1/Ông Thành đã bỏ công sức nhằm tìm kiếm những hình ảnh xưa được chụp và in ấn thành bưu thiếp cách nay cả trăm năm. Đến nay bộ sưu tập bưu thiếp của ông đã lên đến hàng nghìn tấm. Tuy do thực dân Pháp thực hiện nhằm phục vụ mưu đồ của họ nhưng ở một góc độ, những tấm bưu thiếp này đã phản ánh khá rõ hình ảnh về con người và đất nước Việt Nam trong giai đoạn khoảng đầu thế kỷ 20. Trong đó, ông Thành quý trọng bộ bưu thiếp về chiến công của những người nông dân vùng Yên Thế (Bắc Giang) do Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) làm thủ lĩnh. Đây là cuộc khởi nghĩa nông dân được một số nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá là lớn nhất, dài nhất trong lịch sử chống lại sự xâm chiếm, áp bức của thực dân Pháp. Kéo dài gần 30 năm từ năm 1884 đến năm 1913, làm cho quân Pháp bao phen kinh hồn bạt vía, buộc người Pháp phải hai lần giảng hòa.
Trong các cuộc khởi nghĩa chống Pháp chỉ có duy nhất cuộc khởi nghĩa Yên Thế được lưu lại trong những bưu thiếp do chính người Pháp thực hiện. Những tấm bưu thiếp này giúp ông Thành “quay lại” một phần lịch sử nước nhà được cụ thể hóa bằng hình ảnh. Những tấm bưu thiếp đã đem đến cho người xem hôm nay lịch sử quật cường, hào hùng của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, từng gây nhiều thiệt hại nặng nề cho thực dân Pháp. Ông Thành chia sẻ, hình ảnh in trên những tấm bưu thiếp này, chụp trong khoảng thời gian của lần hòa hoãn thứ hai đến khi cuộc khởi nghĩa chấm dứt.
2/Những tấm bưu thiếp đã nhuốm màu thời gian nhưng vẫn thể hiện rõ nét người anh hùng Đề Thám đầu quấn khăn, giản dị trong bộ quần áo vải; hay tấm in hình ông cùng những tùy tướng thân tín; hay ông với cô con gái Hoàng Thị Thế cùng ba người cháu và người lính thân cận… Tùy tướng Ba Biều, nét mặt chân chất nhưng thể hiện phẩm chất kiên cường bị Pháp sát hại ngày 16-8-1909. Bưu thiếp khác in hình chụp thành lũy nghĩa quân ở chợ Gồ, hình quân Pháp dựng đồn lính ở Yên Thế, hình thương binh, hay vận chuyển lính Pháp tử thương, hình tra hỏi nghĩa quân bị bắt, hình nghĩa quân bị đóng gông, bị bắt trong vụ đầu độc (1908). Rồi hình con tàu đưa nghĩa quân tới Alger trước khi lưu đày ở Guyane…
Ông Thành còn sưu tập được hình ảnh người vợ ba của Đề Thám là bà Đặng Thị Nho và con gái Hoàng Thị Thế bị Pháp bắt đưa về Nhã Nam ngày 1-12-1909. Bà Nho, theo tư liệu ghi lại: “là người có trí dũng, từng xông pha trận mạc, giúp chồng đắc lực trong cuộc kháng Pháp. Khoảng đầu năm 1909 dù binh cùn thế kiệt, bà vẫn cùng chồng oanh liệt chỉ huy nghĩa quân chống địch trong trận đánh ở chợ Gồ, khiến các lực lượng do viên Đại tá Bataille đốc suất phải nể vì...”. Bà đã tuẫn tiết nhảy xuống biển ngày 25-12-1910 từ con tàu đưa bà sang lưu đày ở Guyane. Còn cô con gái Hoàng Thị Thế được Toàn quyền Albert Sarraut nhận đỡ đầu đưa sang Pháp học. Năm 1961, bà về nước sống, qua đời năm 1988, thọ 87 tuổi.
Quý trọng lịch sử nước nhà, ông Thành gìn giữ rất kỹ bộ bưu thiếp về Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế. Với ông, mỗi tấm bưu thiếp như “chứng nhân lịch sử” nhắc nhở người xem hôm nay hình dáng của những con người cứu quốc cùng những chứng tích về cuộc khởi nghĩa. Cầm trên tay những tấm bưu thiếp về tiền nhân mà lòng ông xúc động, dâng lên cảm xúc về hồn thiêng sông núi và bồi đắp thêm kiến thức lịch sử nước nhà.