Cầm Quyết định số 111/QĐ-SNV ngày 15/6/2021 do Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Trọng ký, cô giáo Hoàng Thị Lũy, công tác tại Trường mầm non Bình Minh, xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu được chuyển về Trường mầm non xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ, không tin được đó là sự thật. Gần 20 năm cô giáo Lũy gắn bó với nơi khó khăn nhất của huyện, mùa đông thì lạnh và ẩm ướt, mùa hè đối mặt với mưa lũ, 100% học sinh là con em đồng bào H’Mông, sự nghiệp giáo dục còn nhiều gian khó. Dạy trẻ mầm non vùng cao, nghĩa là vừa trông trẻ, vừa dạy tiếng Việt và các kỹ năng sống. Trong khi niềm vui được chuyển từ nhà tạm sang trường xây mới chưa bao lâu, giữa năm 2018, cơn bão lớn làm cả nửa quả núi bị sụt xuống, khiến lớp học nứt toác, cô trò dạy và học trong hoàn cảnh không biết phòng học sập xuống lúc nào. Rồi lại những ngày vất vả kéo dài, tháng 4/2021, ngôi trường mới được khánh thành thì cô và trò lại phải chia tay. “Nhớ lắm những kỷ niệm với vùng cao, để lại một thời son trẻ nhiều nhiệt huyết”, cô giáo Lũy tâm sự.
Cô giáo Hoàng Thị Tùng Bách, Trường THCS Túc Đán, huyện Trạm Tấu, nay được chuyển về Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái chia sẻ: Năm 2000, sau khi tốt nghiệp trung học sư phạm, tôi xung phong lên công tác tại huyện vùng cao Trạm Tấu. Hơn 20 năm gắn bó với học sinh người H’Mông ở xã Xà Hồ, rồi xã Túc Đán, điều kiện rất khó khăn. Ngoài việc điểm trường chỉ có từ một đến hai giáo viên, rồi cứ 5 giờ sáng phải đi bộ đến từng nhà gọi học sinh đi học thì việc ngôn ngữ bất đồng khiến nhiều khi cô Bách chán nản muốn bỏ cuộc, nhưng hình ảnh các em nhỏ chân trần giữa mùa đông giá lạnh, ngồi trong lớp học vẫn phải cõng em nhỏ để mẹ lên nương, áo không đủ ấm, ánh mắt thơ ngây của các em làm tôi đầy xót xa thương cảm. Tôi muốn làm một điều gì đó có ích cho các em, điều này đã thôi thúc tôi ở lại. Với bao kỷ niệm thân thương, việc chia tay các em về xuôi để lại trong lòng nhiều nuối tiếc. Tôi tự hào đã góp phần nhỏ bé của mình cho phát triển giáo dục vùng cao.
Giáo viên Trường PTDT nội trú Mù Cang Chải Nguyễn Thị Như Trang, tâm sự: Những ngày đi dạy phổ cập giáo dục (lớp xóa mù) tại bản phải đi bộ cả chục km, băng rừng, lội suối với bao nguy hiểm rình rập, cùng những lo toan cơm áo, gạo tiền ở gia đình, khiến đôi chân người thầy chúng tôi cũng có lúc chùng bước. Nhưng nhìn những ánh mắt thơ ngây, những bữa cơm chẳng đủ no, những đôi chân trần trong ngày đông giá buốt của những học trò nhỏ, đã giúp chúng tôi ở lại. Giờ được chuyển về Trường tiểu học xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, tôi rất cảm ơn sự quan tâm của Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo có thời gian dài gắn bó với vùng đặc biệt khó khăn.
Đợt này, huyện Mù Cang Chải có 19 giáo viên, huyện Trạm Tấu có 15 giáo viên được chuyển vùng, để lại một khoảng trống rất lớn cho giáo dục vùng cao. Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Lương Thị Xuyến cho biết: Trong 19 giáo viên được chuyển vùng đợt này có tám giáo viên mầm non, sáu giáo viên tiểu học, năm giáo viên trung học cơ sở, không chỉ các giáo viên xúc động mà chúng tôi cũng rất mừng. Theo báo cáo của năm học mới 2021 - 2022, số biên chế có mặt so với biên chế được giao mới đạt gần 93% (còn thiếu hơn 2.000 biên chế), đang là một thách thức lớn với ngành giáo dục vùng cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, toàn tỉnh có hơn 11.000 giáo viên đứng lớp, trong đó hơn 45% đang công tác tại vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Nhiều thầy giáo, cô giáo đã gắn bó với vùng đặc biệt khó khăn từ 10 năm trở lên, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, vượt qua khó khăn gian khổ và sự thiếu thốn về vật chất, xa gia đình, bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về phong tục tập quán. Việc giải quyết nguyện vọng cho giáo viên chuyển từ vùng cao xuống vùng thấp là việc làm khó khăn, dễ xảy ra tình trạng tiêu cực, mất cân đối về số lượng, chất lượng giáo viên giảng dạy ở vùng cao. Nhưng nếu không thực hiện, sẽ rất thiệt thòi cho những giáo viên đã xung phong cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở vùng cao Yên Bái.