Lợi ích kép từ máy cuốn rơm trên đồng ruộng

Hình ảnh những chiếc máy cuốn rơm trên cánh đồng lúa sau vụ thu hoạch đã dần trở nên quen thuộc với nông dân Bắc Ninh. Với việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, những chiếc máy cuốn rơm là giải pháp tối ưu trong xử lý rơm rạ sau thu hoạch, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho nông dân.
0:00 / 0:00
0:00
Máy cuốn rơm đã và đang phát huy hiệu quả trên đồng ruộng Bắc Ninh.
Máy cuốn rơm đã và đang phát huy hiệu quả trên đồng ruộng Bắc Ninh.

Những ngày mùa, để hẹn gặp được anh Vũ Bá Tuyển, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, thật khó. Với ba chiếc máy cuốn rơm, anh Tuyển cùng những người làm di chuyển liên tục trên những cánh đồng của Bắc Ninh để kịp thời thu gom rơm rạ sau vụ gặt.

Cùng với anh Tuyển, chúng tôi có mặt trên cánh đồng còn thơm mùi rơm mới tại thôn Tỳ Điện, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài. Đúng vào đợt nắng nóng cao điểm, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 40oC nhưng ba chiếc máy cuốn rơm của anh Tuyển vẫn hoạt động hết công suất để kịp thu gom những gốc rạ vừa mới cắt trước khi chuyển sang địa bàn khác.

Có cơ chế vận hành khá đơn giản, chỉ sau vài đường chạy máy, những cuộn rơm trọng lượng khoảng 20 kg được bó dây gọn gàng đã hình thành. Với giá bán khoảng 15-25.000 đồng/cuộn tùy thời điểm, trừ đi chi phí vận chuyển, rơm rạ từng là phế phẩm của đồng ruộng đã mang lại thu nhập cho nông dân.

Anh Tuyển cho biết: Từng là người nông dân gắn bó với cây lúa, sau mỗi vụ thu hoạch, nhìn những gốc rạ bị bỏ không hoặc đốt, tôi thấy rất lãng phí cho nên khi đọc được các thông tin trên mạng về máy cuốn rơm tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu. Năm 2021, tôi tận dụng máy làm đất sẵn có của gia đình, mua thêm một dàn máy cuộn thay thế dàn xới phía trước để thu gom rơm. Vận hành thử nghiệm thành công, tôi tiếp tục mua thêm một chiếc máy cuốn rơm tự hành để nâng công suất lên 80-120 cuộn/giờ. Hiện, cả hai loại máy này hoạt động tốt trên cả nền ruộng khô và ẩm ướt.

Sớm nắm bắt xu thế cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, gia đình chị Đinh Thị Nụ (thôn Nghĩa Thuận, xã Nghĩa Đạo, thị xã Thuận Thành) cũng đầu tư ba máy cuốn rơm để làm dịch vụ tại địa phương và mở rộng ra các địa bàn lân cận. Sau khi gặt lúa, hộ nào có nhu cầu bán rơm, chị Nụ thu mua và đưa máy đến cuốn thành cuộn để bán cho các cơ sở chăn nuôi trâu bò, trồng rau màu, trồng nấm. Theo chị Nụ, sau vụ thu hoạch, trừ những ngày mưa, máy cuộn rơm của gia đình chị thường xuyên hoạt động hết công suất do nhu cầu rất lớn.

Chị Bùi Thị Quỳnh, ở thôn Thận Trai, xã Minh Tân, huyện Lương Tài chia sẻ: Có máy cuốn, rơm được thu gom gọn gàng, cuốn lại thành từng cuộn tròn cho nên vận chuyển, bảo quản dễ dàng, chúng tôi không tốn nhiều công sức xây cây rơm như kiểu truyền thống trước đây, không phải đốt rơm rạ như trước. Nhà tôi có một mẫu trồng các loại cây như dưa hấu, dưa lê, cà rốt, đến mùa chỉ cần mang cuộn rơm ra che phủ rất nhanh chóng và tiện lợi.

Ông Trần Đình Tập, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Lương Tài, đánh giá: Máy cuốn rơm là dịch vụ điển hình cho kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp khi chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác, giảm đến mức thấp nhất lãng phí và chất thải ra môi trường. Nhờ công cụ này, tình trạng đốt rơm bừa bãi gây ô nhiễm môi trường được hạn chế và làm tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất khi nhu cầu về rơm cho chăn nuôi và trồng màu rất lớn.

Toàn huyện Lương Tài hiện có hơn 10 chiếc máy cuốn rơm của người dân địa phương, ngoài ra còn các hộ làm dịch vụ ở nơi khác đến. Tuy nhiên, thời gian thu hoạch để cuốn rơm khá ngắn, số lượng máy chưa nhiều cho nên sản lượng, diện tích xử lý rơm còn rất hạn chế so với nhu cầu. Hầu hết rơm được chủ máy và người dân trao đổi theo hình thức xin-cho, chưa ký hợp đồng, chưa có sự bảo đảm lâu dài.

Thời gian tới, huyện Lương Tài sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa, khuyến khích các hộ dân đầu tư mua máy cuốn rơm để hạn chế tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và cung cấp nguồn nguyên liệu để trồng rau màu, làm thức ăn chăn nuôi gia súc, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trước đây, do việc thu gom rơm rạ thủ công mất nhiều thời gian và tốn kém công sức, nhiều nông dân đã chọn giải pháp đốt rơm trên đồng ngay sau khi gặt. Việc này đã gây ra nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái đồng ruộng và lãng phí nguồn nguyên liệu để tái sản xuất nông nghiệp. Với máy cuốn rơm, nông dân đã dần bỏ thói quen đốt rơm rạ, gây khói bụi, ô nhiễm môi trường sau mỗi vụ thu hoạch.

Tuy nhiên, hiện nay, số lượng máy cuốn rơm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chưa nhiều vì giá máy còn khá cao, nếu có sẵn máy làm đất thì ít nhất cũng phải đầu tư 40 triệu đồng. Vì thế, rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để đồng hành cùng người dân tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao giá trị thu hoạch trên diện tích canh tác.