Lý do để cầm bút

Sắp đến Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, các đồng nghiệp trong cơ quan râm ran hào hứng hẳn lên sau những ngày nhọc nhằn, vất vả và lặng lẽ với bài vở. Tôi cảm thấy đó là những niềm vui rất thật của các nhà báo, mà thông thường sự chuyên nghiệp, nghiêm túc, trăn trở với công việc đã phần nào che khuất.
0:00 / 0:00
0:00

Náo nức là thế, nhưng rất nhanh thôi các nhà báo sẽ lại tạm quên đi chính mình để dồn thời gian, tâm huyết cho công việc vốn luôn cần đến sự hết mình này, thậm chí phải là cháy hết mình. Có lẽ, bất kể một nghề nghiệp nào cũng cần phải có đạo đức, có khả năng, có hiểu biết và nhất là sự đam mê. Nhưng với nghề báo, nếu ai thật sự trăn trở với nghề thì sẽ càng thấm thía.

Mỗi khi đặt bút để bắt đầu một bài báo, tôi vẫn luôn tự hỏi, mình viết vì điều gì, những điều mình viết sẽ có ý nghĩa như thế nào, với ai? Những câu hỏi ấy khiến tôi luôn có trách nhiệm với điều mình viết. Bởi lúc ấy, không phải tôi viết cho riêng tôi, mà tôi viết cho những bạn đọc thân quý ở ngoài kia. Bạn đọc của tôi, có thể là những nhân viên văn phòng, có thể là những người lính, có thể là những công nhân, có thể là những người lớn tuổi, có thể là những em học sinh…

Tôi không thể lựa chọn ai là người đọc, nhưng tôi có thể lựa chọn thông điệp mà mình gửi đến cho mọi người. Lương tâm của một nhà báo không cho phép tôi và những đồng nghiệp chân chính viết ra những thông điệp sai sự thật, thiếu chính xác, thiếu lành mạnh…

Nói ra là vậy, nhưng để làm được điều đó, chúng tôi phải trang bị cho mình rất nhiều điều như: phải có hiểu biết chính xác nhất về điều mình đang viết; có kỹ năng nghề nghiệp, cụ thể là ngôn ngữ để truyền tải được sự thật ấy; có nhân cách của người cầm bút để không bị sai lạc, bị chi phối bởi bất cứ một tác động nào; có bản lĩnh để viết ra và chịu trách nhiệm về những gì mình viết. Nghề báo chính là nghề mà đòi hỏi nhà báo phải có “rất nhiều trong một”. Và quả thực, nếu ai không có đam mê với nghề thì không thể nào đi được đường dài trong nghề này.

Xã hội luôn thay đổi và phức tạp. Nghề báo đang phải đứng trước rất nhiều sự thách thức, áp lực, hiểm nguy, cám dỗ... Xưa nay chúng ta vẫn nói báo chí sẽ giúp cho xã hội giảm tiêu cực. Nhưng sự thật thì ngay cả trong nghề báo cũng có những tiêu cực. Tuy vậy, sự chân chính ở bất cứ lĩnh vực nào cũng luôn tồn tại và được tôn vinh. Những nhà báo chính trực hôm nay vẫn đang miệt mài, say mê mỗi ngày để cất lên tiếng nói của chân lý, của lương tâm cũng như phản ánh đúng những bước đi của thời cuộc. Sự chính trực ấy đã không ngừng đào thải, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, mượn danh báo chí để đánh tráo những giá trị tốt đẹp.

Nhìn niềm vui của các đồng nghiệp khi họ bằng ngòi bút của mình, mang đến cho xã hội những thay đổi tốt đẹp, tôi cảm thấy thêm yêu công việc. Cho dù đó chỉ là một thay đổi nhỏ, bắt đầu từ sự thay đổi tư duy về cái đẹp, cái thiện của mỗi người. Nhưng thay đổi nhỏ sẽ làm nên những chuyển biến lớn. Xưa nay, mọi sự lớn lao đều bắt đầu từ điều nhỏ bé. Như những dòng suối sẽ đổ ra sông, những dòng sông sẽ đổ về biển cả.

Nghề báo cho chúng tôi được quyền tin yêu, được quyền hy vọng vào con người. Đó cũng là lý do mà chúng tôi cầm bút.