Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư quốc tế, dù thị trường M&A Việt Nam vẫn đang trong xu thế chậm lại, nhưng tình hình sẽ khả quan hơn trong năm 2024 nhờ sự phục hồi của nền kinh tế, dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như sự tăng trưởng trở lại của khu vực doanh nghiệp. Theo thống kê sơ bộ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/11, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 29 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 5,97 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2022. Những con số này cho thấy dòng đầu tư nước ngoài đang tăng tốc trở lại.
Thị trường M&A nhộn nhịp trở lại
Bước vào quý III/2023, thị trường đón nhận nhiều thông tin tích cực đối với hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng. Cụ thể, ngày 20/10, VPBank thông báo hoàn tất giao dịch phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC)-ngân hàng trực thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc. (SMFG), có quy mô lớn thứ hai tại Nhật Bản.
Theo đó, hơn 1,19 tỷ cổ phiếu được bán cho SMBC, với tổng giá trị hơn 35.900 tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD). Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm tới. 10% giá trị của thương vụ đã được SMBC đặt cọc ngay trước thềm đại hội cổ đông thường niên của VPBank tổ chức hồi tháng 4/2023. 90% giá trị còn lại sẽ được ghi nhận vào vốn chủ sở hữu của VPBank ngay sau khi giao dịch hoàn tất. Đây được đánh giá là thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam; cũng chính là thương vụ M&A lớn nhất thị trường Việt Nam trong năm 2023.
Cùng thời điểm, SeABank cũng cho biết vào ngày 20/10, ngân hàng này đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) (tương đương 100% vốn điều lệ PTF) cho AEON Financial Service Co., Ltd với mức giá 4.300 tỷ đồng. Thương vụ bán PTF sẽ giúp nâng cao năng lực tài chính đáng kể cho SeABank.
Trước đó, vào giữa tháng 5/2023, SHB và Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan (thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG, Nhật Bản) thông báo đã hoàn tất việc chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB Finance). Hai bên sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn điều lệ còn lại sau ba năm theo thỏa thuận đã ký.
Ông Đỗ Quang Vinh, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc SHB cho biết: Giao dịch này sẽ mang lại nguồn thặng dư đáng kể cho cổ đông SHB, tạo thêm nguồn lực để SHB tăng cường năng lực tài chính và các yếu tố nền tảng, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng tâm.
Theo nhận định của PGS, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh), các ngân hàng kỳ vọng sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, bên cạnh năng lực tài chính tốt còn là sự hỗ trợ về công nghệ, quản trị, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế của các nhà băng.
Trong bối cảnh cạnh tranh về công nghệ giữa ngân hàng và công ty công nghệ tài chính (Fintech) và ngay cả giữa các ngân hàng diễn ra rất quyết liệt thì sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực mạnh về tài chính và công nghệ có ý nghĩa quan trọng. Nhờ đó, ngân hàng không chỉ tăng quy mô vốn, sức cạnh tranh, vốn ngoại giúp ngân hàng tái cấu trúc, tối ưu hóa chi phí; mạng lưới thị phần tăng lên, từ đó tăng thêm hiệu quả hoạt động.
Lực đẩy tái cơ cấu
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, nhưng vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trước Quốc hội nêu rõ: “Công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt là với các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, ngân hàng yếu kém gặp nhiều khó khăn.
Việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém) kéo dài, gặp khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài”.
Thực tế, trước đây Việt Nam cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém trong nước, nhưng đến nay vẫn chưa có thương vụ mua-bán nào thành công. Việc hút thêm vốn ngoại để đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.
Theo nhìn nhận của PGS, TS Nguyễn Hữu Huân, tâm điểm M&A của lĩnh vực tài chính-ngân hàng Việt Nam hiện vẫn tập trung vào các thương vụ chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém. Với sự tham gia của các ngân hàng lớn giàu tiềm lực, các ngân hàng yếu kỳ vọng sẽ đổi mới năng lực quản trị, tái cơ cấu hoạt động hiệu quả hơn, nhưng trước mắt còn khó khăn.
“Hiện kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động cho nên dù thị trường tài chính-ngân hàng Việt Nam khá hấp dẫn, nhưng có lẽ phải đợi đến khi kinh tế toàn cầu trở về trạng thái ổn định hơn mới có thể kỳ vọng vốn ngoại sẽ quay trở lại nhiều hơn với Việt Nam”, PGS, TS Nguyễn Hữu Huân chia sẻ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, đơn vị này đang cơ cấu lại tổ chức tín dụng trong nước, ưu tiên nâng sở hữu của nhà đầu tư có thể giúp đỡ ngân hàng nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém, xử lý theo hướng làm mới. “Các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào việc xử lý các ngân hàng yếu kém. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận thấy chiến lược đồng hành và phát triển đầu tư nước ngoài bền vững, dài hạn rất đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, để bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, cần xem xét cẩn trọng các dòng vốn nóng, mang tính đầu cơ, hay dòng vốn đơn thuần mang tính đầu cơ tài chính”, Phó Thống đốc nhấn mạnh thêm.
Liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, quy định hiện hành cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 30% một tổ chức tín dụng trong nước. Với tỷ lệ này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng họ khó có thể tìm được tiếng nói chi phối trong Hội đồng Quản trị của một ngân hàng Việt Nam. Đó cũng là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài chưa thật sự muốn rót vốn.
Do đó, để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư tham gia vào các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém (ngoại trừ nhóm “Big 4”) được nới room ngoại lên mức tối đa 49%.
Việc chấp thuận cho các ngân hàng thương mại cổ phần nhận chuyển giao tăng vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vượt 30% vốn điều lệ và không vượt quá 49% vốn điều lệ của ngân hàng theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ ảnh hưởng không quá lớn đối với toàn bộ hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thấy rằng việc cho phép tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao từ 30% lên 49% sẽ góp phần tạo điều kiện thực hiện thành công phương án chuyển giao bắt buộc, góp phần ổn định hệ thống tài chính ngân hàng, ổn định kinh tế, xã hội, để không ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ-ngân hàng…