Lễ Cấp sắc của người Dao

Lễ Cấp sắc là nghi lễ quan trọng trong cuộc đời mỗi người đàn ông dân tộc Dao đầu bằng ở Lai Châu. Không những vậy, lễ Cấp sắc còn hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là khát vọng vươn lên, chứng minh bản thân của người đàn ông Dao từ lúc đó đã trưởng thành, họ có đủ tư cách đứng ra gánh vác công việc trước dòng tộc, cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Cộng đồng đón đứa trẻ rơi bằng dây rừng như sự công nhận sự trưởng thành từ đây.
Cộng đồng đón đứa trẻ rơi bằng dây rừng như sự công nhận sự trưởng thành từ đây.

Bản Chu Lìn, xã Hồ Thầu có 132 hộ là đồng bào Dao đầu bằng, sống quây quần tập trung. Ngày trước lên được bản Chu Lìn khá vất vả bởi đường khó đi, vì bản nằm trên cao, giáp với rừng già. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nay đường bê-tông phẳng lỳ đã nối từ quốc lộ 4D vào tận sân mỗi hộ dân.

Trưởng bản Chu Lìn, Lý A Gôn phấn khởi cho biết: Nhờ có đường giao thông thuận lợi mà mọi người biết đến Chu Lìn, cũng như nhiều khách du lịch sẽ được tiếp cận nhiều lễ hội đặc sắc của người Dao đầu bằng.

Tháng 4 này, nhà nhà trong bản vui như có hội. Nghe bà con kể, bản chuẩn bị tổ chức lễ trưởng thành cho các gia đình có con trai. Người vui nhất bản là Phàn A Páo. Gia đình A Páo đang tất bật chuẩn bị việc lớn cho cậu con trai cả đang học lớp 8. Anh chia sẻ: Gia đình tôi cùng ba hộ trong bản có con trai tổ chức chung lễ Cấp sắc cho các con.

Qua lễ Cấp sắc, các con sẽ được răn dạy, thực hành các nghi lễ, trong đó có nhiều nội dung giảng dạy về truyền thống, phong tục tập quán, khuyên răn đạo lý làm người, cách đối nhân xử thế để hướng tới cái thiện, tránh xa điều xấu, điều ác...

Theo các cụ cao tuổi trong bản, Cấp sắc là một nghi lễ tín ngưỡng tâm linh chứng nhận bé trai từ đây sẽ được tổ tiên, thần linh nhận mặt, khi chết được về với tổ tiên. Đối với những người đàn ông dù có vợ, có con, thậm chí có cháu nhưng nếu chưa qua Cấp sắc thì cũng đồng nghĩa chưa phải là người trưởng thành thực thụ.

Một nghi thức quan trọng nhất trong lễ Cấp sắc là đặt tên âm cho người con trai, tên âm chỉ dùng trong khi hành lễ trình báo với tổ tiên. Trước ngày làm lễ, các bé trai phải thực hiện các kiêng kỵ trong chín ngày, việc kiêng kỵ cực kỳ nghiêm ngặt như: Tuyệt đối không được sát sinh từ lá cây, ngọn cỏ đến con kiến, con sâu, phải ăn chay, mỗi ngày chỉ được hai lưng bát cơm với canh nhạt...

Ngoài công việc đặt tên âm cho người con trai trưởng thành, thì Cấp sắc có ý nghĩa giáo dục rất lớn, thể hiện qua những lời giáo huấn. Trong bài cúng, thầy mo bao giờ cũng có lời khấn như dặn dò người thụ lễ phải tu nhân tích đức, sống phải biết kính trên nhường dưới, không được trộm cắp... Những điều răn dạy ấy được thầy cúng thể hiện trước thần linh nên ý nghĩa giáo dục đối với người trưởng thành lại càng thêm giá trị.

Sau lễ Cấp sắc, mỗi bé trai có thêm ba người bố, cũng chính là ba ông thầy đã thụ lễ và đặt tên âm cho. Cũng từ đây các thầy sẽ có trách nhiệm truyền dạy các kiến thức mà mỗi người đàn ông trưởng thành phải có đủ, như học chữ nôm Dao, học luật tục, lý lối, nghi thức giao tiếp với tổ tiên, xã hội...

Sau khi làm lễ ở nhà xong, đoàn rước sẽ di chuyển đến bãi đất rộng có dựng sẵn các “Mà đài”-làm bằng bốn cột, có bậc thang đi lên để các bé trai làm lễ cuối cùng là rơi đài; quá trình rơi đài được ví như sự thoát thai của các bé trai để thành người trưởng thành.

Các thầy cúng làm lễ trước “Mà đài”, lưới được kết từ dây rừng tượng trưng cho bào thai của người mẹ hứng các con khi rơi từ “Mà đài” xuống thế giới của cộng đồng. Rơi từ “Mà đài” xuống là thử thách cuối cùng, và là bước quan trọng nhất của người con trai trong hành trình Cấp sắc, điều đó thể hiện từ nay người con trai đã trưởng thành cả tâm hồn và thể xác.

Thầy cúng chính Lý A Đẩu, người có hơn 40 năm tham gia tổ chức lễ Cấp sắc cho cộng đồng người Dao ở Tam Đường cho biết: Ngày trước lễ được tổ chức vào mùa xuân, mùa đông và chỉ thực hiện cho từng người; lễ thường tổ chức từ 5 đến 7 ngày, chi phí rất tốn kém, có nhà chuẩn bị hàng chục năm trời vẫn chưa đủ tiền để tổ chức.

Hiện nay, thực hiện nếp sống mới, lễ Cấp sắc rút trong hai ngày, nhiều thủ tục được tinh gọn, có thể tổ chức cho nhiều người một lúc và bất kể khi nào có điều kiện thuận lợi.

Lễ Cấp sắc của người Dao đầu bằng góp phần điều chỉnh quan hệ xã hội, lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa, củng cố tinh thần đoàn kết cộng đồng dân tộc. Đây là một nét đẹp văn hóa đang được cộng đồng người Dao ở Hồ Thầu, Tam Đường gìn giữ và phát huy.