Lợi thế so sánh của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông

NDO - Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có nhiều lợi thế so sánh trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Nếu Đắk Nông biết tận dụng và phát huy những lợi thế đó sẽ phát triển hiệu quả du lịch, góp phần tạo sức bật cho nền kinh tế địa phương phát triển và hội nhập quốc tế, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn hệ thống Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có hàng trăm hang động núi lửa, nhưng cho đến nay mới có khoảng 50 hang động núi lửa đã được điều tra, khảo sát, đo vẽ. Trong đó, có hang dài hơn 1km, tổng chiều dài các hang động cho đến nay được đo vẽ là hơn 10.000m.
Toàn hệ thống Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có hàng trăm hang động núi lửa, nhưng cho đến nay mới có khoảng 50 hang động núi lửa đã được điều tra, khảo sát, đo vẽ. Trong đó, có hang dài hơn 1km, tổng chiều dài các hang động cho đến nay được đo vẽ là hơn 10.000m.

Trên đây là nhận định, đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế dự Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa ISV20 diễn ra trong thời gian 22-24/11 tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.

Công viên địa chất toàn cầu (Công viên địa chất toàn cầu) UNESCO Đắk Nông có diện tích đề cử hơn 4.700km2, trải dài qua 6 huyện, thành phố gồm: Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và TP Gia Nghĩa. Đây là vùng đất có sự đa dạng về di sản địa chất, sinh học, xã hội và hội tụ những tiêu chí của một Công viên địa chất toàn cầu. Điểm nổi bật nhất trong Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông là hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đ’ray Sáp-Chư Bluk phát hiện từ năm 2007, được Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về quy mô, độ dài cũng như tính độc đáo.

Tháng 7/2020, Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu và chính thức xuất hiện trên bản đồ du lịch của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu với 177 điểm đến. Đến nay, việc xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã được cấp các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương và cộng đồng trong vùng Công viên địa chất nhận thức được vai trò, tầm quan trọng và quan tâm, hưởng ứng tham gia vào các hoạt động của Công viên địa chất.

Thành viên Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Trần Tân Văn so sánh, yêu cầu của các công viên địa chất là phải khác nhau. Các công viên địa chất khác ở miền bắc Việt Nam, chủ yếu là đá vôi, chiếm diện tích đến 60-70%. Trong khi đó, Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông có hơn một nửa diện tích là đá phun trào bazan, về sau phân hóa ra thành đất đỏ trù phú mang lại nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, cây ăn quả.

Toàn hệ thống Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông có hàng trăm hang động núi lửa, nhưng cho đến nay mới có khoảng 50 hang động núi lửa đã được điều tra, khảo sát, đo vẽ. Trong đó, có hang dài hơn 1km, tổng chiều dài các hang động cho đến nay được đo vẽ là hơn 10.000m.

Điểm đặc sắc, đặc biệt nhất so với toàn thế giới và cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam, các nhà khoa học đã tìm ra những di chỉ khảo cổ của người tiền sử, trong đó có 1 bộ di cốt người tiền sử cách đây 6.000-7.000 năm thuộc Văn hóa Hòa Bình ở trong hang động núi lửa. Do đó, nếu Đắk Nông biết tận dụng và phát huy những lợi thế mà Công viên địa chất toàn cầu mang lại thì sẽ phát triển hiệu quả du lịch Công viên địa chất tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Lợi thế so sánh của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông ảnh 1

So với toàn thế giới, lần đầu tiên ở Việt Nam, các nhà khoa học đã tìm ra những di chỉ khảo cổ của người tiền sử, trong đó có 1 bộ di cốt người tiền sử cách đây 6.000-7.000 năm thuộc Văn hóa Hòa Bình ở trong hang động núi lửa thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá, mặc dù là thành viên còn rất trẻ trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, nhưng việc tỉnh Đắk Nông được lựa chọn để đăng cai Hội nghị ISV20 đã nâng cao vị thế của địa danh Đắk Nông với bạn bè quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực về bảo tồn và khai thác bền vững các di sản địa chất. Thông qua hoạt động này sẽ giúp tỉnh Đắk Nông giới thiệu, quảng bá hiệu quả hệ thống hang động núi lửa - di sản địa chất (có dấu vết của văn hóa người tiền sử) mang tầm quốc tế trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; thu hút các nhà khoa học đến nghiên cứu, nâng cao thêm giá trị của hệ thống hang động, giá trị văn hóa đặc trưng; chia sẻ kinh nghiệm, góp phần bảo tồn, khai thác hiệu quả di sản mang tầm quốc tế của tỉnh Đắk Nông, phục vụ cho sự phát triển của tỉnh và đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị của Công viên địa chất và hang động núi lửa.

Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, chủ đề năm nay là “Bảo tồn và sử dụng bền vững núi lửa và hang động núi lửa” là rất phù hợp.

Năm 2020, Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, nâng mạng lưới lên 11 công viên địa chất toàn cầu UNESCO có hang động dung nham. UNESCO cam kết hỗ trợ mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế. Với mạng lưới các chương trình khoa học liên chính phủ, tất cả đều góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững nói chung và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và địa chất nói riêng.

Đến nay, UNESCO đã hỗ trợ hơn 60 dự án quốc tế, dẫn đầu bởi 379 nhà lãnh đạo địa chất đến từ 92 quốc gia. Chương trình Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO là đơn vị độc nhất công nhận di sản địa chất có ý nghĩa quốc tế. Chương trình này tương đối mới mẻ vì chỉ mới được tạo ra vào năm 2015 bởi các quốc gia thành viên của UNESCO, nhưng đã phát triển cực kỳ nhanh chóng. Hiện đã có 177 địa điểm ở 46 quốc gia.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Công viên địa chất toàn cầu, Đắk Nông đã xây dựng được 3 tuyến du lịch Công viên địa chất gồm “Trường ca của nước và lửa”, “Bản giao hưởng của làn gió mới”, “Âm thanh từ trái đất” với 44 điểm di sản. Tuy nhiên, đến nay Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức như thiếu các văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn xây dựng và phát triển Công viên địa chất của các cơ quan chuyên môn, có thẩm quyền liên quan để địa phương làm căn cứ thực hiện. Việc này đã ảnh hưởng không ít đến quá trình xây dựng, phát triển…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười cho biết, Hội nghị ISV20 là cơ hội tốt để tỉnh Đắk Nông giới thiệu, quảng bá hệ thống núi lửa và hang động núi lửa - những di sản địa chất tầm cỡ quốc tế trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đến bạn bè trong nước và quốc tế. Đây còn là dịp để tỉnh Đắk Nông học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững di sản, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Thông qua diễn đàn, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý về núi lửa và hang động núi lửa có cơ hội trao đổi những kết quả nghiên cứu khoa học của mình, đồng thời, dành sự quan tâm nghiên cứu để tìm ra những giá trị khoa học mới về núi lửa và hệ thống hang động núi lửa ở Đắk Nông…