EU đặt mục tiêu giảm 15% lượng khí đốt trong giai đoạn từ tháng 8/2022-3/2023, so với bình quân cùng kỳ của 5 năm liền trước đó. Đây là một phần trong kế hoạch REPowerEU nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của EU vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Theo Văn phòng thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat), trong khoảng thời gian từ tháng 8-11/2022, mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên đã giảm ở hầu hết các quốc gia thành viên trong khối, trong đó Phần Lan, Latvia và Litva ghi nhận mức giảm mạnh nhất lần lượt là 52,7%, 43,2% và 41,6%.
Có 6 quốc gia thành viên chưa đạt được mục tiêu do EU đề ra, trong đó lượng khí đốt tiêu thụ tại Malta và Slovakia gia tăng.
Theo dữ liệu hằng tháng từ tháng 1-11/2022, mức tiêu thụ khí đốt tại các nước EU luôn thấp hơn mức trung bình từ năm 2017-2021 của các tháng tương ứng trong những năm đó.
Từ tháng 1-7/2/2022, mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên ở EU dao động trong khoảng 1.938 petajoules (PJ) vào tháng 1-tháng lạnh hơn theo mùa dẫn tới mức tiêu thụ cao hơn - và 785 PJ vào tháng 7, cho thấy mức giảm tổng thể hằng tháng, thậm chí trước mục tiêu 15%.
Mức giảm trong tháng 5 là 12,9% và trong tháng 6 là 7,1%. Mức giảm trong các tháng 8, 9, 10 và 11 dao động trong khoảng từ 13,9-24,2%. Tháng 8 là tháng ghi nhận lượng khí đốt tiêu thụ thấp nhất.
Các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đang tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế Nga để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Giá nhiên liệu tại châu Âu vẫn ở mức cao đang làm dấy lên lo ngại rằng các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh có thể phải đối mặt với tình trạng mất điện hoặc không thể thanh toán các hóa đơn năng lượng.
Mới đây nhất, EU đã áp giá trần khí đốt đối với Nga, trong bối cảnh châu Âu đã bước vào mùa đông lạnh giá với ít lựa chọn về năng lượng hơn.
Hãng tin Bloomberg ngày 18/12 cho rằng việc từ bỏ khí đốt của Nga đã khiến châu Âu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD. Số tiền này là do giá điện tăng đối với các công ty và người tiêu dùng châu Âu.