Lỗ hổng quản lý thị trường gas

Dù đã có hành lang pháp lý để thực hiện mục tiêu đưa thị trường kinh doanh gas vào quy củ, nhưng cho đến nay, tình trạng sang chiết gas lậu vẫn hoành hành, việc chiếm dụng vỏ bình gas vẫn diễn biến phức tạp, làm méo mó thị trường gas, gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp, quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng và nguy cơ cháy nổ luôn rình rập.
0:00 / 0:00
0:00

Khí hóa lỏng (gas) là mặt hàng kinh doanh có điều kiện do có nguy cơ cháy, nổ cao. Để kinh doanh gas, doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng vào hạ tầng kho bãi, bồn chứa và các vỏ bình gas, trong đó vỏ bình gas là tài sản lớn của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc quản lý thị trường kinh doanh gas đang tồn tại nhiều bất cập.

Vấn đề nổi cộm trong suốt thời gian qua là tình trạng thu gom, chiếm dụng bình gas, sang chiết gas trái phép vào bình gas của chủ sở hữu. Thậm chí, nhiều đối tượng tiến hành mài nhãn hiệu trên vỏ của chủ sở hữu, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình rồi tung ra thị trường, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, gây nguy hiểm tính mạng người sử dụng.

Theo thống kê của Chi hội gas Miền Nam (thuộc Hiệp hội gas Việt Nam), thị trường hiện có hơn 30% lượng bình gas bị chiếm dụng và giả nhãn hiệu. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng sang chiết lậu gas trên thị trường với những phương thức và thủ đoạn tinh vi. Hàng triệu vỏ bình gas không thể quay về doanh nghiệp sở hữu để tiến hành kiểm định khiến nguy cơ cháy, nổ lại càng lớn.

Cuối tháng 3 vừa qua, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra, phát hiện và tạm giữ gần 1.200 bình gas và gas không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu tại một kho chứa trữ, kinh doanh của Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất thương mại vận tải Hoàng Nam ở phường Thới An, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại hiện trường, nhiều vỏ bình gas của các thương hiệu lớn có dấu hiệu bị chiếm dụng trái phép.

Thị trường gas đã có hành lang pháp lý quản lý liên quan như: Luật Dầu khí, Luật Thương mại, Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Đầu tư, Luật Giá, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Xây dựng. Bên cạnh đó còn có 11 nghị định, 14 thông tư và 5 quyết định. Với hệ thống luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh gas chằng chịt như thế, tưởng chừng thị trường sẽ đi vào quy củ. Tuy nhiên, do những quy định về kinh doanh gas vẫn chưa đủ chặt chẽ; việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa hết trách nhiệm của các cơ quan chức năng khiến cho các đối tượng vi phạm tiếp tục lộng hành, thị trường gas tiếp tục bất ổn.

Từ tháng 11/2021 đến nay, Công ty cổ phần gas Thủ Đức (Thủ Đức gas-trụ sở tại phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo Công ty TNHH một thành viên Phân phối khí đốt gas Thu Đức (Thu Đức gas) trụ sở tại số 235 Hoàng Văn Thụ, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình có hành vi chiếm đoạt và hủy hoại tài sản trái phép vỏ bình của Thủ Đức gas. Vụ việc đến nay vẫn chưa có kết quả giải quyết.

Trước đó, ngày 5/7/2021, lực lượng quản lý thị trường cùng các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình kiểm tra một cửa hàng thuộc hệ thống của Công ty gas Thu Đức phát hiện, tạm giữ nhiều bình gas nghi giả nhãn hiệu. Qua xác minh cho thấy, có hơn 500 bình gas là tài sản sở hữu hợp pháp của Công ty gas Thủ Đức nhờ những thông số kỹ thuật ghi trên vỏ bình, dù đã bị hoán cải. Sự việc kéo dài chưa được xử lý, trong khi chứng cứ quá rõ ràng, đang đặt ra câu hỏi về sự nghiêm minh pháp luật trong quản lý thị trường gas. Nếu doanh nghiệp vi phạm không bị xử lý, răn đe sẽ tạo tiền lệ xem thường pháp luật và tính mạng người dân…

Trước những hạn chế trong công tác quản lý, các chuyên gia cho rằng, cần sớm sửa đổi hành lang pháp lý để thị trường gas phát triển cạnh tranh, lành mạnh… Trong đó, cần sớm ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh gas theo hướng tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động kinh doanh và dịch vụ kinh doanh gas nhằm hạn chế tình trạng chiếm dụng vỏ bình, chiết nạp gas lậu và cung cấp gas giả.

Trong bối cảnh hiện nay, việc nở rộ các đầu mối với gần 100 thương hiệu gas trên cả nước là quá nhiều khiến cạnh tranh thị trường càng khốc liệt, dẫn đến tình trạng xâm phạm nhãn hiệu, sang chiết gas trái phép.

Do đó, thay vì mở rộng đầu mối kinh doanh gas, cần khuyến khích xu hướng liên kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp để thu gọn các đầu mối. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư chiều sâu, củng cố hạ tầng, hệ thống phân phối và đầu tư chăm sóc khách hàng chu đáo hơn giúp lành mạnh hóa thị trường gas.