Còn nhiều “điểm nghẽn”
Hiện nay không những bà con diêm dân mà cả các cấp lãnh đạo địa phương dường như cũng thờ ơ với hạt muối. UBND tỉnh Bình Thuận đang dự định biến đồng muối Cà Ná - đồng muối được coi là lớn nhất của Việt Nam với sản lượng lên tới 50.000 tấn/năm trở thành một khu công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, tình hình phát triển ngành muối đang còn nhiều “điểm nghẽn” cho nên khó trở thành hiện thực. Dự án xây dựng đồng muối Quán Thẻ tại Ninh Thuận, với sản lượng thiết kế 300.000 tấn muối/năm, trong đó một nửa là muối công nghiệp chất lượng cao, được hình thành từ năm 2000, đến nay mới chỉ hoàn thành được khâu giải phóng mặt bằng. Một phần dự án này vừa được chuyển giao từ Tổng công ty Muối Việt Nam cho Công ty Hạ Long thực hiện và như vậy công tác xây dựng cũng phải mất vài ba năm mới có thể hoàn tất và đi vào hoạt động. Với thực trạng như vậy, mục tiêu sản xuất hai triệu tấn muối/năm của Việt Nam trong một vài năm tới sẽ khó đạt được.
Niềm tin của diêm dân cũng bị giảm sút khi chủ trương xây dựng các nhà máy chế biến muối chất lượng cao, hoặc chưa được triển khai, hoặc đã hoàn thiện nhưng lại chịu cảnh “đắp chiếu”. Nhà máy muối tinh chất lượng cao ngay cạnh cánh đồng muối Sa Huỳnh là một thí dụ. Nhà máy được đầu tư hơn năm tỷ đồng, công suất 120 nghìn tấn/năm, từng đem đến hy vọng cũng như tạo động lực cho nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư làm muối sạch, nhưng đã ngừng hoạt động từ mấy năm nay. Niềm riêng của diêm dân về chuyện muối được mùa rớt giá, hẳn không chỉ của riêng họ, mà còn là câu chuyện vĩ mô về bài toán nan giải đầu ra ổn định cho nông sản, để chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân thật sự mang lại ý nghĩa lớn lao.
Và gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Quảng Ngãi đưa vào áp dụng mô hình sản xuất muối sạch bằng cách dùng xi-măng chịu mặn để xây bờ, mặt ruộng đất thay bằng những tấm bê-tông đúc sẵn. Nước mặn trước khi đưa vào ruộng được lọc ở các cửa dẫn nước. Ông Lê A, ở thôn Long Thạnh I, một trong những diêm dân thí điểm theo mô hình này cho biết: Với tổng diện tích ruộng muối của gia đình gần 365 m2, qua 10 ngày đã thu được 2.165 kg, cao hơn cách làm truyền thống khoảng 40% và giá mua mỗi kg muối làm theo phương pháp này là 600 đồng/kg. Hiệu quả ban đầu tuy đã được khẳng định, thế nhưng chi phí đầu tư cao cho nên không phải ai cũng đủ tiền để làm.
Tuy có diện tích lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều người dân như vậy, nhưng hiện tại khâu tiêu thụ sản phẩm muối lại phụ thuộc vào thương lái. Việc người dân bị thương lái ép giá diễn ra thường xuyên trên đồng muối. “Dựa vào thời điểm triển khai chủ trương hỗ trợ và bình ổn giá muối cho diêm dân không kịp thời với tình hình thực tế, các đầu nậu ép giá để thu mua muối của diêm dân vào đầu vụ rồi tích trữ đợi đến khi có chủ trương hỗ trợ và bình ổn giá của Chính phủ thì tung ra bán để hưởng lợi từ chính sách của nhà nước” - Một người làm muối ở Sa Huỳnh cho biết.
Có thể thấy “điểm nghẽn” lớn hiện nay đối với ngành công nghiệp muối là diêm dân sản xuất muối theo phương pháp trải bạt hoặc làm nền xi-măng có năng suất cao, song chi phí lớn khiến đội giá thành, khó tiêu thụ. Mỗi ha muối sản xuất theo công nghệ trải bạt, chi phí đầu tư lên tới hơn một tỷ đồng, việc giá muối rẻ hơn chi phí sản xuất khiến cho nhiều hộ gia đình khó có khả năng thanh toán các khoản tiền vay của ngân hàng. Bởi vậy, diêm dân ở một số địa phương sản xuất muối như Quảng Ngãi, Bình Định và Khánh Hòa... vẫn dùng phương pháp thủ công là chủ yếu và bán muối rẻ.
Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) Nguyễn Tấn Lái lại cho rằng “điểm nghẽn” hiện nay nằm ở việc đồng muối… không được đầu tư hạ tầng và chất lượng muối không cao. Tuy nhiên, theo diêm dân, nguyên nhân khiến họ rời xa đồng muối là vì giá muối quá thấp và không thể tiêu thụ được. Gần chục hộ diêm dân đi tiên phong trong phong trào “làm muối cải tiến” ở Sa Huỳnh với diện tích hàng chục ha vẫn đành phải bán muối với giá "bèo bọt”. Hiện tại không ít ruộng muối kiểu này đang bị bỏ hoang. Một vấn đề nữa, khi chi phí vận chuyển muối tăng lên và để quay vòng vốn, nhiều diêm dân cũng như doanh nghiệp buộc phải hạ giá muối để có sự cân đối giữa sản xuất, kinh doanh. Trước kia, khi mua muối xong, thương lái tập kết và thuê tàu thuyền vào cập cảng Ninh Chữ vận chuyển với số lượng lớn ra bắc tiêu thụ, giảm chi phí vận chuyển, nhưng nay cảng này không cho tàu, thuyền lớn cập cảng. Các doanh nghiệp, thương lái muốn vận chuyển muối phải đưa xe ô-tô tải vào vận chuyển, nhưng cũng chỉ với số lượng ít khiến chi phí đội lên cao hơn.
Để bán ra thị trường phía bắc, muối phải được vận chuyển bằng xe tải ra cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) rồi mới đưa lên tàu thủy. Đây là một trong những lý do khiến sản lượng muối ở miền trung bị tồn đọng lớn và giá giảm liên tục. Chúng tôi tìm đến những chủ vựa thu mua muối tại Ninh Thuận và tìm hiểu nguyên nhân mua giá muối thấp. Hiện tại, các cơ sở mua muối nơi đây đã tồn kho hàng chục nghìn tấn và chưa tìm được đầu ra. Theo họ, gần đây, các tỉnh phía bắc, phía nam chuyển sang tiêu thụ muối nhập khẩu từ Ấn Độ và của Trung Quốc, cho nên muối sản xuất trong nước tiêu thụ rất khó khăn vì không đủ sức cạnh tranh.
Nâng cao giá trị hạt muối
Ninh Thuận có tổng diện tích sản xuất hơn 3.544 ha, trong đó, có 2.892 ha muối công nghiệp và 652 ha muối nền đất (muối do diêm dân sản xuất theo phương thức truyền thống). Thời tiết nắng nóng quanh năm là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển nghề làm muối. Hơn 5 năm qua, bên cạnh việc duy trì nghề làm muối nền đất, diêm dân ở Ninh Thuận đã đầu tư công nghệ để sản xuất muối sạch bằng cách trải bạt ni-lông trên nền ruộng có phân ô kết tinh, cho nên sản lượng cũng như chất lượng muối kết tinh được nâng lên nhiều. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Phan Quang Thựu cho biết: Trong ba tháng đầu năm 2016, sản lượng thu hoạch muối toàn tỉnh đạt hơn 55 nghìn tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, diêm dân đang lo lắng vì giá bán quá thấp, nhiều hộ lỗ nặng.
Để tháo gỡ khó khăn, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lưu thông muối, tăng lượng muối dự trữ quốc gia, hạn chế nhập khẩu muối, góp phần bình ổn giá, ngày 12-4-2016, Sở NN và PTNT Ninh Thuận kiến nghị Bộ NN và PTNT sớm trình Chính phủ xem xét và cho chủ trương thu mua muối tạm trữ cho diêm dân với giá 500 nghìn đồng/tấn đối với muối nền đất và 700 nghìn đồng/tấn đối với muối sản xuất trên ruộng có phân ô trải bạt. Diêm dân kiến nghị Chính phủ nên cho chủ trương thay đổi thời điểm hỗ trợ và bình ổn giá thu mua muối theo thực tế, cụ thể là ngay từ khi thu hoạch đầu vụ vào mùa khô, khoảng tháng ba, tháng tư hằng năm. Quãng thời gian này, diêm dân không còn cách nào khác hơn là phải chấp nhận bán muối giá thấp để lấy tiền trang trải chi phí và tiếp tục tái đầu tư. Vào mùa mưa, khi diêm dân không còn muối và đầu nậu tung muối tồn kho ra bán, nghiễm nhiên được thụ hưởng hoàn toàn các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Như vậy, chủ trương không thật sự đến với người trực tiếp sản xuất muối mà vô hình trung lại giúp cho các đầu nậu được hưởng lợi nhiều hơn. Nghịch lý này đã tồn tại nhiều năm qua, người làm muối đã nhiều lần phản ánh, nhưng chưa nhận được kết quả như mong đợi. Còn thương hiệu “Muối Sa Huỳnh” đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu năm 2011, nhưng vẫn không thể giúp muối Sa Huỳnh có được đầu ra dễ dàng hơn và giá cả ổn định hơn.
Trước những khó khăn người làm muối gặp phải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ đã trực tiếp đi kiểm tra thực trạng sản xuất muối của diêm dân Sa Huỳnh. Những giải pháp được ra là cấp bù thủy lợi phí cho người làm muối, tìm kiếm đơn vị “hồi sinh” lại nhà máy muối để thu mua muối cho người dân. Trước mắt, Bộ Công thương cần sớm điều chỉnh những quy định về hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng muối. Đồng thời tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp được giao nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan, bảo đảm việc sử dụng muối nhập khẩu đúng mục đích và không trao đổi kinh doanh thương mại; chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất hóa chất ưu tiên sử dụng muối sản xuất trong nước. Nghiên cứu thành lập Hiệp hội nghề muối làm cầu nối các doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi người sản xuất và doanh nghiệp. Các tỉnh, thành phố có nghề sản xuất muối cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất, chế biến muối trên địa bàn phù hợp với “Quy hoạch Phát triển sản xuất muối đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được phê duyệt.
Nếu câu chuyện cổ tích ngày xưa ví “hạt muối quý hơn vàng” thì nay bài học về sự phát triển không bền vững của ngành muối Việt Nam đáng để các cơ quan quản lý và quy hoạch ngành phải suy ngẫm và đưa ra giải pháp kịp thời. Một giải pháp mang tính vĩ mô, cụ thể là giải quyết đầu ra cùng với giá cả ổn định mới có thể đưa diêm dân miền trung thoát cảnh long đong nghề muối hiện nay.
Mục tiêu kế hoạch tái cơ cấu ngành muối cụ thể là đến năm 2020, tổng diện tích muối ổn định 14.500 ha, sản lượng hai triệu tấn; nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi đồng muối của dân, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị gia tăng ít nhất 20%; xây dựng được mô hình liên kết hợp tác sản xuất muối sạch bền vững, thúc đẩy sự hợp tác của người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối có tính ổn định, bền vững. (Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) |
(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 5-5-2016.