Lấy trẻ làm trung tâm ở giáo dục mầm non

Hướng đến xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, trong những năm qua, các cơ sở giáo dục mầm non đã thực hiện nhiều giải pháp để tạo môi trường giáo dục mang tính “mở”, trẻ có cơ hội học tập, vui chơi. Việc lấy trẻ làm trung tâm cũng kích thích tính chủ động, tích cực, sáng tạo của trẻ, góp phần nâng cao từng bước chất lượng giáo dục mầm non.
0:00 / 0:00
0:00
Một hoạt động ngoài trời của học sinh Trường mầm non chất lượng cao 20-10 (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Một hoạt động ngoài trời của học sinh Trường mầm non chất lượng cao 20-10 (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Đến với lớp mẫu giáo bé 4, Trường mầm non chất lượng cao 20-10 (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), các góc hoạt động được sắp xếp gần gũi, quen thuộc với cuộc sống hằng ngày của trẻ. Cô giáo Hà Thanh Thảo chia sẻ: Việc xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm thể hiện từ việc xây dựng kế hoạch giáo dục hướng tới nhiều đối tượng trẻ, phù hợp nhu cầu, sở thích và năng lực của trẻ. Giáo viên đã tạo không gian để trẻ được thoải mái sáng tạo và tự học thông qua quá trình chơi.

Trẻ được tham gia trang trí lớp cùng cô và được trưng bày những sản phẩm do mình làm ra; sử dụng nguyên liệu mở, kích thích sự hứng thú tìm hiểu của trẻ. Với mỗi chủ đề, giáo viên lập bảng trước và sau khi học để biết được khả năng và suy nghĩ của trẻ; giúp trẻ tự thấy được sự khác nhau trong suy nghĩ sau quá trình khám phá và tìm hiểu. Nhờ phương pháp này, trẻ đã chủ động hơn trong quá trình tìm hiểu, khám phá theo cách trẻ muốn.

Hiệu trưởng Trường mầm non chất lượng cao 20-10 Vũ Thị Kim Thanh cho biết: Thay vì luôn là người truyền thụ kiến thức, trẻ nghe, tiếp thu và thực hiện theo mẫu hoặc theo yêu cầu, giáo viên chỉ là người định hướng, khơi gợi để trẻ phát huy những hiểu biết, kinh nghiệm của mình để cùng nhau tìm hiểu một vấn đề, tạo cơ hội để trẻ phán đoán, đưa ra câu hỏi, ý kiến xây dựng bài dựa trên những hiểu biết của bản thân.

Bên cạnh đó, giáo viên đã chú trọng khai thác hiệu quả môi trường học tập và sử dụng như là một phương tiện hữu hiệu để thúc đẩy quá trình học, sáng tạo của trẻ như tạo môi trường thân thiện, nội dung các góc hoạt động được bố trí linh hoạt với các nguồn học liệu, tư liệu, bài tập, trò chơi phong phú, đáp ứng nhu cầu hoạt động của trẻ và có sự liên kết giữa môi trường trong và ngoài lớp học.

Nhận thức tầm quan trọng, nội dung và ý nghĩa của chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, cô giáo Đinh Việt Trinh, giáo viên Trường mầm non IQ-mô hình giáo dục sớm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Từ khi thực hiện chuyên đề, cả cô và trò đều có những thay đổi tích cực. Bản thân cô luôn cố gắng học tập, bồi dưỡng thêm về chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức trang trí lớp học theo hướng mở.

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên quan tâm đến từng đối tượng trẻ, lấy trẻ làm trung tâm. Trẻ là người thực hiện chính, cô giáo chỉ là người hướng dẫn, gợi mở hoạt động và giúp trẻ tháo gỡ khó khăn khi gặp phải. Các tiết học cũng thay đổi rất nhiều. Nếu trước kia, việc dạy và học chủ yếu thông qua tranh ảnh thì giờ đây, trẻ đã được trải nghiệm thực tế thông qua các hình ảnh trực quan và tham gia các hoạt động ngoài trời... nên phần đông các em đều rất thích đến lớp.

Cô giáo Lý Thị Mai, Hiệu trưởng Trường mầm non Húc Động, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) chia sẻ: Với đặc thù nhà trường có 100% số học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, để tạo ra môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm gắn liền với thực tế vùng miền, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo giáo viên lựa chọn các hoạt động linh hoạt, sáng tạo phù hợp từng độ tuổi, từng nhóm lớp nhằm phát huy cao nhất tính tích cực, sáng tạo và tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm các hoạt động trong quá trình học...

Qua đánh giá, mô hình dạy học lấy trẻ làm trung tâm đã mang lại hiệu quả thiết thực. Giáo viên năng động hơn trong đổi mới cách thức tổ chức, phương pháp tiến hành các hoạt động giáo dục cho trẻ; trẻ tự tin, sáng tạo, thích được đến trường.

Có thể thấy, trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm không chỉ thực hiện ở những nơi có điều kiện tốt mà cả ở những nơi vật chất còn thiếu thốn. Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo các cơ sở giáo dục mầm non, đáp ứng yêu cầu cho trẻ hoạt động chơi và trải nghiệm đa dạng phù hợp điều kiện cụ thể của trường, lớp và địa phương.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục liên quan việc thực hiện chuyên đề ở các điểm trường lẻ và cơ sở giáo dục mầm non có điều kiện khó khăn. Thời gian tới, các địa phương cần thực hiện nhiều giải pháp nhân rộng điển hình tốt; rà soát, điều chỉnh bổ sung, cụ thể hóa các tiêu chí của chuyên đề phù hợp địa phương để hướng dẫn quản lý, dạy học...