Lao động và phản ứng chính sách trước đại dịch Covid-19

NDO -

Trong bảy tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội toàn cầu. Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế, khoảng 93% lao động trên toàn thế giới hiện đang chịu ảnh hưởng của đại dịch ở các mức độ khác nhau.

Chi trả hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 ở Đà Nẵng (Ảnh: Anh Đào).
Chi trả hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 ở Đà Nẵng (Ảnh: Anh Đào).

93% lao động toàn thế giới bị ảnh hưởng

Trong bảy tháng đầu năm 2020, cả thế giới đã oằn mình chống chọi với đại dịch Covid-19. Theo số liệu trang Worldometers, tính đến 9 giờ sáng ngày 10-8 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới ghi nhận tổng số ca mắc Covid-19 là 20.021.321 ca, trong đó có gần 12,9 triệu ca đã hoàn toàn bình phục và gần 734.000 ca tử vong ở 215 quốc gia và vùng lãnh thổ và hai siêu du thuyền trên hải phận quốc tế. Bất chấp những nỗ lực của nhiều tổ chức và các quốc gia, dịch bệnh vẫn sẽ còn phức tạp và chưa có dấu hiệu ổn định.

Ngay khi dịch mới bùng phát đến nay, nhiều tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) liên tục đưa ra các cảnh báo về các ảnh hưởng tiêu cực của dịch đến kinh tế - xã hội trên toàn cầu. 

Theo báo cáo mới nhất của WB, tốc độ tăng trưởng trung bình của các nước trong giai đoạn qua đều ở mức dưới 0, với dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức âm 5%  cho cả năm 2020 . 

Theo IMF, tăng trưởng toàn cầu cho cả năm 2020 được dự báo vào thời điểm tháng 6 còn thấp hơn hẳn so với mức dự báo vào thời điểm tháng 4, và còn có thể có thêm điều chỉnh xuống nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp .

Thêm vào đó, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khoảng 93% lao động trên toàn thế giới hiện đang bị ảnh hưởng của dịch ở các mức độ khác nhau . Trong quý I/2020, các nước mất tổng cộng khoảng 185 triệu việc làm; và trong quý II/2020, mất khoảng 480 triệu.

Theo báo cáo thống kê, thị trường lao động của nhiều nước chịu nhiều ảnh hưởng chưa có tiền lệ. Tại Mỹ, trong tháng 6/2020, khoảng 40,4 triệu lao động bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 . Số lao động thất nghiệp trong tháng 6/2020 là 17,8 triệu người, trong khi con số này là vào khoảng 5-7 triệu trong 5 năm trở lại đây. Tại Liên hiệp châu Âu (EU), trong tháng 5/2020, tỷ lệ thất nghiệp là 6,7%, số lượng lao động bị thất nghiệp là 14,366 triệu người . Tại Hàn Quốc, số người thất nghiệp trong tháng 5/2020 là 1,172 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,5% . Đây là mức cao nhất trong 10 năm qua của Hàn Quốc. Tại Nhật Bản, tỷ lệ thất nghiệp tháng 6/2020 ở mức 2,9%, tăng 0,3% so với tháng 5/2020 .

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia và nhà khoa học, thống kê thất nghiệp chưa bao gồm hàng triệu lao động, đặc biệt là lao động nữ, đã phải bỏ việc và rời khỏi thị trường lao động để chăm lo cho gia đình trước tác động của đại dịch. 

Ngoài ra, con số này cũng chưa bao gồm khoảng 4,2 triệu lao động bị ngừng việc, tương đương khoảng 6% tổng lực lượng lao động. Tại Malaysia, tỷ lệ thất nghiệp lên tới mức 5,3% vào tháng 5 và sẽ ở mức 6-8% vào tháng 6; đây là mức cao nhất trong vòng 30 năm qua ở Malaysia . Bên cạnh đó, số người bị ngưng việc ở Malaysia là 4,87 triệu người vào thời điểm tháng 4/2020. Con số này giảm xuống 2,27 triệu vào tháng 5/2020. Ở Thái Lan, tỷ lệ thất nghiệp của Thái Lan trong tháng 5/2020 lên tới 9,6%, trong khi tỷ lệ chính thức của Chính phủ trung bình vào khoảng 0,7% trong mười năm trở lại đây.  Khoảng 95,5% hộ gia đình bị ảnh hưởng; 52,5% hộ gia đình bị giảm thu nhập. Thái Lan có lực lượng lao động phi chính thức, chiếm 54,3% lực lượng lao động, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch như dịch vụ ăn uống, lưu trú, nghỉ dưỡng, xây dựng và vận tải.

Các quốc gia hỗ trợ như thế nào?

Trong bối cảnh như trên, chính phủ của các quốc gia đã xây dựng rất nhiều chính sách đặc thù, các gói hỗ trợ người dân ứng phó với dịch, tập trung ở hai nội dung chính là hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng và hỗ trợ doanh nghiệp để duy trì, bảo vệ việc làm .

Tính đến cuối tháng 5/2020, hơn 90 quốc gia trên thế giới đã thực thi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với dịch, với tổng kinh phí lên hơn 10 nghìn tỷ USD. Với dư địa tài khoá lớn, các nước phát triển đã mạnh dạn triển khai cùng lúc nhiều gói chính sách hỗ trợ khác nhau, bao gồm từ miễn giảm thuế, miễn hoặc tạm ngừng đóng vào các quỹ an sinh xã hội cho đến hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người dân, người lao động và doanh nghiệp. Hầu hết các chính sách này được triển khai trên nền tảng hệ thống an sinh sẵn có. Trong khi đó, các nước đang phát triển cũng triển khai các gói hỗ trợ ở quy mô nhỏ, chủ yếu vào các đối tượng yếu thế, đối tượng bị ảnh hưởng sâu do dịch bệnh. Ở một số nước, các điểm yếu trong năng lực quản lý và điều tiết đối với thị trường lao động đã hạn chế nhiều mức độ hiệu lực, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ.

Về đối tượng hỗ trợ: hầu hết các quốc gia đều cố gắng hỗ trợ cùng lúc người lao động và người sử dụng lao động, nhằm bảo vệ không chỉ thu nhập mà còn việc làm. Ở các nước phát triển, chính phủ thường hỗ trợ công dân theo mức thu nhập trước đây. Thí dụ như Mỹ, mỗi công dân có thu nhập dưới 75 nghìn USD/năm sẽ được hỗ trợ 1,200 USD. Hoặc như ở Nhật Bản, mỗi cư dân của Nhật đều nhận được khoản hỗ trợ trực tiếp 100 nghìn Yên, được vay không lãi tới 200 nghìn Yên và có thể được vay không lãi thêm 450-600 nghìn Yên tuỳ vào thu nhập.

Trong khi đó, các nước đang phát triển thường xác định các đối tượng theo tính chất việc làm và mức độ chịu ảnh hưởng. Thí dụ như Thái Lan, Chính phủ hỗ trợ 5000 Baht (khoảng 3,7 triệu đồng) một tháng trong ba tháng cho 24 triệu lao động không có giao kết hợp đồng và nằm ngoài các lưới an sinh xã hội. 

Ngoài ra, các chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, chủ yếu doanh nghiệp vừa và nhỏ, với mục đích chính là duy trì, bảo vệ và kiến tạo việc làm. Thí dụ như ở Hàn Quốc, các gói hỗ trợ với tổng kinh phí dự toán lên tới 131,7 tỷ USD sẽ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ, môi trường, với mục tiêu kiến tạo 1,9 triệu việc làm mới trong 5 năm tới.

Gói hỗ trợ của Việt Nam đã bao phủ đúng đối tượng, thời điểm

Lao động và phản ứng chính sách trước đại dịch Covid-19 -0
 Chi trả gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng ở Hà Nội (Ảnh: Duy Linh).

Tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 trong những tháng qua cũng có những ảnh hưởng không hề nhỏ tới kinh tế - xã hội và thị trường lao động. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng sáu tháng đầu năm đạt mức 2,8%, thấp hơn đáng kể so với mức 6,76% của cùng kỳ năm trước. Số lượng lao động bị ảnh hưởng ở mức cao trong khi nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng hoặc cạn kiệt nguyên liệu đầu vào.

Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã có ban hành gói hỗ trợ với dự toán kinh phí lên tới 62 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tập trung hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng sâu về thu nhập, các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương và chưa được hỗ trợ tiếp cận nhiều với lưới an sinh xã hội sẵn có. Đây là một chính sách mạnh dạn, phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và được ban hành ngay từ những ngày đầu tháng 4 năm 2020, nhằm hỗ trợ cho người lao động trong tháng 4, tháng 5 và tháng 6.

Tính đến nay, theo báo cáo của các cơ quan chịu trách nhiệm triển khai, gói hỗ trợ đã cơ bản hoàn thành chi trả cho các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương như người nghèo, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Nhìn chung, gói chính sách đã bao phủ tới các đối tượng thụ hưởng và bảo đảm đúng đối tượng, đúng phương pháp và đúng thời điểm.

Trong thời gian tới, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội và thị trường lao động còn cần được theo dõi sát sao. Các nước, bao gồm cả Việt Nam, có thể cần có thêm những chính sách hỗ trợ mới nếu tình hình dịch trở nên nghiêm trọng hơn.
 

Về phương thức hỗ trợ 
Các nước phát triển thường triển khai hỗ trợ người lao động qua hệ thống an sinh sẵn có theo cách hỗ trợ trực tiếp, giảm thuế, tăng mức hưởng, giảm đóng của các chế độ quỹ, và cho vay.

Ở các nước đang phát triển, công tác rà soát, xác định đối tượng thường mất khá nhiều thời gian do lực lượng lao động phi chính thức quá lớn.

Một số quốc gia mạnh dạn mở rộng các lưới an sinh để tăng cường hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, nhóm bị ảnh hưởng, bảo đảm thu nhập, thức ăn và thực phẩm cho họ vượt qua dịch bệnh.

Một số nước điển hình bao gồm Argentina, Ấn Độ, Phillipines, Mỹ, Australia, New Zealand và các nước trong khối EU.

Về thời gian triển khai chính sách

Ngay từ đầu dịch, hầu hết các nước đều có các động thái chính sách hỗ trợ thị trường lao động và người lao động. Tuy nhiên, rất ít chính sách được hoàn thiện và triển khai trước tháng 4, điển hình nhất chỉ có Hồng Công (Trung Quốc) và Singapore. 

Đa phần các chính sách hỗ trợ được công bố trong tháng 3 và tháng 4 và triển khai từ tháng 5. Ngoài ra, trong việc xây dựng và triển khai chính sách, các nước thường có điểm chung là xây dựng các chính sách nhỏ, có khả năng triển khai nhanh từ sớm, sau đó mở rộng thêm khi có thêm thông tin về diễn biến dịch.

Như vậy, với dư địa tài khóa lớn, các nước phát triển đã mạnh dạn triển khai cùng lúc nhiều gói chính sách hỗ trợ khác nhau, bao gồm từ miễn giảm thuế, miễn hoặc tạm ngừng đóng vào các quỹ an sinh xã hội cho đến hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người dân, người lao động và doanh nghiệp.

Hầu hết các chính sách này được triển khai trên nền tảng hệ thống an sinh sẵn có. Trong khi đó, các nước đang phát triển cũng triển khai các gói hỗ trợ, mặc dù ở quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu vào các đối tượng yếu thế, đối tượng bị ảnh hưởng sâu do dịch bệnh.

*****

Tài liệu tham khảo

https://www.worldometers.info/coronavirus/

World Bank, “What will be the new normal for Vietnam? The economic impact of COVID-19.” Tháng 07, 2020.

https://www.imf.org/en/Publications/WEO/Issues/2020/06/24/WEOUpdateJune2020

ILO Monitor: COVID-19 and the world of work. Fifth edition Updated estimates and analysis. https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/@dgreports/@dcomm/documents/briefingnote/wcms_749399.pdf

https://www.bls.gov/cps/effects-of-the-coronavirus-covid-19-pandemic.htm

https://ec.europa.eu/eurostat/documents/2995521/11054062/3-02072020-AP-EN.pdf

https://asia.nikkei.com/Economy/South-Korea-unemployment-rate-surges-to-10-year-high-in-May

https://www.japantimes.co.jp/news/2020/07/03/business/economy-business/japan-jobless-data-masks-woes/

https://www.dosm.gov.my/v1/index.php

https://www.nationthailand.com/news/30389095

Thông tin chi tiết có thể được tham khảo tại https://www.ilo.org/global/topics/coronavirus/country-responses/lang--en/index.htmhttps://www.imf.org/en/Topics/imf-and-covid19/Policy-Responses-to-COVID-19