Lễ hội Đền Bà Triệu ở Thanh Hóa

NDO -

Ngày 31/3, tại Khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu ở xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức lễ tưởng niệm 1776 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (22/2/248-22/2/2024 âm lịch) và khai hội Đền Bà Triệu. Tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam dâng hương tưởng niệm Bà Triệu.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam dâng hương tưởng niệm Bà Triệu.

Bà Triệu tên húy là Triệu Thị Trinh, sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ 226 tại vùng đất Quan Yên, nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Lớn lên không cam chịu cảnh phong kiến phương bắc áp bức, bóc lột, Triệu Thị Trinh khẳng khái: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta”.

Lễ hội Đền Bà Triệu ở Thanh Hóa ảnh 1

Một cảnh tái hiện khí phách của Bà Triệu cùng nghĩa quân.

Đầu năm 248, Triệu Thị Trinh cùng anh trai tập hợp, lãnh đạo nhân dân Cửu Chân khởi nghĩa, “đánh hãm thành ấp” và cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan tỏa ra quận Giao Chỉ khiến “châu quận rối động”.

Thế lực nghĩa quân ngày càng mạnh, nhà Ngô lo sợ, điều động 8.000 quân do Lục Dận chỉ huy đàn áp cuộc khởi nghĩa.

Tại căn cứ Bồ Điền (trung tâm là khu vực Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) từng diễn ra hơn 30 trận chiến đấu ác liệt, làm tiêu hao sinh lực địch. Lục Dận điều thêm quân tăng viện, bao vây căn cứ, dùng mưu bẩn, kế hèn, “đối mặt Bà vương khó”.

Ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn (tháng 3 năm 248) Bà Triệu cùng ba vị tướng họ Lý hy sinh tại núi Tùng trong trận kịch chiến chênh lệch tương quan lực lượng có lợi cho địch.

Lễ hội Đền Bà Triệu ở Thanh Hóa ảnh 2

Đền thờ Bà Triệu ở xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Khu di tích Bà Triệu ở xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa được công nhận Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt vào năm 2014 và Lễ hội Đền Bà Triệu với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được ghi danh di sản phi vật thể quốc gia năm 2022.

Lễ hội Đền Bà Triệu ở Thanh Hóa ảnh 3

Các đại biểu dâng hương tri ân, khắc ghi công lao của Bà Triệu.

Sau lễ dâng hương, tế lễ, khắc ghi công lao của liệt nữ anh hùng Triệu Thị Trinh cùng tướng lĩnh, nghĩa quân, nổi trống khai hội Đền Bà Triệu năm 2024, diễn văn khai mạc do Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng nhấn mạnh: Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu là trang sử vàng chói lọi của lịch sử dân tộc Việt Nam. Liệt nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Hai Bà Trưng; làm vẻ vang truyền thống yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của phụ nữ Việt Nam. Dân tộc ta đời đời ghi nhớ công ơn và mãi mãi tự hào về vị liệt nữ Anh hùng Triệu Thị Trinh.

Lễ hội Đền Bà Triệu ở Thanh Hóa ảnh 4

Thế hệ hôm nay nguyện phát huy bản lĩnh anh hùng trong thời kỳ xây dựng quê hương, đất nước.

Tiếp đó là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tái hiện thân thế, ngợi ca sự nghiệp của người nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh cùng nghị lực, bản lĩnh của Đảng bộ, chính quyền, quân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ xây dựng quê hương, đất nước.

Lễ hội Đền Bà Triệu ở Thanh Hóa ảnh 5

Du khách tham quan ảnh trưng bày, giới thiệu về di tích, danh thắng ở Thanh Hóa.

Cũng trong dịp này, Trung tâm nghiên cứu lịch sử và bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa trưng bày triển lãm ảnh về di tích, danh thắng ở Thanh Hóa, quảng bá về tiềm năng, lợi thế du lịch, phục vụ, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá của khách thập phương.