Lễ mừng thọ của người Mơ Nông

Cùng với nhiều nghi lễ, nghi thức của một vòng đời người từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, với quan niệm tín ngưỡng đa thần, người dân tộc Mơ Nông ở huyện Lắk, tỉnh Ðắk Lắk đặc biệt coi trọng nghi lễ mừng thọ. Ðây là nghi lễ thể hiện được sự biết ơn đến đấng sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu nên người.
0:00 / 0:00
0:00
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðắk Lắk tổ chức phục dựng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ Mừng thọ của người Mơ Nông tại buôn Ðung (xã Ðắk Phơi, huyện Lắk).
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðắk Lắk tổ chức phục dựng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ Mừng thọ của người Mơ Nông tại buôn Ðung (xã Ðắk Phơi, huyện Lắk).

Theo phong tục truyền thống của đồng bào Mơ Nông ở huyện Lắk, khi bố mẹ đã hơn tuổi 60 thì con cái trong gia đình sẽ tổ chức lễ mừng thọ cho bố mẹ. Lễ mừng thọ của người Mơ Nông thường tổ chức vào tháng 1, 2 dương lịch hằng năm, sau khi đã kết thúc mùa làm nương rẫy. Ông Y Ơn Liêng ở buôn Ðung, xã Ðắk Phơi, huyện Lắk cho biết, trước kia buổi lễ mừng thọ cho bố mẹ thường được người con gái đầu tổ chức, nhưng ngày nay tất cả các con đều được tổ chức. Lễ vật trong nghi lễ cúng gồm: Một con heo, ba chén cơm, một ché rượu cần lớn và ba ché nhỏ, một quả bầu khô đựng đầy nước được lấy từ suối nước đầu nguồn, một bếp than đỏ để cúng Yàng (thần linh).

Tham gia lễ cúng gồm thầy cúng, thầy phụ cúng, người được cúng mừng thọ, đội nghệ nhân đánh chiêng, tổ phục vụ, hộ gia đình, già làng và bà con trong buôn. Với người Mơ Nông, mỗi khi tổ chức nghi lễ dù lớn hay nhỏ tại gia đình đều có sự tham gia của cộng đồng. Ðiều này thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, giáo dục cho con cháu trong gia đình, giáo dục buôn làng nếp ăn lối ở, tính siêng năng, trung thực và sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng.

Bắt đầu nghi thức cúng, người được mừng thọ sẽ cầm cần rượu quý và được thầy cúng cầu khấn mong thần linh phù hộ cho người đó. Thầy cúng cầm một con gà trống nhúng chân con gà vào ché rượu rồi bôi lên trán người được mừng thọ có ý niệm như thần linh sẽ soi sáng, dẫn đường chỉ lối đến những điều may mắn, hạnh phúc; trao chiếc còng giống như một tín vật của thần linh thể hiện sự gắn kết giữa con người với thần linh, mong thần linh luôn ở bên cạnh che chở, phù hộ những điều tốt đẹp nhất, tiếp đó các con cháu trong gia đình lần lượt tặng lễ vật cho người được mừng thọ. Lễ vật tặng thường là một bộ quần áo thổ cẩm truyền thống, chiếc còng, ché rượu cần và những lời cầu chúc tốt đẹp. Người được mừng thọ kể lại những công lao của bố mẹ, ông bà đã chăm sóc, nuôi dạy con cháu trưởng thành, dặn dò khuyên bảo mọi người trong gia đình, buôn làng cùng nhau làm ăn phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc dân tộc…

Trong suốt quá trình tổ chức nghi lễ, đội chiêng diễn tấu liên tục cho đến khi lễ kết thúc. Già làng Ma Thuyên ở buôn Jiê Yuk, xã Ðắk Phơi cho biết, với đồng bào Mơ Nông, lễ mừng thọ có ý nghĩa rất to lớn; bởi lẽ, mỗi khi nhà nào tổ chức lễ mừng thọ thì con cháu, bà con trong buôn đều tề tựu để cầu chúc cho cha mẹ, ông bà sống lâu trăm tuổi. Hơn nữa, đây còn là cơ hội để những người thân trong nhà quây quần, cùng nhau chia sẻ những khó khăn và trải nghiệm của cuộc sống, cùng nhau xây dựng kế hoạch chăm sóc bố mẹ tốt hơn…

Với ý nghĩa và sự độc đáo đó, ngày 4/8/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1841/QÐ-BVHTTDL công nhận "Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ Mừng thọ của người Mơ Nông ở huyện Lắk" là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Ðến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðắk Lắk tổ chức lễ phục dựng và các hội thảo để tìm giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ mừng thọ của người Mơ Nông. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðắk Lắk Lại Ðức Ðại cho biết, cuộc sống của người Mơ Nông ở huyện Lắk gắn bó tự nhiên, tín ngưỡng tâm linh luôn được các thần núi, thần nước, thần rừng phù hộ, con người sống luôn có sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình với dòng tộc và dòng tộc với buôn làng.

Vì vậy, lễ mừng thọ là phong tục, tập quán không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của người Mơ Nông, là truyền thống tốt đẹp của cộng đồng cần được bảo tồn, phát huy và lưu truyền. "Thông qua các hoạt động phục dựng và hội thảo về Lễ Mừng thọ của người Mơ Nông, còn giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về các phong tục, tập quán, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương", ông Lại Ðức Ðại cho biết thêm.