Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đối thoại thành viên các loại hình kinh tế tập thể

Ngày 29/5, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tổ chức buổi tiếp xúc, đối thoại với cán bộ quản lý, người lao động, thành viên của các loại hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi tiếp xúc, đối thoại.
Quang cảnh buổi tiếp xúc, đối thoại.

Buổi tiếp xúc ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh, kiến nghị, đề xuất của cán bộ quản lý, người lao động, thành viên hợp tác xã, kinh tế tập thể. Nội dung liên quan nhiều đến việc hỗ trợ cho hợp tác xã về vốn vay ưu đãi, nguồn nhân sự quản lý (chủ yếu là vị trí kế toán và quản trị hợp tác xã), hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, nhà kho, máy móc thiết bị; hỗ trợ tập huấn, tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ…

Việc hỗ trợ này cần có sự tập trung để hợp tác xã có thể mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả kinh tế cao. Bởi vì, qua thực tế, việc hỗ trợ nhỏ lẻ, manh mún như thời gian qua hiệu quả mang lại thấp...

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đối thoại thành viên các loại hình kinh tế tập thể ảnh 1

Chủ thể hợp tác xã kiến nghị tại buổi tiếp xúc, đối thoại.

Trước đó, Tổ giúp việc 976 của ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã ghi nhận, tổng hợp được 692 ý kiến phản ánh, kiến nghị, đề xuất của cán bộ quản lý, người lao động, thành viên hợp tác xã, kinh tế tập thể. Trong đó, có 262 ý kiến đồng thuận việc thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, nhiều mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, nhiều cá nhân và tổ chức tham gia.

Phát biểu tại buổi đối thoại, đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhấn mạnh: Từ nhận thức sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp, tháng 11/2022, Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết số 07, về tiếp tục đổi mới phát triển kinh tế tập thể.

Với nhiều cơ chế chính sách từ Nghị quyết 07 và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân và các thành viên kinh tế tập thể, bước đầu phát huy hiệu quả. Thể hiện rõ là khu vực kinh tế tập thể có sự chuyển biến tích cực, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 600 tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã, với 9.984 thành viên. Nhiều mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều lao động, nông dân, hộ gia đình; nhiều tổ chức và cá nhân tham gia các mô hình, góp phần phát triển kinh tế, tạo công việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống của thành viên cũng như người dân, ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đối thoại thành viên các loại hình kinh tế tập thể ảnh 2

Đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang phát biểu tại buổi tiếp xúc, đối thoại.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế tập thể của tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế, trong khi chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể khá đầy đủ, nhưng chậm đi vào cuộc sống. Thể hiện vốn hỗ trợ được giải ngân cho phát triển kinh tế tập thể chưa nhiều. Số hợp tác xã mở rộng sản xuất chưa nhiều, số hợp tác xã thành lập mới chưa cao, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng đề ra của nghị quyết.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Tổ giúp việc 976 tập hợp đầy đủ các kiến nghị theo các nhóm vấn đề gửi đến các cơ quan có liên quan tiếp tục giải quyết thỏa đáng. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở ban ngành, địa phương khảo sát đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế tập thể.