Các phái đoàn tham dự COP27 đã bày tỏ sự ủng hộ sau khi quỹ bồi thường "tổn thất và thiệt hại" được nhất trí thông qua sau 2 tuần đàm phán căng thẳng, liên quan tới yêu cầu của các nước đang phát triển, theo đó các nước giàu có lượng phát thải lớn phải bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà các đang phát triển phải gánh chịu do các hình thái thời tiết cực đoan.
Nội dung này không nằm trong chương trình nghị sự chính thức ban đầu, tuy nhiên nỗ lực của các nước đang phát triển đã biến đây thành chủ đề được quan tâm nhất tại hội nghị, và việc Hội nghị thông qua thỏa thuận thành lập quỹ bồi thường được các nhà chuyên môn đánh giá là bước tiến lịch sử.
Bước đột phá này mang lại hy vọng cho các cuộc đàm phán tại COP27 nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng của hội nghị.
Quỹ bồi thường sẽ bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, từ nhà cửa và cầu bị cuốn trôi do lũ quét tới nguy cơ biến mất các nền văn hóa và các hòn đảo do mực nước biển dâng cao.
Các nước phát triển được yêu cầu đóng góp vào quỹ đền bù, cùng với các nguồn kinh phí tư nhân và quỹ công khác như các thể chế tài chính quốc tế.
Trước đó, Ai Cập thông báo các cuộc đàm phán tại COP27 kéo dài thêm một ngày, đến ngày 19/11.
Ngoại trưởng Ai Cập đồng thời là Chủ tịch COP27 - ông Sameh Shoukry - nêu rõ chương trình nghị sự của COP27 có sự thay đổi đột ngột do cần thêm thời gian để các bên tiếp tục đàm phán nhằm thống nhất những nội dung quan trọng của một thỏa thuận cuối cùng, trong đó có nội dung về quỹ bồi thường cho những nước nghèo chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Trong năm nay, các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra như lũ lụt tại Pakistan, hạn hán nghiêm trọng đe dọa gây ra nạn đói ở Somalia... đã thu hút sự tập trung vào các nước gánh chịu thảm họa thiên tai, vốn đã chật vật đối phó với lạm phát leo thang và các khoản nợ ngày càng tăng.