Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng chợ nông thôn, miền núi là một hướng đi đúng, bảo đảm phát triển các trung tâm cụm xã và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nhiều địa phương trong tỉnh bằng nhiều nguồn vốn khác nhau đã đầu tư xây dựng chợ nông thôn khá khang trang, nhưng rồi lại không có tiểu thương buôn bán. Thậm chí, có chợ đầu tư xây dựng tiền tỷ rồi lại bỏ hoang đã gây bức xúc cho người dân địa phương. Chẳng hạn, chợ trung tâm xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh được đầu tư xây dựng từ đầu năm 2010 với tổng kinh phí hơn năm tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, gây lãng phí. Theo Nghị quyết HÐND xã Tịnh Hà, việc đầu tư mở rộng chợ trung tâm gắn với quy hoạch khu dân cư mới là đúng hướng, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc huy động vốn xây chợ được thực hiện "cơ chế" bán đất lấy tiền xây công trình. Như vậy, xã Tịnh Hà tiến hành các bước thủ tục và thực hiện đấu giá bán tám lô đất với số tiền đã thu hơn năm tỷ đồng để đầu tư xây dựng chợ trung tâm của xã là phù hợp theo dự án ban đầu. Tuy nhiên, hiện nay so với tiến độ thì công trình chợ Tịnh Hà đã chậm hơn hai năm và Công ty TNHH Thành Công (nhà thầu) đã dừng thi công từ lâu, vì địa phương không còn nguồn vốn để tiếp tục đầu tư các hạng mục dở dang. Người dân ở đây đang bức xúc cho rằng, nguồn ngân sách xã thu vào từ tiền bán đất đấu giá là bảo đảm kế hoạch. Dự án xây dựng chợ ở đây đã được nhân dân đồng tình thông qua với dự kiến nguồn vốn ban đầu, nhưng bây giờ công trình bỏ hoang, gây lãng phí hàng tỷ đồng vậy ai chịu trách nhiệm!?
Ðứng ở trung tâm chợ Tịnh Hà đang bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, có nhiều hạng mục bị gỉ sắt, xuống cấp nghiêm trọng, chúng tôi quá xót xa. Bởi đây là một trong những công trình trung tâm cụm xã, một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu phục vụ thương mại cho cụm dân cư lâu dài. Thế nhưng, công trình này hiện nay chưa có lời giải và đang biến khu "đất vàng" thành chợ hoang, trong khi đó hằng ngày bà con tiểu thương phải dựng lều tạm ở sân vận động xã để buôn bán. Ðiều mà bà con tiểu thương ở đây lo lắng là, việc kinh doanh, buôn bán nơi chợ tạm đã kéo dài hơn hai năm qua, làm cho nhiều hộ kinh doanh ngán ngẩm, khó khăn. Hơn nữa, việc buôn bán nơi chợ tạm rất nguy hiểm, vì nguy cơ cháy nổ khá cao do các hộ kinh doanh, buôn bán đều kéo điện tạm, dễ gây chập điện. Các khâu chế biến thực phẩm, thức ăn tại chợ thường ngày, trong khi các quầy vải, quần áo lại bày bán san sát nhau. Nếu trường hợp xảy ra hỏa hoạn thì hậu quả là khó lường. Trao đổi ý kiến với chúng tôi chung quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Hà Nguyễn Thanh Ðình và Trần Văn Thạch cho rằng, bà con tiểu thương ở đây nêu lên những bức xúc là đúng. Sở dĩ, chợ Tịnh Hà bỏ hoang là do không đủ tiền đầu tư đến nơi đến chốn. Hơn nữa, công tác quy hoạch đang trong giai đoạn điều chỉnh. Huyện Sơn Tịnh dự kiến di dời Trung tâm hành chính đến địa điểm chợ Tịnh Hà và dự án đường cao tốc Ðà Nẵng-Quảng Ngãi có khả năng đi ngang qua khu vực này, cho nên việc tiếp tục xử lý, chạy vốn đầu tư để hoàn thiện chợ Tịnh Hà hiện nay là hết sức khó hiểu và mờ ám. Ðiều này không những lãng phí tiền tỷ mà còn gây bức xúc cho người dân địa phương...
Còn ở xã Bình Hải (huyện Bình Sơn), có hai chợ đang bỏ hoang. Ngay trung tâm xã đã có hai công trình chợ xây mới khang trang với số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng, dù chỉ cách nhau chưa đầy một cây số. Ðiều lạ là cả hai chợ Vạn Tường và Bình Hải đều vắng bóng tiểu thương. Theo một số cán bộ hưu trí ở đây phản ánh, thì những năm gần đây do bà con không có nơi buôn bán, cho nên xã Bình Hải đã thực hiện xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp góp vốn xây dựng chợ. Năm 2010, Công ty Hùng Thịnh đầu tư hơn năm tỷ đồng để xây dựng chợ Vạn Tường (thời gian hoạt động ít nhất là năm năm) với lời hứa sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành thủ tục, hồ sơ và đưa các tiểu thương vào buôn bán sau khi xây xong chợ. Ðến tháng 6-2010, chợ tạm Vạn Tường hoàn thành, đáp ứng khoảng 200 hộ tiểu thương hoạt động buôn bán. Thế nhưng, gần ba năm qua, hai công trình chợ xây xong rồi bỏ hoang, đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng. Bà Lê Thị Cúc - Giám đốc Công ty Hùng Thịnh cho biết: Lúc đầu, công ty định thuê đất mở cây xăng, nhưng chính quyền địa phương đề nghị công ty xây dựng chợ để người dân có chỗ buôn bán. Do đó, công ty đã bỏ vốn xây chợ. Nhưng khi chợ hoàn thành thì địa phương lại thiếu quan tâm về mặt thủ tục, cho nên chợ chưa đi vào hoạt động. Chúng tôi lâm vào cảnh "đi chẳng được, ở chẳng xong", trong khi đó ở đây lại mọc lên chợ tự phát, buôn bán thường xuyên, gây cản trở giao thông và không bảo đảm về trật tự xã hội trên địa bàn...
Trong khi chợ Vạn Tường bỏ hoang, thì tháng 10-2012, UBND xã Bình Hải lại nhận vốn tài trợ an sinh xã hội khoảng bảy tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí để xây dựng chợ Bình Hải. Ðến cuối tháng 12-2012, chợ Bình Hải hoàn thành với 114 ki-ốt sẵn sàng "đợi" tiểu thương. Lúc này, lãnh đạo xã lại bắt đầu lập danh sách người dân có nhu cầu vào chợ Bình Hải buôn bán. Nhưng đã bốn tháng trôi qua, chợ Bình Hải vẫn cửa đóng, then cài. Trong khi đó, người dân vẫn phải buôn bán ở chợ tự phát và chợ cũ đã xuống cấp. Bà con tiểu thương cho biết: Việc họ chưa muốn vào chợ tạm Vạn Tường hay chợ Bình Hải buôn bán vì muốn chờ xem chợ nào cho thuê mặt bằng rẻ hơn. Với lại, buôn bán ở chợ tự phát thì không phải đóng nhiều tiền như vào hai chợ trên. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải Bùi Trạng cho biết: Giá thuê ki-ốt, sạp của chợ tạm Vạn Tường cao nên không thể vận động người dân vào chợ. Còn khoản tài trợ bảy tỷ đồng để xây chợ Bình Hải là cơ hội của địa phương, cho nên không thể từ chối nguồn vốn này. Sắp tới chúng tôi sẽ tích cực vận động người dân vào chợ buôn bán. Tuy nhiên, dù có cố gắng đưa bà con vào chợ Bình Hải buôn bán thì chợ Vạn Tường cũng sẽ phải đóng cửa, bỏ hoang đang gây sự bất bình trong nhân dân. Bình Hải là xã bãi ngang ven biển, phần lớn người dân còn khó khăn, nhưng lại có đến hai chợ được xây dựng hoành tráng, với số vốn hàng chục tỷ đồng đã gây lãng phí rất lớn...
Có thể nói, hiện nay nhiều chợ ở nông thôn Quảng Ngãi đã đầu tư nguồn vốn khá lớn để nâng cấp, xây dựng mới nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao. Có công trình vừa xây xong, chưa đưa vào hoạt động thì đã vội "khai tử". Trong khi nhiều công trình khác đang xuống cấp nghiêm trọng rất cần được đầu tư vốn để nâng cấp, sửa chữa thì chưa được chú ý, nhất là các công trình trường học, y tế phục vụ thiết thực cho nhân dân địa phương.