Nghị quyết kêu gọi các quốc gia và tổ chức quốc tế tăng gấp đôi hỗ trợ cho các nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được một nền hòa bình công bằng, toàn diện và bền vững ở Ukraine, theo Hiến chương Liên hợp quốc. Nghị quyết tái khẳng định cam kết đối với chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Ðại hội đồng Liên hợp quốc cũng kêu gọi các nước thành viên hợp tác trên tinh thần đoàn kết để giải quyết các tác động của xung đột đối với an ninh lương thực, năng lượng, tài chính, môi trường và với an ninh, an toàn hạt nhân.
Nghị quyết nêu trên được các nước phương Tây thúc đẩy. Tuy nhiên, Ðại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya cho rằng, nghị quyết sẽ không góp phần đem đến “giải pháp hòa bình cho những mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây”. Theo ông, tài liệu này phiến diện và xa rời thực tế.
Ngày 24/2, Tân Hoa xã đưa tin, Trung Quốc đề xuất giải pháp chính trị gồm 12 điểm đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine, trong đó kêu gọi các bên ngừng bắn và nối lại đàm phán hòa bình. Ðề xuất của Trung Quốc nêu rõ, các bên cần tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; kiềm chế, tránh làm trầm trọng thêm căng thẳng và ngăn chặn khủng hoảng vượt tầm kiểm soát.
Ai Cập cũng khẳng định ủng hộ các nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng và thúc đẩy đạt được giải pháp hòa bình cho xung đột ở Ukraine. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi khẳng định, Cairo sẵn sàng thúc đẩy các nỗ lực cần thiết tìm giải pháp cho vấn đề Ukraine.
Trong khi đó, tại hội nghị ở Ấn Ðộ ngày 23/2, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ra tuyên bố chung tái khẳng định “sự ủng hộ vững chắc” của G7 dành cho Ukraine, đồng thời cảnh báo trừng phạt bổ sung đối với Nga. Theo tuyên bố, G7 đã tăng cam kết hỗ trợ tài chính cho Ukraine năm 2023 lên 39 tỷ USD.