Tại họp báo thường kỳ, ông Dujarric nêu rõ, các nhân viên cứu trợ thuộc Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) cho biết, người dân ở Gaza phải di dời nhiều hướng cả trong lúc giao tranh giữa Israel và phong trào Hamas diễn ra, gây ra tình trạng hỗn loạn nguy hiểm.
Trước đó, trong hai ngày 7 và 8/7, quân đội Israel yêu cầu hàng chục nghìn người dân ở 19 tòa nhà chung cư ở thành phố Gaza phải sơ tán khẩn cấp, dẫn tới làn sóng di tản mới của người Palestine trong bối cảnh giao tranh dữ dội. Trong khi đó, ở miền bắc Dải Gaza, các cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc đặc biệt quan ngại về tình trạng thiếu cơ sở tránh trú an toàn cho khoảng 80.000 người phải di dời khỏi các khu vực phía đông thành phố Gaza từ cuối tháng 6 vừa qua.
Tình hình nhân đạo khẩn cấp
OCHA cũng cho biết, gần như toàn bộ người dân Gaza phải di tản sau 9 tháng xung đột. Dữ liệu của OCHA cho thấy, 90% số người dân ở Gaza đã phải rời nhà tìm nơi trú ẩn an toàn, trong đó nhiều người phải di tản nhiều lần do các lệnh sơ tán liên tục của Israel, tình trạng đói nghèo và mất an ninh do xung đột.
Những người phải di tản nhiều lần chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mất dần tài sản, phải tìm nơi trú ẩn mới và khó tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, trong khi hoạt động viện trợ nhân đạo gặp khó khăn vì thiếu nhiên liệu và hàng hóa. Theo OCHA, 13 trong 36 bệnh viện ở Gaza hiện hoạt động cầm chừng.
Các chuyên gia nhân quyền của Liên hợp quốc cảnh báo rằng, nạn đói đang diễn ra ở Gaza. Tuyên bố của 10 chuyên gia độc lập của Liên hợp quốc cho biết, từ ngày 7/10/2023, đã có 34 người Palestine tử vong vì suy dinh dưỡng, trong đó phần lớn là trẻ em.
Tuy nhiên, phái đoàn Israel tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) bác bỏ nhận định về nạn đói tại Gaza, đồng thời nhấn mạnh, theo đánh giá mới nhất, khả năng tiếp cận viện trợ đã được cải thiện. Tuyên bố của Israel nêu rõ, Israel liên tục tăng cường phối hợp và hỗ trợ việc cung cấp viện trợ nhân đạo trên khắp Gaza.
Trong khi đó, các quan chức Palestine cho biết, quân đội Israel tăng cường không kích ở khu vực nam Gaza và đưa xe tăng tiến sâu vào thành phố Gaza, buộc nhiều người dân phải rời bỏ nhà cửa.
Đàm phán được nối lại
Kênh truyền hình Al-Qahera News của Ai Cập đưa tin, sau vòng đàm phán chuyên sâu được tổ chức ở thủ đô Cairo của Ai Cập hôm 9/7, các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Gaza dự kiến được nối lại tại Doha (Qatar) một ngày sau đó, quy tụ các đại diện đến từ Ai Cập, Qatar, Mỹ và Israel, với mục tiêu đưa các quan điểm của Israel và phong trào Hamas đến gần nhau hơn, nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn càng sớm càng tốt.
Nguồn tin cho biết thêm, lực lượng Hamas và Israel đã nhất trí về nhiều điểm.
Văn phòng Tổng thống Ai Cập thông báo, Tổng thống nước này, ông Abdel Fattah al-Sisi và Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns đã thảo luận về nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn tại Gaza. Thông báo nêu rõ quan điểm của Ai Cập phản đối việc tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự ở Gaza.
Các quan chức cấp cao của Mỹ đã có mặt trong khu vực để thúc đẩy lệnh ngừng bắn sau khi Hamas nhượng bộ vào tuần trước. Tuy nhiên, Hamas cảnh báo cuộc tấn công mới của Israel vào Gaza hôm 8/7 đã đe dọa cuộc đàm phán ngừng bắn vào thời điểm quan trọng.
Liên quan căng thẳng trong khu vực, các nguồn tin của Israel cho biết, đã có hai người chết tại Cao nguyên Golan trong ngày 9/7 do các vụ tấn công bằng rocket của lực lượng Hezbollah ở Liban. Lực lượng Hezbollah đã thừa nhận thực hiện các vụ tấn công này, tuyên bố đây là hành động trả đũa vụ không kích trước đó của Israel tại khu vực gần biên giới giữa Syria và Liban.