Đêm 29/5, ê-kíp cấp cứu khoa Hồi sức tích cực-chống độc tiếp nhận một người bệnh trong tình trạng sốc giảm thể tích, toan chuyển hóa nặng, tăng kali máu nặng, suy thận lọc máu chu kỳ, tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2. Lúc tiếp nhận, người bệnh trong tình trạng lơ mơ, kích thích vật vã, da xanh, niêm mạc nhợt, tần số thở 30 lần/phút, xét nghiệm khí máu toan chuyển hóa nặng…
Ngay khi tiếp nhận, ê-kíp đã khẩn trương tiến hành cấp cứu: đặt ống nội khí quản, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, bù dịch, kiềm hóa máu đồng thời giải thích cho người nhà người bệnh, đề xuất lọc máu liên tục để cấp cứu giành lại sự sống cho người bệnh.
Cứu sống hai trẻ sơ sinh mắc bệnh nguy kịch nhờ kỹ thuật lọc máu liên tục
Sau 1 giờ khẩn trương và tích cực của các thành viên trong ê-kíp cấp cứu, người bệnh đã được lọc máu, thở máy qua nội khí quản… các chỉ số huyết động dần được kiểm soát.
Bác sĩ Khúc Mai Anh (Khoa Hồi sức tích cực-chống độc), người tham gia ca trực hôm đó chia sẻ, việc cấp cứu khẩn trương và tích cực đã cứu sống người bệnh. Điều đó cũng thể hiện sự phối hợp hiệu quả của ê-kíp trực và sự vận dụng tối đa các phương pháp kỹ thuật hiện đại trong cấp cứu và điều trị cho người bệnh. Trong đó kỹ thuật lọc máu liên tục được xem là “phao cứu sinh” cho người bệnh nguy kịch.
Ê-kíp cấp cứu tích cực điều trị cho người bệnh. |
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Trọng Hiếu (Trưởng khoa Hồi sức tích cực-chống độc) đánh giá, nếu thực hiện lọc máu sớm, phù hợp, thì người bệnh có khả năng bình phục rất cao. Ghi nhận tại Khoa Hồi sức tích cực-chống độc, có hơn 60% người bệnh nguy kịch được hồi sức cấp cứu kịp thời, thực hiện lọc máu liên tục đã hồi phục và trở về với gia đình.
Như trường hợp người bệnh N. N. Duy, được cứu sống thần kỳ sau một giờ tích cực hồi sức cấp cứu thở máy qua nội khí quản cùng lọc máu liên tục. Ngay ngày hôm sau người bệnh đã có thể rút ống nội khí quản, tình trạng toan chuyển hóa và tăng kali máu cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, ý thức người bệnh còn chậm, có tình trạng phù não do rối loạn chuyển hóa nặng, cho nên các bác sĩ tiếp tục điều trị chống phù não, kiểm soát điện giải, chức năng thận, lọc máu theo chu kỳ...
Sau gần 1 tháng, nhờ sự nỗ lực của ê-kíp cấp cứu tại khoa Hồi sức tích cực-chống độc và ý chí kiên cường của chính mình, anh N. N. Duy đã chiến thắng bệnh tật được ra viện về với người thân gia đình.