Lạng Sơn quyết liệt phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn diễn biến rất phức tạp, dịch bệnh có chiều hướng gia tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng thực hiện tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại xã Nhạc Kỳ, Văn Lãng (Lạng Sơn).
Lực lượng chức năng thực hiện tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại xã Nhạc Kỳ, Văn Lãng (Lạng Sơn).

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 1.005 hộ/223 thôn/75 xã/10 huyện, thành phố (huyện Đình Lập chưa xảy ra dịch), chết và tiêu hủy hơn 3.000 con, tổng trọng lượng là 149.559kg. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 7/75 xã đã qua 21 ngày.

Khó khăn trong phòng, chống dịch

Nguyên nhân chính làm dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan là do: Một số địa phương cấp huyện, cấp xã nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Việc tổ chức công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chưa đồng bộ...

Chủ gia súc chưa thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y tối thiểu trong phòng, chống dịch bệnh các hộ chăn nuôi không thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, một số hộ chăn nuôi vẫn sử dụng thức ăn thừa để nuôi lợn. Bên cạnh đó chính quyền cơ sở chưa giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định; Việc tổ chức xử lý, tiêu hủy lợn bệnh gặp rất nhiều khó khăn do không có đủ lực lượng, thiếu kinh phí mua hóa chất, vôi bột, thuê phương tiện, không có đủ kinh phí cho người tham gia xử lý lợn bệnh,...

Đặc biệt hiện nay, việc sáp nhập Trạm thú y vào Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp, ở các huyện, thành phố dẫn đến biên chế chuyên ngành về chăn nuôi thú y giảm, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, dẫn đến dịch bệnh lây lan, chưa được kiểm soát.

Cần ngăn chặn dịch bệnh từ việc tiêm phòng vaccine

Trong đợt tái phát ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi từ ngày 9/5 đến ngày 8/6, tại xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình đã có 57 hộ chăn nuôi lợn có lợn bị bệnh và buộc phải tiêu hủy với số lượng là 157 con, trọng lượng gần 6,1 tấn. Đây là xã có số lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy lớn nhất của huyện Lộc Bình.

Mặc dù tình hình diễn biến bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Thống Nhất khá phức tạp, nhưng có số ít lợn của một số hộ chăn nuôi tại xã vẫn “miễn nhiễm” với bệnh dịch. Như trường hợp hộ ông Vi Văn Thu ở thôn Hợp Nhất, xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình. Hiện, đàn lợn 12 con của gia đình ông Thu vẫn khỏe mạnh, trong khi đó, các hộ chăn nuôi lợn xung quanh nhà ông Thu đều đã bị nhiễm bệnh và buộc phải tiêu hủy.

Theo chia sẻ của ông Thu, vào đầu tháng 4/2024, gia đình mua có nhu cầu tái đàn lợn nên đi mua giống trên 4 tuần tuổi về nuôi. Tại thời điểm này, ông cũng mua một số liều vaccine dịch tả lợn châu Phi về tiêm cho đàn lợn. Vì thế đã giúp đàn lợn của gia đình ông có kháng thể để kháng bệnh dịch tả lợn châu Phi trong đợt này.

Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Nam Hùng cho biết: Với việc đã có vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi thì việc tiêm phòng là một trong các biện pháp phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi rất quan trọng mà người chăn nuôi cần thực hiện. Những tác dụng phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi khi lợn được tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi đã thấy rõ qua những trường hợp thực tế.

Lạng Sơn quyết liệt phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi ảnh 1

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn, kiểm tra, hướng dẫn phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại cơ sở chăn nuôi.

Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt khoảng 0,01% so với tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh tả lợn châu Phi là rất cao do chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ, còn hạn chế việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thời tiết thay đổi, diễn biến phức tạp tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi; nhiều đàn gia súc, gia cầm đã hết thời gian miễn dịch nhưng chưa được tiêm phòng nhắc lại...

Năng lực của một số nhân viên thú y cơ sở còn hạn chế, chế độ hỗ trợ cho nhân viên thú y không bảo đảm cuộc sống do đó một số xã, phường, thị trấn không có hoặc thiếu nhân viên thú y; một số xã, phường, thị trấn nhân viên thú y xin nghỉ để làm công việc khác do đó đã ảnh hưởng đến công tác theo dõi, phòng, chống bệnh dịch trên địa bàn..