Đây là hoạt động văn hóa tưởng niệm 720 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và hướng đến ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11).
Tham dự liên hoan có sáu đội văn hóa dân gian tiêu biểu, đại diện cho 194 di tích đã được nhà nước xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, gồm: Đền Trần Thương (xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân); Đình Chảy (xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm); Đền Mẫu tổ 5 (phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý); Đền Lảnh Giang (xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên); Đền thờ nữ tướng Lê Chân (huyện Kim Bảng) và Đình An Đỗ (xã An Đỗ, huyện Bình Lục).
Tỉnh Hà Nam hiện có 1.784 di tích, trong đó có 194 di tích đã được nhà nước xếp hạng. Các di tích của tỉnh là những bằng chứng sinh động, có ý nghĩa quan trọng, phản ánh quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ nhân dân Hà Nam, hội tụ tinh hoa giá trị kiến trúc, mỹ thuật; số lượng di tích đa dạng về loại hình. Mạng lưới di tích được phân bổ đều khắp các địa phương, nhiều thôn, xã có cả quần thể di tích đình, chùa, đền, miếu.
Hà Nam cũng là địa phương có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng vừa mang tính chất chung của vùng châu thổ sông Hồng vừa mang nét đặc sắc riêng của địa phương. Đó là ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lễ hội... Những di sản văn hóa trường tồn đến ngày nay luôn đóng vai trò quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Liên hoan Văn hóa dân gian các di tích tiêu biểu tỉnh Hà Nam được tổ chức hai năm một lần, nhằm phát huy giá trị văn hóa của các di tích, góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa bền vững.
Các đơn vị tham dự liên hoan với nội dung: triển lãm ảnh về di tích, trao đổi kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị di tích đặc biệt là trình diễn vốn văn hóa dân gian tại di tích được vun đắp từ hơn 100 lễ hội, trong đó có năm lễ hội vùng được tổ chức quy mô.
Liên hoan Văn hóa dân gian các di tích tiêu biểu tỉnh Hà Nam lần thứ 6 là dịp để các địa phương giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của các di tích, góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Luật Di sản văn hóa.
Đồng thời, đây cũng là dịp để những người làm công tác bảo tồn và các địa phương giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, giới thiệu giá trị của các di tích ở mỗi địa phương đến đông đảo du khách trong và nước.