Lễ hội Yên Thế: Khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc

NDO - Sáng 16/3, tại khu Di tích lịch sử khởi nghĩa Yên Thế, thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang diễn ra khai mạc Lễ hội khởi nghĩa Yên Thế.
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình nghệ thuật tái hiện cuộc khởi nghĩa Yên Thế tại lễ hội.
Chương trình nghệ thuật tái hiện cuộc khởi nghĩa Yên Thế tại lễ hội.

Lễ hội kỷ niệm 139 năm khởi nghĩa Yên Thế do thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám dẫn đầu. Trong lịch sử chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta trước khi có Đảng, khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) được đánh giá là cuộc khởi nghĩa có vũ trang của nông dân có quy mô lớn nhất, trên bình diện rộng nhất, kéo dài nhất, oanh liệt nhất.

Khởi nghĩa Yên Thế đã trở thành biểu tượng rực rỡ của lòng yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, đóng góp nhiều kinh nghiệm vào kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật về chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng, căn cứ làng xã chiến đấu liên hoàn trên một địa bàn rộng khắp.

Lễ hội Yên Thế: Khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc ảnh 1

Hàng nghìn người dân về Lễ hội Yên Thế trong buổi sáng ngày 16/3.

Trong diễn văn khai mạc lễ hội, đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Thế khẳng định: Qua bao thăng trầm của lịch sử, sự uy linh của vùng đất Yên Thế cũng như tinh thần của cuộc khởi nghĩa năm xưa đã làm nên những nét văn hóa riêng có trong đời sống của người dân vùng đất Yên Thế hôm nay.

Giờ đây, tên tuổi của Hoàng Hoa Thám và nhiều tướng lĩnh của nghĩa quân Yên Thế đã gắn liền với những địa danh, tên đường, tên phố, công viên, quảng trường ở nhiều địa phương trong cả nước; trở thành niềm tự hào, kiêu hãnh của mỗi người dân Yên Thế nói riêng, nhân dân Bắc Giang nói chung.

Với những giá trị hết sức tiêu biểu, trường tồn, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế là Di tích quốc gia đặc biệt.

Ngày 27/12/2012, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định xếp hạng Lễ hội Yên Thế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tất cả những giá trị tốt đẹp đó góp phần khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo của lễ hội Yên Thế nói riêng và văn hóa vùng Yên Thế, Bắc Giang trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.

Sau 3 năm phải tạm dừng do dịch Covid-19, lễ hội Yên Thế năm nay được tổ chức trong 3 ngày (từ 15 đến 17/3).

Chương trình phần hội có nhiều hoạt động thể thao, thi đấu hấp dẫn như: Giải Vô địch võ thuật tỉnh Bắc Giang: Đẩy gậy, bóng đá nam, bóng đá nữ, bóng chuyền hơi, kéo co, bắn nỏ, cầu lông, tenis, cờ tướng, chọi dê…

Trong khuôn khổ của lễ hội còn có biểu diễn nghệ thuật rối nước, hát quan họ trên thuyền, hát chèo, hội diễn văn nghệ quần chúng, giới thiệu ẩm thực và trưng bày các sản phẩm chủ lực, hội trại thanh niên, hội chợ thương mại.

Lễ hội Yên Thế: Khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc ảnh 2

Các em học sinh biểu diễn võ thuật tại khai mạc Lễ hội Yên Thế.

Tại lễ khai mạc diễn ra chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất tử" với sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, ca sĩ đến từ Nhà hát Chèo Bắc Giang, Nhà hát Tuổi trẻ, Học viện Múa Việt Nam, Vũ đoàn Queen Hà Nội và một số đơn vị.

Trước đó, chiều 15/3, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế tổ chức lễ tế, dâng hương tại tượng đài Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và lễ phóng sinh tại khu vực đình Phồn Xương.