Lạng Sơn không để xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu

NDO -

Ngày 24/1, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cao Lộc, (Lạng Sơn), đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Công thương, cùng đoàn công tác làm việc với tỉnh Lạng Sơn về giải quyết tình hình ùn ứ hàng xuất khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn và đoàn công tác khảo sát thực tế tại đường chuyên dụng xuất, nhập khẩu cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cao Lộc (Lạng Sơn). (Ảnh: LÊ MINH)
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn và đoàn công tác khảo sát thực tế tại đường chuyên dụng xuất, nhập khẩu cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cao Lộc (Lạng Sơn). (Ảnh: LÊ MINH)

Từ cuối tháng 11/2021 đến nay, lượng hàng hóa từ nội địa lên các cửa khẩu của tỉnh rất lớn trong khi năng lực bến bãi và khả năng thông quan hàng xuất khẩu trong ngày chưa tăng thêm, khiến lượng phương tiện ùn ứ tại khu vực các cửa khẩu có thời điểm hơn 5.000 phương tiện.

Tính đến sáng 24/1, tổng lượng xe xuất khẩu tồn ở các bến, bãi trên địa bàn tỉnh là 383 xe, trong đó, 151 xe chở hoa quả, so với ngày 17/1 đã giảm hơn 890 xe tồn. Do được khuyến cáo, lượng phương tiện chở hoa quả xuất khẩu từ nội địa lên các cửa khẩu của tỉnh đã giảm.

Đến thời điểm hiện tại, hoạt động xuất, nhập khẩu được duy trì thông quan tại hai cửa khẩu: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng. Năng lực thông quan trung bình trong tuần đạt 80-100 xe/ngày; trong đó xuất khẩu qua Ga Đồng Đăng có tín hiệu khả quan, đạt khoảng 40-50 toa xuất/ngày, gồm cả một số loại hoa quả như: sầu riêng, nhãn quả tươi...

Nguyên nhân ùn ứ là do phía Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm hóa 100% đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. 

Trong khi đó, chất lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chưa thực sự ổn định. Xuất khẩu nông sản, hoa quả hiện nay chủ yếu diễn ra trên sự thỏa thuận giữa đối tác 2 phía do là bạn hàng lâu năm. Hình thức giao dịch thương mại tiểu ngạch tại các cửa khẩu hiện nay chiếm hơn 90%.

Mặc dù hạ tầng cửa khẩu của Lạng Sơn đã và đang được tập trung đầu tư nhưng hiện nay năng lực bến bãi trong các cửa khẩu còn hạn chế. Trong khi đó, số lượng xe chở hàng xuất khẩu thời gian qua tăng hơn 2 lần so mức cao điểm các năm trước, toàn bộ bến bãi (kể cả các bãi được trưng dụng tạm thời) đều đã quá tải.

Cùng đó, hiện nay Trung Quốc tiếp tục thực hiện chiến lược “Zero Covid” cùng với các quy định, chính sách mới, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, nên năng lực thông quan phía Trung Quốc giảm mạnh.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xây dựng khu vực cửa khẩu “an toàn với Covid-19”; thiết lập “vùng đệm” nhằm kiểm soát dịch trên người và hàng hóa, điều tiết hợp lý hàng hóa vào các cửa khẩu để giữ “vùng xanh khu vực cửa khẩu”.

Cùng đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, như giảm phí bến bãi, sử dụng hạ tầng, giá dịch vụ và hỗ trợ tối đa các điều kiện sinh hoạt cho lái xe. Thường xuyên cập nhật tình hình để thông tin kịp thời đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, tổ chức, doanh nghiệp liên quan nhằm phối hợp thực hiện quy định về phòng, chống dịch, chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, điều tiết hợp lý từ sớm, từ xa lượng hàng hóa lên cửa khẩu. Đồng thời, duy trì và tăng cường cơ chế hội đàm, trao đổi thông tin nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại biên giới…

Từ thực trạng trên, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, khẳng định, với tiến độ thông quan như hiện nay, cộng với việc xe chở hàng xuất lên cửa khẩu của tỉnh không lớn như thời gian trước, thì từ nay đến trước khi nghỉ Tết Nguyên đán sẽ giải phóng hết lượng xe ùn ứ.

Tuy nhiên về lâu dài, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm giao thiệp, đàm phán với các địa phương, lực lượng chức năng của Trung Quốc để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch, tiếp tục duy trì khu vực cửa khẩu “an toàn với Covid-19”; tăng cường đầu tư hạ tầng cửa khẩu, bến bãi, dịch vụ logistics; đẩy mạnh xây dựng cửa khẩu số…

Tỉnh cũng kiến nghị với đoàn công tác một số vấn đề, như: tham mưu với Chính phủ tăng cường đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn; thúc đẩy hình thành khu hợp tác xuyên biên giới; các bộ, ngành liên quan tiếp tục trao đổi, hội đàm với các bộ, ngành của Trung Quốc để cùng tháo gỡ vướng mắc…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đồng tình với những biện pháp Lạng Sơn đang triển khai, những giải pháp đã đề ra và các kiến nghị, đề xuất của tỉnh. Ngoài các giải pháp trên, các ngành, đơn vị liên quan cần tiếp tục tham mưu cho bộ cùng tỉnh Lạng Sơn thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, triển khai có hiệu quả đề án về thương mại biên giới.

Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan cũng sẽ phối hợp để quy hoạch vùng sản xuất phù hợp hơn, theo nhu cầu của thị trường. Cùng việc mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu, cũng cần phải mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước. Trước mắt, tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp, giải pháp, quyết tâm không để xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu. 

Cùng ngày, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên và đoàn công tác đã khảo sát thực tế tại một số khu vực trong Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và tặng quà, động việc lực lượng làm nhiệm vụ tại đây.