Lập lại trật tự các cuộc thi Hoa hậu

NDO - Một năm có tới hơn 20 cuộc thi hoa hậu, nhưng không nhiều trong số đó đạt chất lượng cao, mà ngược lại còn không ít lùm xùm, tai tiếng. Điều này đã khiến dư luận không khỏi bức xúc, đòi hỏi cơ quan quản lý phải có biện pháp siết chặt, lập lại trật tự các cuộc thi.
0:00 / 0:00
0:00
Hoa hậu và các Á hậu cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)
Hoa hậu và các Á hậu cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)

Theo thống kê mà Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa ra, trong năm 2022, có 22 cuộc thi hoa hậu được cấp phép tổ chức, trong đó có 8 cuộc dồn lại từ năm 2021 do dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ngoài một số cuộc thi lớn, có tên tuổi, thương hiệu và uy tín, hoặc mua bản quyền tổ chức từ các cuộc thi nhan sắc lớn của nước ngoài, thì không nhiều trong số các cuộc thi này được công chúng lưu tâm bởi ít nghe tên hoặc đã rất lâu mới xuất hiện lại.

Nhiều cuộc thi hoa hậu, đồng nghĩa với việc sẽ có ít nhiều lùm xùm, xung đột… xảy ra ngay trong cuộc thi, sau cuộc thi hoặc thậm chí giữa cuộc thi này với cuộc thi khác.

Tháng 6 vừa qua, công chúng chứng kiến cuộc tranh cãi chưa phân thắng bại giữa hai đơn vị tổ chức hai cuộc thi khác nhau là Công ty Minh Khang và Công ty Sen Vàng chung quanh cái tên Hoa hậu Hòa bình.

Sen Vàng là đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam, tên tiếng Việt là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, do đương kim Miss Grand International Nguyễn Thúc Thùy Tiên làm đại sứ cuộc thi. Còn phía Minh Khang cho biết đã được cấp phép tổ chức cuộc thi sắc đẹp mang tên “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” (tên tiếng Anh: Miss Peace Vietnam 2022” cũng như đã đăng ký bản quyền thương hiệu đối với tên cuộc thi. Bản thân hai cuộc thi cũng khác nhau về hình thức, nội dung, kịch bản cũng như tiêu chí… Cho đến nay, vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng xử lý.

Cũng trong tháng 6 và tháng 7, hai cuộc thi hoa hậu liên tiếp được tổ chức đều có vấn đề về chất lượng thí sinh, khiến cho công chúng đặt dấu hỏi về chính chất lượng của cuộc thi.

Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Nông Thúy Hằng không đạt tiêu chuẩn dự thi Miss Earth 2022 mà người được cử đi thi là Á hậu 2 Thạch Thu Thảo. Điều này cùng với chất lượng chỉ ở mức trung bình khá của dàn thí sinh (nhiều gương mặt lọt Top cao đã từng bị loại sớm ở các cuộc thi khác, khả năng catwalk, tạo dáng cũng như trả lời ứng xử kém) khiến cho người xem thắc mắc về tiêu chí lựa chọn thí sinh của cuộc thi.

Hay như cuộc thi Hoa hậu Thể thao (Miss Fitness) vừa khép lại, việc một thí sinh từng bị dư luận lên án vì tạo xu hướng xấu, gây nguy hiểm đến an toàn hàng không nhưng vẫn được trao danh hiệu cũng khiến không ít người phản ứng. Vấn đề đặt ra không phải ở lời xin lỗi, mà ở việc Ban tổ chức lựa chọn trao danh hiệu cho một người có tư duy bất chấp những quy định an toàn chỉ để nhằm mục đích thu hút sự chú ý, câu view, câu like. Nếu làm vậy do thiếu hiểu biết, thì tiêu chí của cuộc thi có vấn đề, còn nếu thí sinh này hiểu, nhưng cố tình làm vậy, thì cần phải xem lại việc Ban tổ chức đánh giá như thế nào về ý thức đối với cộng đồng của thí sinh.

Những lùm xùm này cho thấy, khâu tổ chức và lựa chọn thí sinh của nhiều cuộc thi nhan sắc thực sự có vấn đề. Và không ít người băn khoăn rằng, liệu với những cuộc thi "không ổn" ngay từ đầu như vậy, chất lượng của người thắng giải có thực sự xứng đáng?

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây, đại diện cơ quan quản lý là Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho biết, Cục sẽ tiến hành rà soát việc cấp phép, tổ chức thi hoa hậu tại nhiều địa phương.

Phó Cục trưởng cho biết, trong thời gian qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tích cực tham mưu để hoàn thiện công tác quản lý, xử lý vi phạm trong việc triển khai, đưa ra giải pháp xử lý tình huống. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng tiếp tục rà soát, triển khai các chương trình theo công văn, văn bản cũng như những vấn đề phát sinh.

Nói về số lượng các cuộc thi sắc đẹp trong năm nay nhiều hơn, ông Trần Hướng Dương giải thích: “Trước đây mỗi năm có 2 cuộc thi cấp quốc gia, 2 cuộc thi cấp quốc tế, 3-5 cuộc thi hoa khôi hoặc hơn một chút… như vậy có khoảng từ 9-12 cuộc thi được tổ chức trong năm. Năm nay có nhiều cuộc thi hoa hậu là vì dịch Covid-19, nhiều cuộc thi của các năm trước dồn lại, đến nay mới được triển khai. Đây là thực trạng chung của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động văn hóa xã hội được đồng loạt tổ chức, trong đó có thi hoa hậu. Hiện nay, có 22 cuộc thi hoa hậu được phép tổ chức chính thức, trong đó có 8 cuộc dồn lại từ năm 2021 do dịch Covid-19, như vậy trong năm nay có 14 cuộc được cấp phép tổ chức. Nhiều cuộc thi tổ chức liên tục vào mấy tháng với tần suất dày nên mới tạo cảm giác có quá nhiều cuộc thi hoa hậu".

Đại diện cơ quan quản lý cũng cho biết, cách đây không lâu, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã ký quyết định thành lập ban kiểm tra, trong đó có kiểm tra vấn đề liên quan đến hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Sau khi dư luận phản ánh có nhiều cuộc thi hoa hậu được tổ chức và được tổ chức chưa tốt, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã kiểm tra ở Đà Nẵng và Hà Nội. Sắp tới Cục sẽ làm việc tại TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Nghị định 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2022 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn có hiệu lực từ 1/3/2021, trong quá trình áp dụng vào thực tế cũng còn một số vấn đề bất cập. Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ rà soát lại những bất cập này, trong đó có những điểm liên quan việc tổ chức các cuộc thi người đẹp.

Sắp tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ yêu cầu các sở sau khi cấp phép hay khi tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố cấp phép một cuộc thi người đẹp nào thì phải đăng trên cổng thông tin điện tử của sở để người dân theo dõi.

Đồng thời, các sở văn hóa, thể thao cũng phải gửi thông báo về Cục vào ngày 25 hằng tháng về các hoạt động nghệ thuật biểu diễn được chấp thuận tổ chức tại địa phương mình.