Dự thảo nghị quyết, được lưu hành bởi Mỹ và Ukraine, nhận được sự ủng hộ của 10/15 thành viên Hội đồng Bảo an. Bốn thành viên bỏ phiếu trắng là Brazil, Trung Quốc, Gabon và Ấn Độ, trong khi Nga phủ quyết bản dự thảo này.
Dự thảo nghị quyết cho rằng các cuộc trưng cầu ý dân ở 4 khu vực của Ukraine mà Nga đang coi là lãnh thổ có chủ quyền của mình là bất hợp pháp và là một âm mưu nhằm thay đổi đường biên giới của Ukraine đã được quốc tế công nhận.
Dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi tất cả các quốc gia, tổ chức quốc tế và các cơ quan không công nhận tuyên bố sáp nhập của Nga, đồng thời hối thúc Nga "rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi lãnh thổ Ukraine ngay lập tức và vô điều kiện".
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya cáo buộc những nước dự thảo nghị quyết nêu trên đã "khiêu khích ở cấp độ thấp" để buộc Nga phải sử dụng quyền phủ quyết.
Đại sứ Nebenzya cho rằng, các hành động thù địch công khai như vậy từ phương Tây là sự từ chối can dự và hợp tác trong Hội đồng Bảo an cũng như phủ nhận các hoạt động và kinh nghiệm đạt được trong nhiều năm qua.
Do Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết nêu trên, trong vòng 10 ngày Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ phải triệu tập cuộc họp để xem xét và cho ý kiến về cuộc bỏ phiếu.
Ngày 30/9, tại Điện Kremlin ở thủ đô Moskva, Tổng thống Nga Putin và những người đứng đầu các vùng lãnh thổ tại Ukraine, gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, đã ký thỏa thuận về việc các khu vực này sáp nhập Liên bang Nga.
Trước đó, ngày 29/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án kế hoạch của Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ tại Ukraine. Ông Guterres cảnh báo kế hoạch này sẽ đánh dấu "sự leo thang nguy hiểm" trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine suốt 7 tháng qua.
Trong cơ chế hiện nay của Liên hợp quốc, chỉ cần 1 trong 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an dùng tới quyền phủ quyết thì Hội đồng Bảo an không thể ra được quyết sách cho dù đó là vấn đề khẩn cấp.