Đây là hoạt động có ý nghĩa tâm linh truyền thống cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà mạnh khỏe, sung túc và bình yên, cũng nhằm nhắc nhở các thế hệ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công đức của Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước cho các thế hệ ngày nay.
Lễ hội phát lương năm Giáp Thìn 2024 được mở màn bằng nghi thức rước kiệu Thánh có sự tham dự của Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Hội Phật giáo tỉnh Hà Nam, các tăng ni, phật tử cùng nhân dân và du khách thập phương.
Trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội có các hoạt động như: lễ rước nước, lễ rước lương, đêm hội Trần thương cùng các hoạt động văn hóa, thể thao phong phú khác. Đặc biệt, điểm nhấn của Lễ hội là nghi thức phát lương Đức Thánh Trần được bắt đầu từ 21 giờ ngày 14 đến rạng sáng ngày 15 tháng Giêng.
Nghi lễ rước nước từ giữa sông Hồng về đền để làm lễ. |
Theo Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Hội Phật giáo tỉnh Hà Nam, việc tái dựng lại lễ phát lương cho nhân dân có ý nghĩa ôn lại những truyền thống mang tính chất giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau về tầm quan trọng, cũng như cần phải chú trọng lương thực để đề phòng những lúc mà đất nước có việc. Túi lương đấy chỉ là những hạt ngũ cốc (đậu,đỗ, ngô, lúa…) nhưng lúc ấy nó đã linh thiêng hóa rồi và trở thành lộc thánh mang lại điều may mắn, nên mọi người về đền Trần Thương xin lương để cầu cả nhà bình yên và cả quốc thái dân an.
Nghi thức rước lương từ kho lương về Đền Trần Thương. |
Trong 3 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông, vùng đất Hà Nam có vị trí chiến lược quan trọng, là phên dậu phía bắc của hành cung Thiên Trường. Đặc biệt, vùng đất Lý Nhân đã được Hưng Đạo Đại Vương chọn để lập 6 kho lương phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, mà đất Trần Thương-Trung tâm "lục đầu khê" (Đất thôn Miễu Cổ) là kho lương chính và là vị trí ngôi đền Trần Thương ngày nay.
Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Lý Nhân, Hà Nam biết ơn sâu sắc công lao to lớn của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng bộ tướng, gia thần của Ngài. Sau khi Đức Thánh Trần rời cõi thế, nhân dân đã khởi dựng ngôi đền để tưởng vọng Ngài. Ngôi đền có quy mô kiến trúc lớn, bề thế, tôn nghiêm, tọa lạc trên nền kho lương chính, có thế đất linh thiêng “hình nhân bái tướng, ngọa nhân mỹ”.
Đông đảo du khách và nhân dân về lễ hội phát lương tại Đền Trần Thương. |
Đền Trần thương là một trong 3 địa danh, di tích tiêu biểu thờ Đức Thánh Trần cùng với đền Bảo Lộc (Nam Định), đền Kiếp Bạc (Hải Dương) mà sắc phong còn lưu giữ tại đây có ghi: "Kiếp Bạc, Bảo Lộc, Trần Thương tối linh từ".
Năm 2015, Đền Trần Thương đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, và Lễ hội truyền thống Đền Trần Thương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia .
Theo sử sách ghi lại, khi thắng giặc Nguyên-Mông lần thứ 3 năm 1288, Hưng Đạo Vương xa giá 2 vua về kinh rồi trở lại nơi đây, mở kho lương khao quân dân, lấy dân làm tạo lệ và ký thác sinh phần ở đây. Với mong muốn giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, tưởng nhớ công đức của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước cho các thế hệ, từ nhiều năm qua, nhân dân huyện Lý Nhân đã phục dựng lại lễ “Phát lương khao quân, dân” của Đức Thánh Trần vào giờ Tý ngày Rằm tháng Giêng hằng năm.
Nghi thức phát lương Đức Thánh Trần năm 2023. |
Ông Nguyễn Đức Nhương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lý Nhân, cho biết: "Lễ hội của nhân dân nên chúng tôi giao cho nhân dân thực hiện là chính. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho lễ phát lương từ bảo đảm môi trường và an ninh trật tự được chúng tôi chuẩn bị hoàn chỉnh. Công tác chuẩn bị nghi thức phát lương được nhân dân trong vùng chuẩn bị đầy đủ, từ làm túi lương, đóng lương rồi thủ tục nhập lương".
Đặc biệt, nghi thức phát lương sẽ thực hiện từ giờ Tý ngày Rằm tháng Giêng và được giao cho các cụ cao niên của xã Trần Hưng Đạo thực hiện.
Theo lãnh đạo huyện Lý Nhân, năm nay không thực hiện phát lương trong đền mà thực hiện nghi thức hành chính và đêm hội ở ngoài sân tâm linh để đông đảo nhân dân cùng tham gia, nhằm quảng bá và tôn vinh vẻ đẹp cũng như nét truyền thống của lễ phát lương đền Trần Thương.
Đền Trần Thương là địa danh lịch sử đã gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Nơi đây hội tụ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống vô cùng quý giá, trở thành một địa chỉ giáo dục lịch sử truyền thống yêu nước cho các thế hệ người dân Việt Nam.
Điểm đến hấp dẫn về du lịch văn hóa tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương với mong muốn trong tiềm thức người Việt, đi lễ đầu năm, xin lộc thánh để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân được ấm no, thụ hưởng hạnh phúc, thái bình.