng London" - Pep nhận định.
Sai lầm thường xuyên ở hàng phòng ngự Man City là điểm yếu đang được nhiều đội bóng khai thác. |
Dẫu vậy, có một tập thể khác của Thủ đô London cũng thường xuyên gieo sầu cho Pep trong những lần gặp gỡ gần đây. Tám cuộc đọ sức gần nhất giữa Tottenham và Man City tại Premier League, Gà trống thắng tới năm hòa một và chỉ để thua hai lần.
Man City đang hạn chế rất tốt số cơ hội mà họ phải nhận, nhưng cái duyên ghi bàn của Son Hueng-min và Kulusevski trước đội bóng áo xanh, cũng như tốc độ và sự hòa nhập nhanh chóng của Brennan Johnson chắc chắn sẽ khiến Pep phải đau đầu.
Những thay đổi tích cực của Tottenham
Sau 13 vòng đấu, và dù để thua ba trận gần nhất, Gà trống đang sở hữu cách biệt chỉ bốn điểm với đội đứng đầu bảng. Mọi chuyện diễn ra không đến nỗi tệ ở London. Thậm chí, người hâm mộ Spurs chính là những người hạnh phúc nhất khi chứng kiến những màn trình diễn đã mang về tới 26 điểm.
Tottenham đã thi đấu đầy khởi sắc ở những vòng đầu. |
Trung bình, sau 13 vòng đấu Spurs kiếm được 2 điểm mỗi trận. Nếu giữ được thành tích tương tự ở phần còn lại của mùa giải, họ sẽ mang về 76 điểm. Kết quả này là thừa đủ để giúp đội cán đích ở vị trí thứ 2 hoặc thứ 3 khi nhìn vào bảng xếp hạng Premier League ở sáu mùa giải đã qua. Điều này cho thấy tương lai đầy hứa hẹn và triển vọng.
Tuy nhiên, ba trận thua gần nhất, chấn thương của các trụ cột như Micky van de Ven hay James Maddison và những đối thủ khó nhằn sắp tới như Man City... khiến người hâm mộ khó có thể giữ được lạc quan như thời điểm đầu mùa.
Song, huấn luyện viên Postecoglou đã nhắc đi nhắc lại rằng thử thách là điều bình thường nếu một đội bóng muốn vươn tới đỉnh. Để so sánh, bốn đội bóng xếp trên Tottenham là Aston Villa, Liverpool, Man City và Arsenal đều phải trải qua thời điểm khó khăn - đặc biệt trong thời điểm chuyển giao quyền lực.
"Nếu bạn muốn thay đổi, bạn không thể tiếp tục làm mọi thứ như cũ và mong đợi một kết quả khác. Tôi chắc chắn không kiêu ngạo đến mức nghĩ rằng chỉ cần tôi bước vào sẽ mang lại thành công cho đội bóng. Bạn phải thật sự tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa, ngay từ các vận hành nhân sự và lối chơi". Đó là khẳng định của Postecoglou và ông đã biến đổi Tottenham một cách chóng mặt.
Để nhấn mạnh mức độ thay đổi về mặt nhân sự, đội hình ưa thích của Postecoglou gồm năm cầu thủ không thi đấu cho Spurs mùa trước với bốn bản hợp đồng mới. Năm trong số 11 cầu thủ là một tỷ lệ rất lớn và ba trong số họ chưa từng chơi ở Premier League trước đây.
Chỉ có Chelsea và Nottingham Forest tung vào sân nhiều gương mặt mới hơn trong quãng thời gian gần đây. Nhưng kết quả lại cho thấy những bộ mặt hoàn toàn khác biệt. Với Chelsea, phong độ của các cầu thủ trẻ vẫn mãi phập phù và bằng chứng là đội bóng cứ mãi quẩn quanh ở khu vực giữa bảng xếp hạng. Forest còn lạc nhịp hơn khi chỉ cách nhóm cầm đèn đỏ "vài bước chân".
Mùa giải trước, Spurs là đội bóng lớn tuổi thứ 4 giải đấu với độ tuổi trung bình là 27,1. Bây giờ, họ trở thành tập thể trẻ tuổi thứ 4 với độ tuổi trung bình là 25. Đó là sự thay đổi lớn trong khoảng thời gian rất ngắn và là dấu hiệu cho thấy đội hình được xây dựng hướng tới tương lai.
Những gương mặt mới đã hòa nhập rất nhanh tại Spurs. |
Số đường chuyền được thực hiện ở khu vực một phần ba cuối sân đã tăng vọt từ 42,9% lên 60,8% trong năm nay cho thấy nỗ lực triển khai bóng nhiều hơn của Gà trống. Spurs hiện cũng tìm cách chiếm ưu thế về kiểm soát bóng, trung bình kiểm soát bóng lên tới 59,8%, so với 49,9% ở mùa giải trước.
Sự thay đổi được giải thích ngay từ việc đội bóng đã hạn chế những đường chuyền dài. Tại Premier League, chỉ Brighton thực hiện những quả phát bóng dài ít hơn Spurs. Gà trống đạt tỷ lệ phất bóng lên hơn 40m khoảng 16,9%, bằng một nửa so con số 33,3% mà Hugo Lloris và Fraser Forster thực hiện vào mùa trước.
Đặc biệt, dù nỗ lực kiểm soát bóng nhiều hơn, Spurs vẫn giữ được máu phản công nhanh khi thực hiện trung bình 2,9 đòn tấn công so con số 2,8 lần trước đó.
Và mặc dù chơi bằng chân trước nhiều hơn, họ vẫn thực hiện nhiều pha phản công hơn (2,9 đòn tấn công trực tiếp mỗi trận so với 2,8) so với mùa giải trước. Tất cả nhằm tạo nên tập thể tràn trề động lực, với phong độ bùng nổ vào đầu mùa giải.
"Chiếc động cơ" bền bỉ của Spurs
Khi Spurs dẫn đầu giải đấu sau 10 trận, bạn không thể không khen ngợi James Maddison, Son Heung-min, Micky van de Ven, Cristian Romero, Destiny Udogie, Yves Bissouma, Guglielmo Vicario và Pape Matar Sarr. Pedro Porro cũng bắt đầu được tặng hoa một cách muộn màng, thế còn Kulusevski thì sao?
Kulusevski dần trở thành trụ cột lặng lẽ của Spurs. |
Chàng trai Thụy Điển đã ghi bàn duy nhất trong trận derby London với Chelsea. Điều nhanh chóng bị che mờ trong trận thua 1-4 của họ. Nhưng điều này có lẽ sẽ sớm thay đổi. Khi Spurs mất quá nhiều cầu thủ vì chấn thương, độ tin cậy, sự bền bỉ và khả năng thích ứng của Kulusevski sẽ giúp anh bắt đầu tỏa sáng mạnh mẽ.
Trong trận đấu với Aston Villa ở vòng trước, dù chơi bóng ở vị trí số 8 hay số 10, Kulusevski gây ấn tượng bởi những cố gắng không ngừng nghỉ bất kể vai trò trên sân. Anh đã thực hiện ba đường chuyền quan trọng và ba cú sút. Đáng tiếc, may mắn đã không mỉm cười khi một trong số đó đi trúng cột dọc.
Màn trình diễn ấn tượng của Kulusevski đã phản ánh đầy đủ những phẩm chất tốt nhất của anh. Sự khéo léo đã mở ra cơ hội thuận lợi cho Bryan Gil. Khát khao và sức chịu đựng tuyệt vời đã tạo nên áp lực khiến anh giành được quả ném biên ở một phần ba cuối sân của Pau Torres. Tốc độ cùng óc quan sát được thể hiện ở tình huống dạt biên và tạt bóng mang đến cơ hội đánh đầu cho đội trưởng Son Hueng-min.
Kulusevski đã chạy, chạy và không ngừng chạy ở tốc độ cao. Điều này giúp anh luôn đứng đầu bảng xếp hạng về khoảng cách di chuyển ở Premier League. Chính khả năng liên tục tiến lên không mệt mỏi nhằm đóng góp cho lối chơi chung là lý do khiến anh ấy được đồng đội hết lòng yêu mến.
Vấn ở đây là khả năng này không xảy ra một cách tình cờ. Đó là quá trình mài giũa lâu dài. Như phóng viên Mattias Tengblad của tờ SportExpressen Thụy Điển bật mí, hầu hết mọi người đều ấn tượng với Kulusevski, không chỉ vì tài năng đơn thuần mà còn vì anh ấy là cầu thủ cực kỳ chăm chỉ, mẫu cầu thủ cổ điển luôn đặt tập thể lên trên hết. Đây cũng là một phần lý do khiến anh ấy rất nổi tiếng ở quê nhà.
Sự bền bỉ của Kulusevski đã khiến anh chỉ bỏ lỡ 37 phút thi đấu ở Premier League mùa này. Không có tiền vệ nào của Spurs chơi nhiều đến vậy.
Hiện tại, cuộc khủng hoảng chấn thương của Spurs cũng thôi thúc Kulusevski đóng vai trò trung tâm hơn. Anh đã thể hiện phẩm chất của những trụ cột khi liên tục đua tranh và truy đuổi đối thủ để giữ quyền kiểm soát bóng.
Dĩ nhiên, Kulusevski không hoàn hảo. Người hâm mộ Spurs luôn chờ đợi anh dứt điểm nhiều hơn, thay vì tỷ lệ trung bình 1,9 cú sút mỗi 90 phút. Sự sụt giảm lớn đang diễn ra. Từ việc góp dấu giầy vào 13 bàn thắng (năm bàn và tám kiến tạo sau 18 trận đầu tiên) đã giảm xuống chín bàn (hai bàn và bảy kiến tạo sau 30 trận mùa trước). Sau 13 trận đầu mùa, anh mới ghi được ba bàn thắng mà chưa thể có bất kỳ đường kiến tạo nào.
Spurs chia tay đội trưởng Harry Kane được nhắc đến như nguyên nhân chính cho sự sụt giảm kể trên. Song, số đường kiến tạo dự kiến (expected assists - xA) là 2,4 cho thấy chất lượng cơ hội cầu thủ Thụy Điển lẽ ra phải dẫn đến ít nhất là hai pha bóng thành bàn. Phong độ tệ hại của Richarlison và những tình huống bỏ lỡ khó tin đã khiến Kulusevski không thể lọt top những tiền vệ công có nhiều pha kiến tạo nhất.
Kulusevski và Son có duyên ghi bàn tại Etihad. |
Dẫu vậy, sân Etihad là nơi Kulusevski thể hiện cái duyên của mình khi anh đã ghi bàn trong cả hai chuyến viếng thăm gần nhất. Nỗ lực chạy không ngừng nghỉ của anh trước tập thể Man City vốn đang mắc nhiều sai lầm hoàn toàn có thể mở ra những khoảnh khắc săn bàn đáng chú ý.
Vượt qua Man City là viễn cảnh không thể tuyệt vời để người hâm mộ Gà trống quên đi chuỗi trận thua đen đủi, đồng thời tiếp thêm động lực giúp họ bay cao trong những vòng đấu cuối năm.