Linh hoạt, sáng tạo chuyển đổi sản xuất để vượt khó

Số liệu thống kê của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 11,7 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định.

Ngoài thị trường Nhật Bản tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hơn 6%, các thị trường khác đều giảm mạnh như thị trường Mỹ và Trung Quốc giảm hơn 30%, EU giảm 12%, Hàn Quốc giảm 5%,...

Để vượt khó, các doanh nghiệp đang nỗ lực, tích cực tìm kiếm đơn hàng, đa dạng hóa mặt hàng, sản phẩm cũng như đẩy mạnh thực hành tiết kiệm nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất và giữ chân người lao động.

Đa dạng thị trường, mặt hàng

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Trương Văn Cẩm cho biết, ngành dệt may cũng như các ngành nghề khác hiện đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn trước biến động của nền kinh tế thế giới khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, lượng hàng tồn kho tăng cao. Thông thường mọi năm, các doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng đến hết tháng 8, tháng 9, thậm chí đến hết năm nhưng hiện tại đang phải "ăn đong" từng tháng, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận cảnh "vơ bèo vạt tép" những đơn hàng không mong muốn với mức giá thấp nhằm bảo đảm công ăn việc làm, tiền lương cho người lao động.

"Khi thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc, doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển thị trường ngách, nhận làm những đơn hàng có giá trị chuyên biệt cũng như thực hiện tiết kiệm, cắt giảm đến mức thấp nhất các khoản chi phí nhằm sớm vượt qua giai đoạn khó khăn" - ông Cẩm nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Việt Thắng, Nguyễn Quang Minh cho biết thêm, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, đơn vị đã phải linh hoạt chuyển đổi sản xuất, đa dạng hóa khách hàng, mặt hàng, tập trung vào khâu thế mạnh nhằm duy trì việc làm cho người lao động, ổn định sản xuất. Trong đó, muốn duy trì được sản xuất cần phải thay đổi sáng tạo linh hoạt để tạo sự khác biệt, cố gắng duy trì khách hàng cũ, tìm kiếm các khách hàng mới trong và ngoài nước thông qua các kênh khác nhau. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm bằng các biện pháp cụ thể như tự động hóa các khâu sản xuất chính, cân đối dây chuyền một cách hợp lý, tính toán mặt hàng sản xuất tối ưu, triệt để nhằm tiết kiệm nguyên liệu từ bông xơ, vật tư, phụ tùng và năng lượng. Ngoài ra, đơn vị sẽ tăng cường đầu tư vào khâu sản xuất vải thành phẩm, ổn định chất lượng khâu in nhuộm và hoàn tất để nâng cao hiệu quả, gia tăng lợi nhuận và giải quyết việc làm cho người lao động. Để phát triển doanh số và mở rộng thị trường, tổng công ty sẽ tăng cường nhân lực cho bộ phận kinh doanh thị trường; áp dụng các hình thức khuyến khích như thưởng doanh thu, tăng cường khâu tiếp thị bán hàng qua các kênh khác nhau, bao gồm các kênh truyền thống và các kênh bán hàng online như: Amazon, Alibaba, trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube,…

Tương tự, Tổng Giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên, Phạm Thị Phương Hoa cho biết, năm 2022, đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn khi các đơn hàng có dấu hiệu "đảo chiều" và thu hẹp. Nếu như trước đây thế mạnh của tổng công ty là sản xuất các mặt hàng dệt thoi, các sản phẩm thời trang nữ cao cấp, quy mô nhỏ, nhưng trước khó khăn, đơn vị đã phải đầu tư thêm máy móc, dây chuyền để sản xuất các mặt hàng dệt kim có giá rẻ hơn nhưng quy mô đơn hàng lớn nhằm duy trì sản xuất. Với tình hình khó đoán định của năm 2023, chắc chắn tổng công ty vẫn phải tiếp tục đa dạng hóa mặt hàng, khách hàng, chấp nhận sản xuất các đơn hàng nhỏ nhưng yêu cầu kỹ thuật cao để duy trì sản xuất thông qua đầu tư chiều sâu vào máy móc và thiết bị. Đồng thời, xây dựng các phong trào sáng kiến, sáng tạo nhằm nâng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Tận dụng tốt các cơ hội

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, các doanh nghiệp hiện đang đối diện với nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, đơn giá thấp với mức giảm 20-50% so với năm 2022. Theo dự báo, tình trạng thiếu đơn hàng, đơn hàng nhỏ lẻ, số lượng ít, đơn giá thấp sẽ kéo dài đến hết quý III. Do đó, doanh nghiệp phải tối ưu hóa hoạt động sản xuất, tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, bám sát khách hàng, bám sát thị trường để có các chính sách linh hoạt, kịp thời nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh hàng hóa.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex, Lê Tiến Trường khẳng định, các tổ chức uy tín chưa có một dự báo nào về thời điểm phục hồi mạnh của thị trường dệt may thời trang. Tổng tồn kho hàng dệt may sau khi giảm vào tháng 1 và tháng 2 đã tăng trở lại trong tháng 3, tháng 4 vừa qua. Tồn kho cao, đơn hàng phải đặt nhỏ, nhanh dẫn tới xu thế dịch chuyển đặt hàng về gần thị trường tiêu thụ để linh hoạt hơn trong giao hàng dù chi phí sản xuất có thể cao hơn. Điều này khiến nhu cầu đặt hàng của khu vực Mỹ, châu Âu từ châu Á cũng suy giảm.

Ông Trường cũng cho biết, xét trên lợi thế cạnh tranh tương đối, Việt Nam đang có nhiều hạn chế hơn các quốc gia xuất khẩu khác. Trước hết là đồng tiền Việt Nam đang mạnh lên trong quý I vừa qua, trong khi các quốc gia xuất khẩu dệt may duy trì đồng nội tệ rẻ để kích thích xuất khẩu, kể cả Trung Quốc với tỷ giá 6,91 CNY/USD so với năm 2018, năm 2019 ở mức 6,3-6,5 CNY/USD. Lãi suất khoản vay tại Việt Nam cũng dao động cao hơn mức tại các quốc gia này từ 5-7%/năm. Tăng giá điện 3% từ ngày 4/5, tăng lương cơ sở của khu vực công lên 1,8 triệu đồng/tháng cũng gây thêm áp lực chi phí lên doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tập trung cho thị trường ngách với đơn hàng nhỏ, khó, thay đổi liên tục cũng như đa dạng hóa khách hàng, không phụ thuộc vào một vài khách hàng truyền thống. Đồng thời, tiết kiệm triệt để mọi chi phí vận hành, chưa thực hiện mở rộng quy mô, tập trung vào đầu tư chiều sâu trong tự động hóa, số hóa với khả năng thu hồi vốn đầu tư nhanh trong vòng hai, ba năm.

Vinatex và các doanh nghiệp thành viên sẽ tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển vị trí trong chuỗi cung ứng hiện có cũng như tìm kiếm, gia nhập các chuỗi cung ứng mới.

Kiên định mục tiêu xây dựng Vinatex là một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói, bắt đầu từ dệt kim nhưng linh hoạt trong xác định mục tiêu phù hợp diễn biến thị trường, bao gồm cả lựa chọn thêm các sản phẩm đặc biệt để phát triển giải pháp trọn gói; thực hiện đầy đủ, không trì hoãn các cam kết liên quan đến bảo vệ môi trường, thực hiện chuẩn mực quản lý theo hướng kinh tế tuần hoàn mà các tổ chức, các thương hiệu lớn đã đặt ra cho toàn bộ thành viên trong chuỗi cung ứng.

Tập đoàn đẩy mạnh nghiên cứu, phân tích, cập nhật thị trường và đối thủ để có giải pháp sản xuất, kinh doanh linh hoạt, tận dụng tốt các cơ hội mang lại, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã và đang tham gia.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas Trương Văn Cẩm, bên cạnh khó khăn về đơn hàng, đơn giá giảm mạnh, doanh nghiệp dệt may cũng chịu áp lực rất lớn về tài chính như lãi vay cao, áp lực trả nợ vay và lãi vay,... Nhiều doanh nghiệp phải sử dụng các nguồn dự trữ hoặc sa thải nhân công, giảm giờ làm, sản xuất cầm chừng để duy trì lực lượng lao động. Do đó, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính, giảm lãi suất vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ,... để giúp các doanh nghiệp dệt may phát triển bền vững, chuyển đổi xanh nhằm đáp ứng các yêu cầu thị trường.