Liên bang Nga là thị trường lớn, đa dạng và nhiều cạnh tranh

NDO - Nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga đã chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nga về những kết quả nổi bật trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong năm 2024, triển vọng hợp tác năm 2025, cũng như các biện pháp giúp hàng hóa Việt Nam đứng vững và phát triển trên thị trường Nga.
0:00 / 0:00
0:00
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga Dương Hoàng Minh trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nga. (Ảnh: XUÂN HƯNG)
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga Dương Hoàng Minh trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nga. (Ảnh: XUÂN HƯNG)

Phóng viên: Xin ông cho biết kết quả nổi bật trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nga trong năm 2024?

Ông Dương Hoàng Minh: Mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trở ngại, nhất là về thanh toán, thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong năm 2024 đạt kết quả hết sức tích cực.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2024 đạt 4,59 tỷ USD, tăng 26,4% so với năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Nga đạt 2,34 tỷ USD, tăng 34,5%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước ta từ Nga đạt 2,25 tỷ USD, tăng 19%.

Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng đạt tốc độ tăng trưởng cao như: Thủy sản đạt 231,4 triệu USD, tăng 68,9% so với năm 2023; Dệt may đạt 762,5 triệu USD, tăng 55,6%; Cà phê 306,2 triệu USD, tăng 25%; Bánh kẹo và các sản phẩm ngũ cốc 34,6 triệu USD, tăng 126,1%; hạt tiêu 33,3 triệu USD, tăng 72,5%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 240,6 triệu USD, tăng 44,6%...

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Nga tăng cao, như: phân bón đạt 228,6 triệu USD, tăng 73%; lúa mỳ 139,3 triệu USD, tăng 149,2%; hóa chất 102 triệu USD, tăng 93,5%; than đá 913,2 triệu USD, tăng 7,7%…

Liên bang Nga là thị trường lớn, đa dạng và nhiều cạnh tranh ảnh 1

Đại sứ Đặng Minh Khôi và Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga tham quan gian hàng tại Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024. (Ảnh: XUÂN HƯNG)

Trong xuất khẩu sang Liên bang Nga năm 2024, điểm nổi bật là kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng do khối doanh nghiệp trong nước sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga.

Trước đây, kim ngạch các mặt hàng do khối FDI sản xuất như điện thoại di động, máy tính, hàng điện tử… chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Liên bang Nga.

Trong năm 2024 đóng góp chủ yếu là mặt hàng may mặc, nông sản, thủy sản… Trong đó, dệt may là nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất trong xuất khẩu sang Liên bang Nga, tiếp theo là các mặt hàng cà phê; máy móc, thiết bị, phụ tùng khác; thủy sản…

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về triển vọng trao đổi thương mại giữa hai nước Việt Nam-Liên bang Nga trong năm 2025?

Ông Dương Hoàng Minh: Việt Nam và Liên bang Nga có cơ cấu hàng hóa mang tính bổ sung cho nhau: Nga có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm nông sản, thực phẩm, hàng dệt may, thiết bị máy móc… Trong khi đó, Việt Nam cần nhập từ Nga chủ yếu là các mặt hàng phục vụ sản xuất như than đá, phân bón, sản phẩm hóa chất, lúa mỳ, thịt, thiết bị máy móc…

Mặc dù có tăng trưởng khá cao trong năm 2024 nhưng kim ngạch thương mại Việt Nam-Liên bang Nga năm 2024 vẫn còn thấp hơn mức 5,5 tỷ USD đạt được vào năm 2021 và chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch ngoại thương của cả hai nước (chiếm 0,6% của Việt Nam và khoảng 0,8% của Nga).

Hiện nay, các khó khăn gây trở ngại lớn cho thương mại song phương trong thời gian gần đây như vận tải, thanh toán, việc đi lại của thương nhân đã và đang được tích cực tháo gỡ.

Hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga có thể sử dụng tuyến vận tải biển trực tiếp Vladivostok-Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh với thời gian vận chuyển khoảng 8-11 ngày; hoặc tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ Việt Nam qua Trung Quốc, Kazakhstan rồi tới Moskva với thời gian khoảng 35-40 ngày.

Liên bang Nga là thị trường lớn, đa dạng và nhiều cạnh tranh ảnh 2

Đại sứ Đặng Minh Khôi và đại diện Bộ Công thương chụp ảnh lưu niệm tại gian hàng Việt Nam tại Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024. (Ảnh: XUÂN HƯNG)

Về thanh toán, các doanh nghiệp hai nước có thể sử dụng đồng rúp và tiền đồng Việt Nam để thanh toán trong thương mại song phương khá thuận lợi. Bên cạnh đó, việc Liên bang Nga cấp visa điện tử với thời hạn lưu trú tại Nga 15 ngày cho công dân Việt Nam cũng tạo thuận lợi cho việc đi lại của các thương nhân.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, mà Nga là thành viên, đã ký Hiệp định thương mại tự do vào năm 2015. Hiệp định này đã có hiệu lực từ tháng 10/2016. Đến nay, phần lớn các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% hoặc ở mức rất thấp. Các doanh nghiệp hai nước cần tích cực sử dụng những điều kiện thuận lợi mà Hiệp định mang lại để thúc đẩy thương mại, đầu tư song phương.

Các thuận lợi trên cùng những thành công trong năm 2024 và đặc biệt là các kết quả đạt được trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14 đến 15/01/2025 của Thủ tướng Nga Mkhail Mishustin sẽ thúc đẩy mạnh mẽ, nâng tầm hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước trong năm 2025 và các năm tới.

Phóng viên: Mặc dù có nhiều tiềm năng và cơ hội, nhưng thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị phần tại thị trường Nga cũng không phải nhỏ. Theo ông, các doanh nghiệp ta nên làm gì để hàng hóa Việt Nam đứng vững và phát triển trên thị trường Nga?

Ông Dương Hoàng Minh: Liên bang Nga là thị trường truyền thống của nhiều mặt hàng của Việt Nam như cà phê, chè, hạt điều, hạt tiêu, thủy sản, dệt may... Trong các năm gần đây, ngày càng nhiều các mặt hàng, sản phẩm Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, hàng may mặc có mặt tại các chuỗi siêu thị, các trung tâm thương mại... tại nhiều địa phương của Liên bang Nga.

Để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nga một cách ổn định, tránh xảy ra tranh chấp liên quan tới chất lượng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của nước sở tại về chất lượng, bao bì, nhãn mác... đối với các sản phẩm của mình. Cần đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu tại Nga để bảo vệ thương hiệu tránh xảy ra các rủi ro pháp lý trong quá trình kinh doanh tại thị trường.

Liên bang Nga là thị trường lớn, đa dạng và nhiều cạnh tranh ảnh 3

Giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tại Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024. (Ảnh: XUÂN HƯNG)

Đối với các doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm làm ăn tại thị trường Nga, có sản phẩm với lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như cà phê, trái cây, chè, hạt tiêu… nên xem xét tận dụng các ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu, cũng như các ưu đãi đầu tư của Liên bang Nga để đầu tư sản xuất tại thị trường.

Liên bang Nga là thị trường lớn, đa dạng và nhiều cạnh tranh, và là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam tiến vào thị trường các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập, Liên minh kinh tế Á-Âu. Để đứng vững và phát triển thị phần cho sản phẩm của mình tại đây, doanh nghiệp cần phải thiết lập chiến lược phát triển thương hiệu một cách bài bản và có kế hoạch triển khai cụ thể.

Các doanh nghiệp cần thường xuyên thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm, đặc biệt, cần mạnh dạn mở văn phòng đại diện hoặc thành lập công ty tại Liên bang Nga, cử cán bộ sang làm việc tại Nga để thường xuyên cập nhật tình hình, xu hướng thị trường cũng như thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân, nhằm có được sự hiểu biết sâu về thị trường bản địa, phục vụ cho việc phát triển kinh doanh tại Liên bang Nga.

Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga luôn sẵn sàng trao đổi, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu, đầu tư sang thị trường Nga.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!