Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đối thoại người hoạt động không chuyên trách

Ngày 12/9, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tổ chức tiếp xúc, đối thoại với hơn 250 người hoạt động không chuyên trách, đại diện cho gần 980 người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở trên toàn tỉnh .
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi tiếp xúc, đối thoại.
Quang cảnh buổi tiếp xúc, đối thoại.

Tại buổi tiếp xúc, đối thoại có 11 lượt ý kiến phản ánh, kiến nghị của người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Trước đó, Tổ giúp việc 976 của Tỉnh ủy Hậu Giang cũng đã ghi nhận gần 700 ý kiến, kiến nghị, đề xuất của người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở.

Nội dung phản ánh, kiến nghị tập trung về các chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Tựu trung các vấn đề như: Mức hỗ trợ theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh tuy có tăng, nhưng còn thấp; chế độ liên quan đến nghỉ thai sản; việc tính bảo hiểm xã hội vẫn còn áp dụng theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng, trong khi mức lương cơ sở hiện nay đã tăng lên 2.340.000 đồng.

Nhiều ý kiến cũng đề xuất, kiến nghị hỗ trợ máy tính; hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở tham gia học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao…

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đối thoại người hoạt động không chuyên trách ảnh 2

Người hoạt động không chuyên trách phản ánh, kiến nghị tại buổi đối thoại

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh bày tỏ chia sẻ những khó khăn của người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Hiện, mức phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách đã được Hội đồng nhân dân tỉnh quy định tăng cao hơn khá nhiều so với trước đây.

Đối với người hoạt động không chuyên trách chưa có trình độ đào tạo chuyên môn tăng tương đương 0,25 lần mức lương cơ sở; đối với người hoạt động không chuyên trách đã qua đào tạo trình độ chuyên môn cao đẳng, trung cấp tăng từ 0,56 đến 0,66 lần mức lương cơ sở; đối với người hoạt động không chuyên trách đã qua đào tạo trình độ chuyên môn đại học tăng từ 0,74 đến 0,84 lần mức lương cơ sở.

Đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng, Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định rõ về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố là cơ sở pháp lý để địa phương áp dụng. Tuy nhiên, muốn tăng mức phụ cấp thêm nữa thì còn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu ngân sách địa phương.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đối thoại người hoạt động không chuyên trách ảnh 3

Đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang phát biểu tại buổi đối thoại

Nhiều phản ánh, kiến nghị mang tính thực tiễn của người hoạt động không chuyên trách, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng cần quan tâm, như: Cần mở lớp liên kết đào tạo nghề-việc làm-tạo đầu ra cho sản phẩm... để tránh tình trạng học xong không có việc làm hoặc không có việc làm ổn định.

Hệ thống loa truyền thanh ở ấp, khu vực chưa phủ khắp, người dân gặp khó trong tiếp cận chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, địa phương. Đây là nhu cầu thiết thực, cần khảo sát để đầu tư trang bị…

Hiện, công tác vận động đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương tỷ lệ còn hạn chế; các chỉ tiêu thi đua, tổ chức hội thi quá nhiều… cũng là vấn đề cần suy ngẫm.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đề nghị, sau hội nghị này, Tổ giúp việc 976 của Tỉnh ủy tổng hợp tất cả ý kiến, kiến nghị; rà soát lại để chuyển cho cơ quan chức năng có liên quan sớm giải quyết trên tinh thần là những vấn đề gì đã chín, đã rõ, thực tiễn chứng minh là đúng và phù hợp với cơ chế, bảo đảm phù hợp theo điều kiện thực tế của tỉnh thì triển khai ngay.

Định kỳ đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đưa kết quả giải quyết kiến nghị của hội nghị đối thoại tiếp xúc hôm nay vào đánh giá kết quả triển khai các công việc hàng năm của cơ quan, đơn vị.

Quan tâm chăm lo hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần để người hoạt động không chuyên trách an tâm công tác, đóng góp nhiều hơn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.