Liên kết doanh nghiệp Việt với các tập đoàn đa quốc gia

Ngành công nghiệp chế tạo đang là lĩnh vực có sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia vẫn rất ít, tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều ngành công nghiệp chế tạo còn thấp. Vì vậy, cần có những chính sách để thúc đẩy mối liên kết này bền chặt hơn nữa.
0:00 / 0:00
0:00
Liên kết doanh nghiệp Việt với các tập đoàn đa quốc gia

Theo số liệu từ Bộ Công thương, năm 2022, ngành công nghiệp chế biến chế tạo dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài với lượng vốn đăng ký đạt hơn 14,96 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tính đến nay, đã có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại Việt Nam.

Năng lực cạnh tranh hạn chế

Những năm qua, Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực. Những thành tựu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tạo nền tảng to lớn cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò quan trọng, được ví như xương sống của nền kinh tế, là nền tảng và động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam.

Tính đến nay, đã có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại Việt Nam.

Theo Phó Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Lê Hoàng Tài, đây cũng là ngành luôn thu hút được lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thể hiện ở vốn FDI vào ngành thường chiếm tỷ lệ cao nhất về số dự án và vốn đăng ký, nhất là trong các ngành công nghiệp chủ lực như viễn thông, điện tử-công nghệ thông tin, sản xuất thép, xi-măng, dệt may, da giày,... với sự xuất hiện của nhiều công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới như Samsung, Toyota, Honda, LG.

Tuy nhiên, mới chỉ có hơn 300 doanh nghiệp thuần Việt tham gia được vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia này. Ðơn cử như ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong 10 năm trở lại đây luôn có tên trên bản đồ xuất khẩu điện tử thế giới, nhưng lại đang nhập khẩu hầu hết các linh kiện (gần 90%), nhất là linh kiện cơ bản phải nhập khẩu tới 97%, linh kiện chuyên dụng 92%, linh kiện cơ khí 82%, linh kiện cao-su 87%,... trong khi phần mua được từ nhà sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ rất ít.

Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong 10 năm trở lại đây luôn có tên trên bản đồ xuất khẩu điện tử thế giới, nhưng lại đang nhập khẩu hầu hết các linh kiện (gần 90%), nhất là linh kiện cơ bản phải nhập khẩu tới 97%, linh kiện chuyên dụng 92%, linh kiện cơ khí 82%, linh kiện cao-su 87%,... trong khi phần mua được từ nhà sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ rất ít.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) Trương Thị Chí Bình cho biết, liên kết với các công ty đa quốc gia là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng số lượng doanh nghiệp thành công vẫn chưa nhiều.

Nghiên cứu của VASI cho thấy, các hoạt động hỗ trợ liên kết chỉ kết nối thành công được khoảng 3,2 doanh nghiệp/năm tại TP Hồ Chí Minh và khoảng 2,7 doanh nghiệp/năm tại Hà Nội với các doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên nhân theo các nhà hỗ trợ là do doanh nghiệp Việt đa phần có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư, phát triển công nghệ,... do đó khó đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ phía doanh nghiệp đầu chuỗi. Theo đánh giá hiện nay, hiện cả nước chỉ có khoảng 500 doanh nghiệp đủ năng lực để trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn nước ngoài.

Đòn bẩy từ chính sách

Cũng theo bà Chí Bình, dù doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất được linh kiện, phụ tùng đáp ứng yêu cầu chất lượng, nhưng vẫn khó có thể cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nước ngoài. Do đó, mấu chốt để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, tham gia sâu hơn vào chuỗi liên kết của các nhà sản xuất thượng tầng là phải cắt giảm được chi phí sản xuất.

Cụ thể, các doanh nghiệp cần được tiếp cận tín dụng tốt hơn thông qua hình thức vay ưu đãi, bảo lãnh không thế chấp,... Song song với đó là cải thiện khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, các thủ tục xây dựng nhà máy.

Về mặt chiến lược, cần tăng quy mô doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ, hình thành cụm doanh nghiệp, hệ sinh thái để sản xuất cụm linh kiện hoàn chỉnh. "Quan trọng nhất là các chính sách hỗ trợ cần thực thi có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tập trung vào sản xuất", bà Chí Bình nhấn mạnh.

Mặt khác, cần đẩy mạnh các hoạt động liên kết, thúc đẩy các công ty đa quốc gia, nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm các nhà cung cấp tại Việt Nam; đồng thời, khuyến khích thực hiện nội địa hóa bằng các chính sách ưu đãi về thuế, lao động, nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có định hướng rõ ràng về nội địa hóa.

Trưởng phòng Công nghiệp hỗ trợ (Cục Công nghiệp, Bộ Công thương) Lê Huyền Nga chia sẻ, dù ngành công nghiệp chế tạo đang là lĩnh vực tạo sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, song chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện nay còn thiếu các cơ chế hữu hiệu để gắn kết doanh nghiệp cung ứng với doanh nghiệp đầu chuỗi.

Bên cạnh đó, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút được các nhà đầu tư lớn, có vai trò làm động lực lan tỏa cho cả ngành. Chính vì vậy, trong Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 111/2015/NÐ-CP ngày 3/11/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ đang được soạn thảo sẽ bổ sung thêm nhiều cơ chế ưu đãi, hỗ trợ hợp lý cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam sẽ được tín dụng ưu đãi dưới hình thức cấp bù lãi suất và hỗ trợ lãi vay với mức 3%.

Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia, phát triển thị trường cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ bao gồm cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

Các chuyên gia khuyến nghị, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước có môi trường phát triển tốt hơn, cải thiện năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm hoạt động, quản lý từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Về phía các doanh nghiệp cũng cần tự đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, thiết lập được hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ để đủ sức bắt tay với tập đoàn đa quốc gia lớn, từ đó tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.