Cứu bệnh nhân ngừng tuần hoàn bằng phương pháp lọc máu liên tục

NDO -

NDĐT - Ngày 2-11, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh cho biết vừa cứu sống bệnh nhân suy hô hấp, ngừng tuần hoàn do biến chứng của đái tháo đường bằng phương pháp lọc máu liên tục.

Cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn bằng phương pháp lọc máu liên tục.
Cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn bằng phương pháp lọc máu liên tục.

Bệnh nhân Nguyễn Đức Khải, 18 tuổi, quê ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang nhập viện lúc 20 giờ, ngày 29-10 trong tình trạng hôn mê bất tỉnh, suy hô hấp nặng, ngừng tuần hoàn, toan chuyển hóa nặng do biến chứng của bệnh đái tháo đường tuýp 1 phụ thuộc insulin nhưng không được phát hiện và điều trị từ trước. Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn tại Khoa Hồi sức cấp cứu và chuyển Khoa Hồi sức tích cực điều trị tiếp.

ThS, BS Trần Quang Sơn, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh cho biết: Bệnh nhân Khải nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, nguy cơ tử vong lên đến 90%. Nhờ có sự cấp cứu ban đầu và phối hợp chặt chẽ giữa Khoa Hồi sức cấp cứu và Khoa Hồi sức tích cực nên bệnh nhân được tiến hành lọc máu chỉ sau ba giờ vào viện. Với bệnh nhân này, nếu không giải quyết được tình trạng toan chuyển hóa do biến chứng của đái tháo đường thì việc sử dụng các thuốc vận mạch khác để điều trị sẽ không được đáp ứng. Như vậy huyết áp của bệnh nhân sẽ không thể tăng được, sẽ dẫn đến tử vong.

Trong trường hợp này, bệnh nhân cũng không thể chuyển lên tuyến trên bởi đã ở trong trạng thái ngừng tuần hoàn. Vì vậy, việc ngay lập tức tiến hành lọc máu liên tục để khắc phục toan chuyển hóa, từ đó tiếp tục điều trị hồi sức cho bệnh nhân là yếu tố tiên quyết trong trường hợp này.

Lọc máu liên tục là một kỹ thuật mới được triển khai tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh với rất nhiều ưu việt. Để giải quyết được toan chuyển hóa thì lọc máu HD thông thường cũng có thể giải quyết được, nhưng trên bệnh nhân này kết hợp cả ngừng tuần hoàn và trụy mạch, huyết động không ổn định thì lọc máu HD không thể đáp ứng, bắt buộc phải sử dụng lọc máu liên tục.

Ưu điểm của lọc máu liên tục là bác sĩ có thể điều chỉnh được tốc độ máu nên mặc dù huyết áp của bệnh nhân ở mức rất thấp nhưng vẫn có thể tiến hành lọc máu liên tục. Hơn nữa, bệnh nhân được theo dõi liên tục 24/24 giờ về mặt lâm sàng và sáu tiếng thực hiện các xét nghiệm/lần để căn cứ điều chỉnh thuốc và các chỉ số của máy. Bệnh nhân được lọc máu liên tục trong 36 giờ, sau đó chuyển điều trị tích cực bằng thở máy, vận mạch, kiểm soát đường máu bằng insulin, cân bằng dịch, điện giải. Sau hai ngày thở máy, bệnh nhân tỉnh táo, tri giác cải thiện rõ rệt, cắt được vận mạch, tình trạng cơ bản ổn định và đang xem xét được bỏ thở máy.

Được biết, gần đây đã có một bệnh nhân bị viêm tụy cấp được Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh sử dụng phương pháp lọc máu liên tục để cứu sống. Việc tiếp tục cứu sống bệnh nhân bị suy hô hấp, ngừng tuần hoàn, toan chuyển hóa nặng này đánh dấu bước phát triển tiếp theo trong chuyên ngành hồi sức tích cực. Đây là tiền đề trong việc ứng dụng máy móc hiện đại và nâng cao trình độ chuyên môn của các y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới.