Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) lấy người bệnh làm trung tâm

Ngày 26/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi). Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, dự hội thảo.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là đạo luật quan trọng có tác động rất lớn đến đời sống xã hội nên Đảng, Nhà nước và nhân dân rất quan tâm. Xây dựng dự án luật là nhằm thực hiện Nghị quyết số 20 của Hội nghị lần 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Luật khi ban hành phải bảo đảm sự thống nhất, tương thích giữa các chương, đặc biệt khắc phục được những bất cập trong phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua. Các giải pháp, chính sách của dự thảo luật đã cơ bản phù hợp các thể chế, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi lần này đã có những thay đổi tích cực, tiếp thu nhiều ý kiến tham gia đóng góp của các chuyên gia, tổ chức, nhà khoa học. Quá trình xây dựng dự án luật đã bám sát theo hướng “lấy người bệnh làm trung tâm”, các giải pháp chính sách của dự thảo luật cơ bản phù hợp, thể chế về cơ bản các chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.

Tại hội thảo, Ủy ban Xã hội của Quốc Hội đã đưa ra một số nhóm nội dung để các chuyên gia, nhà quản lý phân tích, góp ý. Theo đó, nhóm vấn đề thứ nhất liên quan thẩm quyền cấp và thu hồi Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Nhóm vấn đề thứ hai liên quan quy định về kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh.

Nhóm vấn đề thứ ba liên quan hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh; quy định phân cấp hệ thống khám bệnh, chữa bệnh; cách thức chuyển tuyến, kết nối của các tuyến khám bệnh, chữa bệnh; việc phân cấp khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế tư nhân, phân hạng bệnh viện.

Nhóm vấn đề thứ tư liên quan giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; nguyên tắc về quản lý giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; quy định về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Cơ chế tài chính là vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, đầy đủ dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Nhóm vấn đề thứ năm liên quan quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; quy định sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh phi lợi nhuận; khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, dịch vụ kỹ thuật cao.

Đại biểu Quốc hội, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí cho rằng, trong nội dung luật sửa đổi, phần khám, chữa bệnh là nội dung khó nhất, do đó cần được bàn bạc kỹ. Trong đó, giá khám, chữa bệnh cần tính đúng, tính đủ, thể hiện tổng quát. Các hạng mục như giá thuốc men, máu, hóa chất, sinh phẩm… nên đưa vào ngay Điều 1 của Luật. Dựa trên cơ sở đó, các đơn y tế công lập xây dựng giá cụ thể theo mô hình tự chủ toàn diện hay tự chủ một phần phù hợp đặc thù của đơn vị mình, miễn là bảo đảm thu theo đúng quy định của Nhà nước.

Đại diện Công ty Thiết bị y tế Minh Tâm chia sẻ, khi được tiếp cận dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), doanh nghiệp đánh giá rất cao những nội dung tiến bộ trong dự thảo, góp phần tạo hành lang pháp lý rõ ràng để hệ thống y tế Việt Nam tiếp cận tới các kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh.

Theo đó, nếu áp dụng hình thức đấu thầu hóa chất, vật tư, trong đó đơn vị trúng thầu bảo đảm cung cấp thiết bị sử dụng hóa chất, vật tư, sẽ giúp giảm chi phí đầu tư trang thiết bị, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, điều vô cùng quan trọng đó là hình thức này đã và đang được triển khai trên toàn quốc nhưng do chưa có quy định rõ ràng khiến các cơ sở khám, chữa bệnh gặp nhiều vướng mắc về việc thanh toán bảo hiểm, gây ra tình trạng thiếu vật tư, hóa chất, ảnh hưởng quyền lợi của bệnh nhân. Do đó, việc đưa ra quy định rõ ràng hình thức đấu thầu hóa chất, vật tư, trong đó cho phép cung cấp thiết bị là hết sức cấp thiết, đem lại hợp tác bình đẳng và tối ưu hóa lợi ích cho bệnh viện và bệnh nhân.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, nhìn nhận: Tất cả các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh đều đang loay hoay với cơ chế tài chính, đây là điểm hạn chế “không giống ai”, không có nước nào gặp phải. Đến bây giờ mà các bệnh viện vẫn còn loay hoay việc làm sao để cung ứng đủ thuốc, thiết bị y tế, vật tư tiêu hao. Nếu cho hoạt động theo hình mẫu đã có sẵn thì chắc chắn sẽ không có chuyện này xảy ra.

Từ thực tế, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan kiến nghị Ban soạn thảo luật cần đánh giá việc thực hiện luật cũ ban hành từ năm 2009. Bởi, khi đánh giá, tổng kết luật cũ chính là cơ sở để xây dựng và chỉnh sửa luật hiệu quả và sát sườn hơn.