Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An cho biết, từ ngày 24 đến 27/2 (nhằm ngày 15 đến 18 tháng Giêng) Sở phối hợp các địa phương khai hội đầu Xuân Giáp Thìn 2024 gồm: Lễ hội Làm Chay tại Đình Tân Xuân (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) diễn ra ngày 24 và 25/2; tối 25 và 26/2, tại khu Di tích Đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) diễn ra chương trình Liên hoan tài tử Nam Bộ; ngày 27/2, tại khu Di tích Đình Vạn Phước diễn ra hội cúng đình nhân dịp húy kỵ Nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại, vị hậu tổ của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.
Sôi nổi Lễ hội Làm Chay ở Long An
Đình Tân Xuân là nơi thờ cúng Thần Thành Hoàng cùng các thủ lĩnh nghĩa quân trong phong trào võ trang kháng Pháp cuối thế kỷ XIX; trong đó, có 2 ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự.
Khi giặc Pháp xâm chiếm Tầm Vu, các cuộc khởi nghĩa liên tục nổi lên, nhiều nghĩa sĩ ngã xuống, trong đó 2 nhà yêu nước Đỗ Tường Tự và Đỗ Tường Phong.
Sau khi 2 ông mất, thực dân Pháp nghiêm cấm việc làm ma chay. Với lòng tiếc thương 2 nhà yêu nước nói riêng cũng như các nghĩa sĩ vì nước vong thân nói chung, nhân dân Tầm Vu tổ chức lễ cúng với hình thức trai đàn, cầu an cho “quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa”. Về sau, người dân gọi ba từ “làm trai đàn” thành "làm chay".
Quan cảnh rước ông Tiêu tại lễ hội Làm Chay, thị trấn Tầm Vu, Châu Thành, Long An. |
Lễ hội Làm Chay ở huyện Châu Thành (Long An) đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể được hình thành trong không gian văn hóa Nam bộ.
Trong 2 ngày diễn ra Lễ hội Làm Chay, địa phương đã tổ chức rất nhiều các hoạt động vui chơi giải trí cho người dân đến tham gia. Sở Lao động Thương binh và Xã hội Long An đã vận động mạnh thường quân trao 100 suất quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Châu Thành, Long An.
Đối với chương trình Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Long An diễn ra vào tối ngày 25 và 26/2 tại Đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) là sự kiện thường niên theo thiết chế làng xã truyền thống Nam Bộ.
Nơi đây lưu niệm 2 nhân vật lịch sử đó là: Đốc binh Bùi Quang Diệu (tức Quản Là), người chỉ huy nghĩa quân đánh đồn Tây Dương của Pháp (Cần Giuộc) vào đêm 15 tháng Chạp năm 1861, từ đó nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã viết nên bản Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc bất hủ; và Nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại.
Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ diễn ra vào đêm 25 và 26/2 tại Đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An. |
Sau 2 đêm hội diễn, ngày 27/2, tại Đình Vạn Phước diễn ra hội cúng đình nhân dịp húy kỵ Nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại, vị hậu tổ của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.