Nhiều đột phá quan trọng
Thực tế cho thấy, năm 2018 Long An đã tạo được bước đột phá quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,36%, vượt chỉ tiêu đề ra là 9,4%, cao nhất trong ba năm gần đây; công nghiệp - xây dựng khẳng định vị thế chủ lực trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đạt hơn 47% GRDP. Thu ngân sách nhà nước đã vươn lên dẫn đầu các tỉnh trong khu vực ĐBSCL với 14.800 tỷ đồng, bằng 110% so với cùng kỳ, cao hơn tổng chi gần 2.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 68,62 triệu đồng/năm, tương đương 2.931 USD, cao hơn bình quân của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2,92%. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt 60,08 điểm, tăng một hạng so với năm trước và xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Từ đầu năm đến nay, tất cả các chỉ tiêu kế hoạch đề ra đều đạt và vượt, thu ngân sách nhà nước đạt gần 5.000 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao.
Để đạt được kết quả trên, thời gian qua tỉnh đã phát huy cao nhất vị thế cửa ngõ kết nối thành phố Hồ Chí Minh với khu vực Đông - Tây Nam Bộ và ĐBSCL, cảng biển quốc tế Tân Tập, cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, trung tâm TP Tân An…, là tiền đề để thu hút các nhà đầu tư đến xây dựng phát triển. Với phương châm: “Xem khó khăn của doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư cũng là khó khăn của tỉnh, thành công của họ cũng chính là thành công của tỉnh”, Long An đã xác định bảy nhóm giải pháp chính làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội: Kêu gọi nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp - cụm công nghiệp (KCN-CCN); tạo quỹ đất sạch cho phát triển KCN-CCN; thu hút đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN-CCN; phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trong và ngoài KCN-CCN; thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp vào KCN-CCN; liên kết phát triển KCN-CCN; đổi mới công tác quản lý nhà nước về KCN-CCN.
Từ các giải pháp nêu trên, đến nay Long An đã thu hút được gần 10.900 DN trong nước, với tổng vốn đăng ký hơn 2.700 tỷ đồng. Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đã mời gọi 37 quốc gia, vùng lãnh thổ đến đầu tư phát triển khoảng 970 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 6,1 tỷ USD, trong đó đã có 576 dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm ổn định cho hơn 300 nghìn người lao động trong và ngoài tỉnh. Theo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An, năm 1997, toàn tỉnh chỉ có hai KCN tại huyện Đức Hòa, nhưng sau hơn mười năm tập trung mọi nguồn lực cải thiện môi trường thu hút đầu tư, toàn tỉnh hiện đã có 16/31 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đang hoạt động trên tổng diện tích 3.862,89/11.391,07 ha đất đã định hướng quy hoạch đến năm 2020. Các KCN còn lại đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng hoặc đang đầu tư hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư trong những năm tiếp theo.
Giám đốc Công ty cổ phần Long Hậu (Trưởng Ban quản lý KCN Long Hậu, huyện Cần Giuộc), Bùi Lê Thành Hiếu cho biết: Qua 13 năm đầu tư hạ tầng, hiện KCN Long Hậu đã thu hút các nhà đầu tư lấp kín 100% diện tích khu (245 ha). Công ty đang hoàn thiện thêm KCN Long Hậu 3 để đáp ứng nhu cầu của DN về đây đầu tư phát triển. Ngoài ra, công ty đã xây dựng khu lưu trú cho 5.000 lao động và tiếp tục xây dựng thêm nhà lưu trú cho khoảng 3.000 người trong thời gian tới. Công ty cũng dành một phần đất thương mại cho việc xây dựng nhà ở để đáp ứng nhu cầu an cư lâu dài tại đây của người lao động. Tầm nhìn của Long Hậu là tạo nên các đô thị sinh thái bền vững được bắt đầu từ công nghiệp để tạo công ăn việc làm và thu hút dân cư đến định cư, làm việc.
Chủ tịch, Tổng Giám đốc kho lạnh P.K KCN Long Hậu (Cần Giuộc) T.Bớt nói: “Tôi đầu tư ở Việt Nam vì tin rằng đây là môi trường thuận lợi cho người nước ngoài làm ăn, kinh doanh. Tại Long Hậu, môi trường rất tốt cho nên tôi chọn ngành đầu tư là hệ thống kho trữ thực phẩm tươi sống. Kế hoạch tiếp theo của công ty là sẽ đầu tư kho sản xuất và nhập thịt bò từ thị trường Pa-ki-xtan khi được Chính phủ Việt Nam cho phép để cung ứng với giá phù hợp”. Còn Chủ tịch Công ty TNHH Nhôm Nam Sung (KCN Hải Sơn, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) Đoàn Văn Cường cho biết: Tại KCN này, DN đầu tư 10 triệu USD, thuê bốn ha đất trong vòng 50 năm để xây dựng nhà máy sản xuất nhôm có công suất 6.000 tấn/năm. Sau hai năm đi vào hoạt động đã đạt được hiệu quả nhất định và giúp cho hơn 300 lao động có thu nhập ổn định từ tám triệu đồng/người/tháng trở lên. Hiện tại công ty lắp đặt thêm trang thiết bị để sản xuất hàng xuất khẩu.
Xác định rõ hướng đi
Công nghiệp là một trong những đòn bẩy phát huy lợi thế của Long An trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và góp phần giải quyết tốt an sinh xã hội. Tỉnh đã xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2020, trong đó sẽ hình thành 28 KCN và 62 CCN. Để thu hút đầu tư, nhất là FDI, bên cạnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giao thông, tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng - thân thiện - hiệu quả và an toàn; đồng thời tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp” để phát triển. Cùng với quy hoạch phát triển công nghiệp, Long An cũng đã quy hoạch các khu tái định cư và khu dân cư tập trung tạo điều kiện cho cư dân vùng dự án phát triển công nghiệp có nơi an cư, lạc nghiệp. Đến nay, Long An có 17/47 khu tái định cư và dân cư tập trung tại các huyện và TP Tân An đã giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khoảng 15.800/17.000 người dân; 30 dự án còn lại đang trong giai đoạn đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, trong vùng ĐBSCL và hành lang phát triển kinh tế năng động Đông - Tây Nam Bộ, Long An quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; GRDP bình quân đạt khoảng 80 đến 85 triệu đồng/người/năm (khoảng 3.800 USD), tỷ trọng các ngành nông nghiệp chiếm 15%, công nghiệp là 45%, dịch vụ là 40% và phấn đấu trở thành đầu tàu kinh tế khu vực ĐBSCL. Để đạt được mục tiêu đề ra, Long An sẽ tiếp tục tạo các bước đột phá trong thu hút đầu tư và giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội, môi trường. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 là có 62 CCN được xây dựng trên diện tích 3.106,5 ha phân bố trên địa bàn tám huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Huệ, Thạnh Hóa, Tân Trụ và TP Tân An. Dự kiến, nhu cầu vốn xây dựng hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 khoảng 27.337 tỷ đồng.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết: Trong thời gian tới tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bổ sung quy hoạch vùng, tiểu vùng, liên vùng để bứt tốc hoàn thành các chỉ số, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 10, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tiếp tục thu hút mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước cũng như nguồn lực xã hội thông qua các kênh đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật khác theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, không ngừng cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng, giảm đến mức thấp nhất chi phí và thời gian cho các DN đến Long An đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.