Lào thúc đẩy tăng trưởng xanh để phát triển bền vững

NDO - Lào xác định Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đến năm 2030 là công cụ chủ yếu để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn lâu dài, nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 theo hướng xanh, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Phát triển du lịch xanh gắn với bảo tồn rừng nằm trong Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đến năm 2030 của Lào. (Ảnh: Laos Tourism)
Phát triển du lịch xanh gắn với bảo tồn rừng nằm trong Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đến năm 2030 của Lào. (Ảnh: Laos Tourism)

Báo Pasaxon ngày 6/10 đưa tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào phối hợp Ngân hàng Thế giới và Viện Tăng trưởng xanh quốc tế vừa tổ chức hội thảo nhằm trao đổi về tiến độ và kết quả của việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030 và việc xác định các ưu tiên tăng trưởng xanh của Lào trong thời gian tới.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào Khamchen Vongphosi cho biết, thời gian qua, Chính phủ Lào đã tổ chức thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua việc tăng cường đầu tư và ban hành các chính sách mới trong lĩnh vực xanh một cách rộng rãi, bền vững.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào, tăng trưởng xanh không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thân thiện với môi trường mà còn giúp giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tương lai xanh chỉ có thể đạt được bằng sự phối hợp của các bên liên quan vì tăng trưởng xanh là nhiệm vụ và trách nhiệm của tất cả mọi người.

Hội thảo lần này là dịp để các nhà hoạch định chính sách, các đối tác phát triển, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân thảo luận về các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh và đưa ra các giải pháp liên quan đến việc phát triển kinh tế carbon thấp, quản lý tài nguyên thiên nhiên, điện, kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải.

Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đến năm 2030 được Lào đưa ra từ tháng 12/2018. Tại Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ XI, Lào đã xác định Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đến năm 2030 là công cụ chủ yếu để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn lâu dài, đặc biệt là nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có mức thu nhập trung bình khá và đạt mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 theo hướng xanh, bền vững.

Theo đó, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia 5 năm lần thứ IX (2021-2025) của Lào bao gồm các chính sách thúc đẩy tăng trưởng dựa trên Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đến năm 2030, các chính sách và chiến lược của các lĩnh vực liên quan khác, định hướng ưu tiên tài nguyên thiên nhiên tái tạo, giải quyết các vấn đề ô nhiễm và quản lý chất thải, cùng với các công cụ tài chính về môi trường và du lịch bảo tồn thiên nhiên có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giúp tạo ra các công việc xanh.

Nằm trong xu hướng phát triển năng lượng sạch góp phần phục vụ tăng trưởng xanh, với diện tích đất đai rộng, Lào có nhiều tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, sinh khối và các nguồn năng lượng tái tạo khác để phục vụ nhu cầu trong nước, thậm chí là xuất khẩu, hướng tới việc trở thành nhà cung cấp năng lượng xanh của khu vực Đông Nam Á.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cho biết, tháng 9/2022, Bộ đã ký biên bản ghi nhớ với một số công ty nhằm nghiên cứu tính khả thi trong phát triển dự án điện gió tại huyện Sepon, tỉnh Savannakhet. Dự án có diện tích 28,513 ha, đặt tại huyện Sepon, tỉnh Savannakhet thuộc khu vực miền trung Lào (chạy dọc biên giới, giáp với tỉnh Quảng Trị của Việt Nam).

Dự kiến công suất lắp đặt 1.200 MW, giá trị đầu tư xây dựng 2,159 tỷ USD, hoàn thành xây dựng và đi vào sản xuất điện vào cuối năm 2025, nhằm phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là Việt Nam.

Theo báo chí Lào, việc ký biên bản ghi nhớ nêu trên nằm trong kế hoạch hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng.