Lãnh đạo bệnh viện phải đáp ứng năng lực quản lý bệnh viện

NDO -

NDĐT - Trung tâm Phát triển năng lực quản lý khám, chữa bệnh- Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế vừa tổ chức khóa đào tạo Quản lý bệnh viện năm 2019 tại Hà Nội.

Lãnh đạo bệnh viện phải đáp ứng năng lực quản lý bệnh viện

Hơn 60 học viên là giám đốc, Phó giám đốc mới được bổ nhiệm và các trưởng, phó các đơn vị trong các bệnh viện trong diện quy hoạch lãnh đạo đã tham dự khóa đào tạo. Khóa đào tạo diễn ra trong năm ngày nhằm tiếp tục thực hiện những đổi mới của ngành y tế trong công tác quản lý bệnh viện hướng tới nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Trung tâm, hiện ngành y tế đang phải đối mặt với những thách thức trong đổi mới cơ chế tài chính và đổi mới chất lượng bệnh viện. Nếu lãnh đạo các bệnh viện chỉ dựa vào năng lực chuyên môn mà không đổi mới tư duy, đổi mới công tác quản lý bệnh viện sẽ khó lòng giữ chân được bệnh nhân, đặc biệt khi chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế tại tuyến huyện, bệnh nhân có quyền lựa chọn bệnh viện tốt hơn để khám, chữa bệnh.

Công tác quản lý bệnh viện thời gian qua đã được quan tâm tại các bệnh viện. Tuy nhiên đa số các lãnh đạo thường là bác sĩ có chuyên môn giỏi, có uy tín trong bệnh viện rồi được bổ nhiệm, chưa qua các khóa học quản lý bệnh viện. Nhưng, quản lý là một nghề và các cán bộ lãnh đạo phải đưa ra phương hướng phát triển đi lên của Bệnh viện phù hợp với sự phát triển và định hướng của ngành y.

Đặc biệt trong giai đoạn tự chủ hiện nay, nếu không làm tốt công tác quản lý và đưa ra được những giải pháp thu hút người bệnh, không chỉ bệnh nhân mà cả nhân viên y tế cũng bỏ đi. Đây cũng chính là lý do Bộ Y tế đang đẩy mạnh chương trình đào tạo công tác quản lý bệnh viện theo hướng hiện đại, từng bước tiếp cận với thế giới.

Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 39 bệnh viện tuyến Trung ương, 492 bệnh viện tuyến tỉnh, 645 bệnh viện huyện và 72 bệnh viện ngành, 11.000 trạm y tế. Bên cạnh đó, còn có 222 bệnh viện tư nhân và khoảng 31.500 phòng khám tư nhân.

Trong bối cảnh nhu cầu của người dân và xã hội ngày càng tăng, đòi hỏi các bệnh viện cần nỗ lực cải tiến chất lượng khám chữa bệnh. Để đáp ứng nhu cầu xã hội, ngành Y tế đã có những đổi mới, chuyển biến tích cực để cải thiện chất lượng khám chữa bệnh. Ngành tập trung đổi mới về quản lý thông qua việc thiết lập hệ thống quản lý chất lượng tại tất cả các bệnh viện; đổi mới về kiến thức, quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm chăm sóc và điều trị; cải cách quy trình khám bệnh, giảm thủ tục hành chính; đổi mới về phương pháp đánh giá chất lượng bệnh viện theo 83 tiêu chí...

Tại khóa học, các học viên được tiếp cận các thông tin mới về thành tựu, thách thức của ngành y tế, định hướng chỉ đạo của Bộ Y tế trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; những giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; những điểm quan trọng trong áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện Việt Nam, kinh nghiệm thực tiễn từ kết quả kiểm tra bệnh viện năm 2018.

Các học viên cũng được tìm hiểu về công tác quản lý trang thiết bị y tế nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh; công tác quản lý tài chính, mô hình tự chủ tài chính bệnh viện; đồng thời đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số bệnh viện tổ chức tốt công tác quản lý...