Lễ hội: Lãng phí là lãng phí nào ?

NDĐT - Tháng Giêng, tháng Hai âm lịch là mùa lễ hội ở khắp các vùng miền trên cả nước. Nói đến lễ hội thời gian gần đây, nhiều người hay nghĩ đến hai từ "lãng phí". Thậm chí có ý kiến đề xuất "cắt" bớt một số lễ hội truyền thống. Lãng phí là có thật. Song, nhận diện cho đúng sự lãng phí ở đâu, lãng phí như thế nào mới là điều quan trọng để chúng ta có thể tổ chức lễ hội vui tươi, lành mạnh mà tiết kiệm.

Không nên để lễ hội xa rời chủ thể là nhân dân.
Không nên để lễ hội xa rời chủ thể là nhân dân.

Không "chụp mũ" cho tất cả

Con số gần 9.000 lễ hội mỗi năm dễ khiến nhiều người phải giật mình. Cứ nhân lên, mỗi lễ hội chi phí khoảng một vài chục triệu thôi, cũng đã thấy hàng năm, người Việt chi một số tiền rất lớn vào lễ hội. Tất nhiên, đi kèm với đó là suy nghĩ về sự lãng phí và kêu gọi cắt giảm chi tiêu. Nhưng văn hoá luôn khác với một bài toán, với những phép tính cho những kết quả chính xác. Cắt giảm là cần thiết. Nhưng cắt cái gì, như thế nào để tránh... cắt nhầm mới là bài toán không dễ trả lời.

Xét một cách tổng thể, phần lớn lễ hội truyền thống (trong đó lễ hội dân gian chiếm 78,6%, lễ hội lịch sử chiếm 5%, còn lại là lễ hội tôn giáo) từ xưa đều do cộng đồng làm chủ thể, cộng đồng đứng ra tổ chức. Trong lịch sử, rất ít lễ hội do chính quyền đứng ra tổ chức. Lễ hội Thánh Gióng ở Phù Đổng là ví dụ điển hình. Năm chính hội chỉ riêng lực lượng tham gia diễn xướng đã lên tới khoảng 1.000 người tham gia, nhưng cũng do nhân dân các làng trong khu vực tự đứng ra tổ chức. Trước lễ hội, các bậc cao niên mới họp lại bàn bạc cụ thể. Chi phí tổ chức cũng do nhân dân tự nguyện đóng góp. Lễ hội vẫn sống động qua hàng ngàn năm qua mà chưa thấy ai kêu tốn kém cả.

Dân gian có câu "thánh làng nào làng đấy thờ". Lâu nay, chúng ta hay hiểu đó là câu nói về cách suy nghĩ hẹp hòi của người dân ở các làng quê. Song, quan niệm này cũng xuất phát từ một thực tế không thể chối bỏ: Rất nhiều lễ hội được tổ chức để tưởng niệm thành hoàng (vị thần/ thánh bảo trợ) các làng. Khi tổ chức các nghi lễ, các hoạt động hội, dâng cúng lễ vật, người ta tin rằng sẽ được thành hoàng làng ban ân, đem đến cuộc sống no đủ, yên vui. Rộng hơn, là ở những lễ hội có tính chất vùng miền, khi tham gia lễ hội, người ta có niềm tin, rằng được các thánh, thần che chở, ban phúc lành.

Vì thế, trong suy nghĩ của người dân, không có cái gọi là "lãng phí" khi chung tay tổ chức lễ hội, dâng cúng lễ vật lên người bảo trợ cho mình. Thậm chí, tham gia "việc làng" trong những ngày đó còn được coi là có phúc.

Về đối tượng tưởng nhớ trong các lễ hội, phần lớn lễ hội gắn với danh nhân, anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt..., hoặc hẹp hơn là những người có công với cộng đồng làng, xã. Có những lễ hội tưởng nhớ những vị thần, song thần phả về vị thần đó luôn gắn với một giai đoạn lịch sử nhất định, với những sự kiện nhất định. Chẳng hạn như lễ hội tưởng nhớ Linh Lang Đại Vương được tổ chức ở khoảng 260 địa phương trên toàn quốc gắn với cuộc kháng chiến chống Tống của nhân dân ta thời Lý. Như thế, dù trực tiếp hay gián tiếp, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", lòng yêu nước, yêu văn hoá dân tộc luôn được nhắc nhở trong mỗi dịp lễ hội như thế.

Vài chục triệu chi cho một lễ hội, được hiệu quả "kép", gồm cả tuyên truyền về văn hoá dân tộc, lòng yêu nước, hẳn là điều không nên từ chối.

Nhận diện sự lãng phí

Gần đây, chúng ta đã nghe nhiều đến cụm từ lễ hội gây lãng phí ngân sách nhà nước. Vậy lãng phí do đâu khi lễ hội vốn của cộng đồng, cộng đồng đóng góp tổ chức, cộng đồng hưởng lợi?

Thực tế thời gian qua, một số địa phương đã can thiệp không nhỏ vào việc tổ chức lễ hội. Đặc biệt, dường như, nhiều tỉnh, nhiều huyện cố chọn hoặc nâng cấp một lễ hội thành lễ hội cấp tỉnh, cấp huyện làm một đặc trưng cho mình, đồng thời, thu hút khách du lịch. Việc chính quyền đứng ra tổ chức, hoặc can thiệp sâu khiến cho cách tổ chức nhiều lễ hội bị biến đổi. Thay vì những màn diễn xướng của nhân dân, ban tổ chức nhiều lễ hội xây dựng kịch bản, mời các đoàn nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp về biểu diễn rình rang, mời các quan khách... Thậm chí, còn có sự ganh đua giữa các địa phương về quy mô của lễ hội. Những lễ hội có tính chất sân khấu, lễ hội "chuyên nghiệp" xuất hiện ngày một nhiều hơn. Những việc làm đó tất nhiên phát sinh chi phí tốn kém. Người dân từ chủ thể bỗng chốc trở thành... khán giả khiến lễ hội như thế vừa xa rời cộng đồng, vừa xa rời bản sắc vốn có.

Một số hình thức trực tiếp, gián tiếp gây lãng phí, tốn kém khác hay được "điểm mặt" như lạm dụng đốt vàng mã, đặt quá nhiều hòm công đức, rải tiền lẻ, nạn chặt chém, phô trương... phải chăng là "tội" của lễ hội? Việc giẫm đạp "cướp" ấn ở đền Trần (Nam Định) trước đây có xảy ra hay không? hay chỉ mới gần đây và do ai gây ra? Những "bát phở trăm ngàn, con gà bạc triệu" ở các lễ hội do đâu mà có? "Thủ phạm" là những nghi lễ, phong tục ở lễ hội, hay ở khả năng quản lý của nhà tổ chức, của ý thức người dân?

Những câu hỏi này không khó trả lời. Song giải quyết chúng thế nào là việc không dễ, nhất là khi một số địa phương muốn mở rộng lễ hội để "làm kinh tế" chứ không lấy mục đích phát huy giá trị văn hoá làm đầu, và hiện đang có không ít người thu lợi từ những việc này. Ngay việc khai ấn đền Trần, đến giờ, có những nhà khoa học đưa ra bằng chứng là việc phát ấn đền Trần là không có cơ sở, hoặc chỉ "thiêng" đối với người dân trong khu vực đó. Nhưng ai cũng hiểu là có những người luôn thích lễ hội càng đông người mua ấn càng tốt!

Thay vì "đổ tội" cho lễ hội lãng phí, tốn tiền ngân sách, để rồi "cắt cúp" lễ hội như một số ý kiến, thử hình dung, nếu quản lý lễ hội tốt, bài trừ tiêu cực, nâng cao ý thức người dân, hẳn "đất" cho lãng phí sẽ không còn. Không phải ngẫu nhiên, rất nhiều nhà nghiên cứu văn hoá gần đây đã kêu gọi "trả" lễ hội lại cho người dân, cho cộng đồng, nhà nước làm thật tốt vai trò quản lý, giám sát.

Có thể bạn quan tâm