Lực bán áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới

NDO - Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, năng lượng là nhóm hàng duy nhất có chỉ số MXV-Index tăng trong ngày giao dịch đầu tuần (11/12).
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lực bán áp đảo trên bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp và kim loại đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,33% xuống 2.107 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt hơn 4.200 tỷ đồng trong ngày hôm qua.

Đáng chú ý, thời tiết bất lợi ở Brazil đang góp phần hỗ trợ giá cà-phê tăng mạnh. Giá cà-phê tăng lần lượt 3,92% với Arabica và 3,8% với Robusta. Cùng xu hướng, giá dầu cũng nhích nhẹ nhờ kỳ vọng nhu cầu cải thiện.

Lực bán áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới ảnh 1

Giá cà-phê tăng mạnh trước thông tin mùa vụ Brazil bị đe dọa

Khép lại phiên giao dịch 11/12, giá cà-phê tăng lần lượt 3,92% với Arabica và 3,8% với Robusta. Xuất khẩu cà-phê của Việt Nam tăng sau 7 tháng giảm liên tiếp không đủ lấn át thông tin rủi ro nắng nóng tại Brazil.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 11, Việt Nam đã xuất 119.297 tấn cà-phê, tăng 172,8% so tháng trước. Đây cũng là tháng tăng đầu tiên sau 7 tháng xuất khẩu giảm liên tiếp. Dù vậy, lượng cà-phê xuất đi trong tháng qua vẫn thấp hơn so cùng kỳ năm 2022. Lũy kế xuất khẩu 11 tháng năm 2023 giảm 10% so năm trước.

Lực bán áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới ảnh 2

Hơn nữa, nắng nóng có xu hướng lan tới vùng trồng cà-phê chính của Brazil trong 10 ngày tới, tiềm ẩn rủi ro cây cà-phê niên vụ 2024/25 phát triển. Điều này dấy lên nghi ngờ về dự báo triển vọng nguồn cung cà-phê tích cực trong niên vụ tới tại Brazil của các hãng tư vấn đưa ra trước đó.

Ngoài ra, trong nhóm hàng nguyên liệu công nghiệp, kết thúc ngày giao dịch hôm qua, giá bông tăng nhẹ 0,69% nhờ lực bán khống từ giới đầu cơ. Giá dầu cọ thô có phiên giao dịch khá giằng co, đóng cửa giá tăng nhẹ 0,03% so tham chiếu. Ở chiều ngược lại, giá đường 11 giảm thêm 3,81% trong phiên hôm qua, về mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (12/12), giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ dao động trong khoảng 60.700-61.600 đồng/kg, tăng mạnh so với ngày hôm trước.

Giá dầu tăng nhẹ nhờ kỳ vọng nhu cầu cải thiện

Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần, giá dầu ghi nhận phiên tăng thứ hai liên tiếp nhờ kỳ vọng nhu cầu cải thiện. Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 0,1% lên 71,32 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại 76,03 USD/thùng, tăng 0,3% so phiên trước.

Lực mua duy trì mạnh mẽ vào đầu phiên nhờ kỳ vọng Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) sẽ tận dụng giá dầu thấp hơn để bổ sung vào kho dự trữ chiến lược (SPR). DOE có kế hoạch mua tới 3 triệu thùng dầu giao hàng vào tháng 3/2024 và tổ chức đấu thầu hàng tháng cho đến tháng 5/2024.

Lực bán áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới ảnh 3

Triển vọng nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ có dấu hiệu khởi sắc cũng góp phần thúc đẩy lực mua trên thị trường. Hiệp hội Ô-tô Mỹ (AAA) dự báo kỷ lục 7,5 triệu người sẽ bay từ ngày 23/12/2023 đến ngày 1/1/2024, đánh dấu mùa du lịch cuối năm bận rộn nhất kể từ khi AAA bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 2000.

Ngoài ra, nhu cầu dầu của Ấn Độ cũng có xu hướng gia tăng. Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Rameswar Teli cho biết, quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới sẽ tăng công suất lọc dầu thêm khoảng 22% vào năm 2028, so mức 253,92 triệu tấn/năm hiện tại, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao. Con số này tương đương với mức tăng trưởng 1,12 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, Bloomberg cho biết các nhà máy lọc dầu của Nga đã xử lý 5,33 triệu thùng/ngày trong 6 ngày đầu tháng 12, giảm khoảng 81.000 thùng/ngày so mức trung bình của tuần trước, ghi nhận tuần giảm thứ hai và là mức thấp nhất kể từ nửa cuối tháng 10. Các chuyến hàng dầu xuất khẩu bằng đường biển của quốc gia này cũng đã giảm xuống 2,74 triệu thùng/ngày trong tuần tính đến ngày 3/12 do ảnh hưởng của cơn bão lớn tại biển Đen.