Lao động, sản xuất đầu Xuân

* Lọc dầu Dung Quất vận hành an toàn ở mức 112% công suất thiết kế * Dự án đường cao tốc Nha Trang-Vân Phong đạt sản lượng thi công gần 40% * Hơn 100 nghìn lượt khách qua sân bay Nội Bài.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành ở công suất tối ưu, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành ở công suất tối ưu, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.

Ngày 12/2, Giám đốc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất Cao Tuấn Sĩ cho biết, đơn vị đã xây dựng phương án bảo đảm lực lượng ứng trực, vận hành nhà máy an toàn, ổn định trong dịp Tết Nguyên đán. Hiện đơn vị đang vận hành ở mức 112% công suất thiết kế. Theo kế hoạch, trong tháng 2/2024, Nhà máy sẽ sản xuất khoảng 618 nghìn tấn sản phẩm các loại, đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường. Các phân xưởng công nghệ chính của nhà máy đã và đang hoạt động ở công suất cao từ 110 đến 140%.

Đơn vị bảo đảm kế hoạch nhân sự cho vận hành sản xuất xuyên Tết, người lao động ứng trực sản xuất, sẵn sàng ứng phó các tình huống khẩn cấp, bảo đảm sản xuất liên tục, an toàn. Trong dịp Tết Nguyên đán, đơn vị nhập ba chuyến dầu thô với khối lượng khoảng 1,5 triệu thùng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng,... Năm 2023 vừa qua, Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động an toàn, ổn định ở công suất cao, giúp Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất) đạt kỷ lục về sản lượng sản xuất.

* Trong số 12 dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025, dự án Vân Phong-Nha Trang đang dẫn đầu với sản lượng thi công đạt gần 40% giá trị hợp đồng, vượt khoảng 5% so với kế hoạch. Hưởng ứng phát động của Bộ Giao thông vận tải, trong một tháng Tết, các nhà thầu thi công dự án đã đăng ký giá trị sản lượng 180 tỷ đồng. Với sự vào cuộc xuyên lễ, xuyên Tết của nhà thầu, hiện tại, hạng mục bê-tông nhựa rỗng tại dự án đã thảm được 24/83,35 km, hạng mục bê-tông nhựa C19 (lớp 2) thi công được 18 km.

Riêng hạng mục cầu trên tuyến, công tác lao lắp dầm đã thực hiện được 20/32 cầu, sản lượng đạt 70%.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (chủ đầu tư dự án) Trần Đình Tuyên cho biết, mục tiêu trong năm 2024, các nhà thầu sẽ cơ bản hoàn thành thi công cầu và hoàn thành toàn bộ hạng mục nền đường, móng đường, nâng sản lượng thực hiện đạt từ 70-75% giá trị hợp đồng. Các hạng mục mặt đường và hệ thống an toàn giao thông đang được xây dựng kế hoạch đến tháng 6/2025 sẽ hoàn thành, phấn đấu đưa dự án về đích trước 6 tháng so với kế hoạch. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo quyết liệt, tỷ lệ giải phóng mặt bằng đến nay đạt 99,6%, tuy nhiên, trong phạm vi thi công dự án vẫn còn một số điểm vướng hạ tầng kỹ thuật, đường dây điện 110 kV, 220 kV. Ban Quản lý dự án 7 kiến nghị tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan chức năng hỗ trợ, chỉ đạo xử lý vướng mắc về mặt bằng trong quý I/2024 để dự án đạt được tiến độ như kỳ vọng.

* Theo nhận định của ông Tô Tử Hà, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, trong dịp Tết Nguyên đán, ngày cao điểm nhất dự kiến là mồng 6 Tết (15/2) với 608 lượt chuyến bay và 105 nghìn lượt hành khách. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa vượt quá đợt cao điểm hè năm 2023 vừa qua (dịp cao điểm hè 2023, ngày cao nhất đạt 693 lượt chuyến và 116 nghìn lượt khách). Về các biện pháp bảo đảm khai thác, Nội Bài thực hiện tăng cường an ninh cấp độ 1 từ ngày 6 đến 16/2/2024 theo chỉ đạo của Cục Hàng không Việt Nam. Cảng bố trí tăng nhân lực tại các vị trí, tăng tần suất kiểm tra trực quan ngẫu nhiên đối với hành khách, hành lý xách tay,...

Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, bảo vệ được yêu cầu tổ chức bổ sung 20% quân số so với kíp trực thông thường; phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không nắm bắt đầy đủ, kịp thời kế hoạch bay để xây dựng phương án khai thác vị trí đỗ tàu bay, phân quầy thủ tục, bố trí sắp xếp cửa ra tàu bay,... Công tác trực điều hành 24/7 tại Trung tâm Điều phối khai thác (AOCC) được siết chặt nhằm giải quyết kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả mọi vấn đề phát sinh.

* Qua báo cáo của một số địa phương và theo dõi tình hình thị trường, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định, trong ngày mồng 1 Tết, hầu hết các chợ và siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước đều đóng cửa. Khảo sát thị trường tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các chợ đầu mối lớn, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn, hầu hết các sạp hàng đều đóng cửa. Riêng Trung tâm thương mại Aeon Mall, Gigamall vẫn mở cửa "xuyên Tết" phục vụ người dân thành phố, thời gian phục vụ từ 10 đến 22 giờ hằng ngày. Hệ thống các cửa hàng tiện lợi như Bs’Mart, CircleK, FamilyMart,... vẫn mở cửa phục vụ 24/24 giờ, đối tượng chủ yếu là thanh thiếu niên du Xuân. Ngày mồng 3, các sạp hàng rau củ quả, thủy sản và thịt heo bắt đầu mở bán trở lại, tuy nhiên lượng người mua vẫn thưa thớt.

Tại Đà Nẵng, ngày đầu năm, các chợ, siêu thị đóng cửa, chưa hoạt động, người dân tập trung đi thăm hỏi, chúc Tết, lễ chùa và vui chơi... Giá dịch vụ trông giữ xe máy ở một số điểm du lịch, chùa chiền hầu hết thu theo giá quy định ở mức 5.000 đồng/chiếc, tuy nhiên tại một số điểm giữ xe tư nhân, có nơi vẫn thu tới 10.000 đồng/chiếc. Một số hiệu thuốc y tế đã mở cửa, giá bán đúng theo giá niêm yết. Tại thành phố Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), tất cả các hoạt động kinh doanh đều tạm ngừng hoạt động nên giá cả các mặt hàng ổn định. Giá cước vận tải đối với hãng xe VIP vẫn giữ ổn định so với thời điểm trước Tết, tuyến Hà Nội-Lạng Sơn và ngược lại có giá 280 nghìn đồng/hành khách.

Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, không để xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.