Lợi nhuận dự kiến gần 1 tỷ USD, VPBank chia cổ tức tiền mặt 10%

Ngày 29/4, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank - Mã: VPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2024. Năm nay, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh ở tất cả chỉ tiêu, trong đó dự kiến tăng gấp đôi lợi nhuận, đạt 23.165 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
VPBank tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
VPBank tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Báo cáo tại ĐHĐCĐ, Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho hay, năm 2024, VPBank dự kiến trình cổ đông phương án lợi nhuận trước thuế 23.165 tỷ đồng, tăng 114% so với kết quả thực hiện của năm 2023. Đồng thời, Ngân hàng cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 25%, tương ứng với dư nợ cấp tín dụng 752.104 tỷ đồng. “ Song mức tăng trưởng tín dụng trên còn phụ thuộc vào hạn mức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hiện VPBank đang xin cơ quan quản lý chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn. Việc tăng trưởng cao năm nay sẽ tạo tiền đề tăng trưởng mạnh cho VPBank những năm tới”, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết.

Về tổng tài sản, VPBank dự kiến mở rộng 19% lên 974.270 tỷ đồng. Trong đó, tổng tài sản của ngân hàng mẹ đạt 898.350 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng dự kiến tăng 22%, lên 598.864 tỷ đồng. Ngoài ra, HĐQT VPBank đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ theo Thông tư 11 dự kiến được kiểm soát dưới 3%. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu của VPBank ở mức 2,95%.

Tại Đại hội, Tổng Giám đốc VPBank cũng chia sẻ những vấn đề liên quan đến việc thực hiện tái cấu trúc toàn diện FE Credit. Theo ông Vinh, sau 10 năm mang lại những giá trị to lớn cho Ngân hàng, FE Credit bước vào giai đoạn khó khăn từ Covid-19. 60% khách hàng của Công ty bị ảnh hưởng, khả năng trả nợ sút giảm, dẫn tới nợ xấu FE Credit tăng cao. Do đó, Ngân hàng áp dụng nhiều biện pháp để giảm tốc độ tăng trưởng, bảo đảm chất lượng tài sản. SMBC cũng hỗ trợ cho FE Credit đánh giá lại mô hình, tái cấu trúc lại danh mục. Hiện FE Credit đã có những tín hiệu tích cực khi chặn được đà suy giảm và tăng trưởng giải ngân trở lại từ quý 4/2023.

Dù vậy, tỷ trọng đóng góp lợi nhuận của FE Credit đã giảm bớt trong tổng lợi nhuận Ngân hàng, trong khi đóng góp của các mảng khác như bảo hiểm, chứng khoán tăng lên. Năm 2024, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng mẹ là 20.709 tỷ đồng, lợi nhuận của FE Credit là 1.200 tỷ đồng, Chứng khoán VPBank (VPBankS) là 1.902 tỷ đồng và Bảo hiểm OPES là 873 tỷ đồng.

Lợi nhuận dự kiến gần 1 tỷ USD, VPBank chia cổ tức tiền mặt 10% ảnh 1

Toàn cảnh Đại hội.

Đại diện lãnh đạo VPBank khẳng định năm 2024 tiếp tục chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông như lời hứa của Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng tại ĐHĐCĐ năm trước. Cụ thể, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại của VPBank là 8.353 tỷ đồng. Trong năm 2024, VPBank dự kiến sử dụng 7.934 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt, tương ứng tỷ lệ 10%. Thời gian thực hiện trả cổ tức dự kiến quý 2 và quý 3 năm 2024.

Như vậy, đây là năm thứ hai liên tiếp VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt, sau khi ngân hàng đã hoàn tất các kế hoạch tăng vốn, củng cố nền tảng tài chính bảo đảm cho sự phát triển trong tương lai.

Bên cạnh đó, năm 2024, VPBank không có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhưng vẫn sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Số cổ phiếu dự kiến phát hành tối đa là 30 triệu cổ phiếu, với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Lợi nhuận dự kiến gần 1 tỷ USD, VPBank chia cổ tức tiền mặt 10% ảnh 2

Hai thành viên mới được bầu vào Hội đồng Quản trị là ông Takeshi Kimoto và bà Phạm Thị Nhung.

Ngân hàng cũng có phương án phát hành trái phiếu quốc tế để phục vụ cho việc huy động vốn bổ sung trên thị trường quốc tế. Theo đó, VPBank dự kiến phát hành tối đa 400 triệu USD trái phiếu, đây là trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm, không kèm chứng quyền với thời hạn dự kiến 5 năm. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2024 - quý 1/2025. Mục đích phát hành nhằm cấp tín dụng cho các phương án, dự án, nhu cầu tài trợ đáp ứng tiêu chí xanh và xã hội, đủ điều kiện theo khung trái phiếu bền vững của VPBank.

VPBank cũng trình cổ đông xem xét phương án chuyển giao bắt buộc đối với một tổ chức tín dụng là một ngân hàng thương mại yếu kém. Tại thời điểm nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, quy mô hoạt động của tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc (về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu) không cao hơn 5% so với quy mô tương ứng của VPBank tại thời điểm 31/12/2023. Đồng thời, vốn điều lệ của tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc không quá 5.000 tỷ đồng.

“Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức Ngân hàng TNHH MTV do Ngân hàng VPBank là chủ sở hữu, là pháp nhân độc lập”, lãnh đạo VPBank cho hay.

Tại Đại hội năm nay, VPBank cũng bầu bổ sung 2 thành viên vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó dự kiến ít nhất sẽ có một thành viên là đại diện của SMBC; thông qua các nội dung quan trọng khác như phương án, giao dịch VPBank thực hiện góp vốn/mua cổ phần, thành lập hoặc mua lại công ty con, liên kết hoặc các hình thức khác với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác;… VPBank cũng dự kiến sẽ thành lập một chi nhánh, ngân hàng con hoặc văn phòng đại diện tại nước ngoài (Nhật Bản).