Lãng phí nguồn lực đất đai từ những dự án “treo”

Trong khi nhiều người dân vẫn thiếu nhà ở, thì Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 9.000 căn hộ tái định cư bỏ không, hàng trăm khu đất vàng bỏ hoang, làm lãng phí nguồn lực, gây bức xúc cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Khu tứ giác Mả Lạng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)
Khu tứ giác Mả Lạng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)

Bài 2: Tìm giải pháp xử lý dứt điểm

Đây chính là hệ lụy trong chính sách tái định cư chưa sát với thực tế đời sống, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, làm việc và học tập của người dân. Pháp luật về đất đai còn nhiêu khê, chồng chéo, khiến thủ tục đầu tư dự án tại các khu đất vàng kéo dài,...

Người dân không hợp nhà tái định cư

Nằm ở trung tâm huyện Bình Chánh, khu tái định cư Vĩnh Lộc B là một trong số ít dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh được đầu tư lớn với quy mô diện tích hơn 30 ha, vốn đầu tư 1.062 tỷ đồng, gồm 45 lô chung cư (gần 2.000 căn hộ) và 559 nền đất. Công trình được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2013 với nhiệm vụ bố trí nhà ở cho các hộ dân bị giải tỏa bởi các dự án tại 13/24 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đã hơn 10 năm nay, có rất ít căn hộ có người ở và chỉ vài chục nền đất được xây dựng.

Gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (57 tuổi, ngụ Quận 6) đủ điều kiện nhận một căn hộ tái định cư tại chung cư Vĩnh Lộc B khi bị thu hồi đất để thực hiện dự án cải tạo kênh Tân Hóa-Lò Gốm. Năm 2013 ông nhận nhà, một năm sau ông lại phải bán nhà vì nơi ở mới quá xa so với nơi ở cũ trong khi mọi kế sinh nhai, việc học hành của con cái lại gắn chặt với nơi ở cũ của ông. Theo ông Sơn, người mua lại căn hộ của ông hiện cũng không sinh sống tại dự án tái định cư vì không tìm được việc làm phù hợp.

Ông Nguyễn Tiến Thanh, một cư dân đang sinh sống tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B cho biết: So với nơi ở cũ, căn hộ của ông hiện nay khang trang hơn nhiều, nhưng ở nơi ở mới, gia đình ông không tìm được việc làm phù hợp nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, bất trắc. Trước đây, vợ ông Thanh buôn bán nhỏ ở chợ, còn ông làm nghề sửa xe ngay cổng chợ kiếm sống. Từ khi chuyển đến khu tái định cư thì mất công việc, gia đình ông phải sống trong cảnh thiếu thốn mọi bề, tiền mua gạo thiếu trước, hụt sau.

Một vấn đề khác cũng khiến người dân không mặn mà với nhà tái định cư là do chung cư xuống cấp nhanh, khiến chất lượng cuộc sống suy giảm. Theo khảo sát của chúng tôi, một số chung cư như Tân Mỹ (Quận 7), Bình Trưng Đông (thành phố Thủ Đức)... chỉ sau một thời gian ngắn xây dựng đã xuống cấp. Chung cư Bình Trưng Đông hiện xuống cấp trên diện rộng, còn khu tái định cư Vĩnh Lộc B, chung quanh rác thải bốc mùi nồng nặc, trang thiết bị của các căn hộ bị hư hỏng nặng.

Tường ngoài bị nứt nẻ, tróc sơn, tường trong một số căn hộ bị thấm nước, các thiết bị phòng cháy, chữa cháy xuống cấp do không được bảo dưỡng định kỳ. Ngay con đường chính dẫn vào khu tái định cư Vĩnh Lộc B cũng xuống cấp, đất đá, mảnh thủy tinh vỡ vương vãi khắp nơi, gây nguy hiểm cho các hộ dân sinh sống trong khu vực và người đi đường.

Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên địa bàn còn gần 9.000 căn hộ tái định cư đang bỏ trống, chờ bố trí chỗ ở cho người dân bị giải tỏa tại các dự án. Trong số các căn hộ bỏ trống này, xót xa nhất là khu tái định cư Bình Khánh (thành phố Thủ Đức). Đây là dự án tái định cư được xây dựng chỉn chu nằm trên vị trí đắc địa, với các block nhà đầy đủ hạ tầng nội và ngoại khu như công viên, sân chơi trẻ em, cây xanh,...

Hoàn thành từ năm 2015, nhưng đến nay do bị bỏ hoang lâu ngày, cỏ dại ở công viên mọc um tùm, hồ bơi cạn nước, các dụng cụ khu vui chơi phơi nắng nằm mưa đã xuống cấp. Nhiều căn shophouse được tận dụng làm kho chứa vật liệu xây dựng, thậm chí rác. Đường vào các tòa nhà được rào chắn bằng dây thép gai, trông vắng lặng, hoang tàn.

Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 4 lần bán đấu giá nhưng đều bất thành; đến nay chỉ một số ít căn hộ, nền đất tại đây được bàn giao cho người dân, phần lớn bị bỏ hoang.

“Đất vàng” bỏ hoang

Không chỉ có căn hộ tái định cư bỏ không gây lãng phí, nhiều khu đất có vị trí đắc địa ngay tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh cũng rơi vào tình trạng quây tôn cho cỏ mọc. Đó là khu đất Thương xá Tax (rộng 9.000 m2); khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (6.000 m2); Khu đất 8-12 Lê Duẩn (hơn 4.800 m2); khu đất tại Công viên 23/9 (rộng 53.500 m2); khu đất nằm giữa tứ giác Lê Thánh Tôn-Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Nguyễn Trung Trực-Lê Lợi với tổng diện tích hơn 3.800 m2,... Những khu đất này có điểm chung là diện tích rộng, nằm ở vị trí mặt tiền nhiều tuyến đường tại trung tâm Quận 1; đã được quy hoạch xây dựng dự án nhưng nhiều năm không triển khai.

Theo Ủy ban nhân dân Quận 1, trên địa bàn quận có 26 khu đất nằm ở những vị trí đắc địa với diện tích lên đến hàng chục nghìn m2 bị bỏ hoang. Trong số này, 15 dự án để đất trống (hai nơi đang kinh doanh bãi để xe), còn lại, 11 khu đang xây dựng dở dang, 6 dự án chưa có chủ đầu tư.

Đó là chưa kể, qua kết luận của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, Công ty Dịch vụ công ích Quận 1 được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao quản lý hơn 1.680 địa chỉ nhà, đất. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, công ty này để trống 33 địa chỉ, trong đó có 7 vị trí với diện tích hàng nghìn m2, ở các đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Bùi Viện,... bỏ không quá 12 tháng, gây lãng phí lớn.

Cùng với đó còn hơn 30 nhà đất chưa thực hiện đúng phương án thành phố phê duyệt, nhiều địa chỉ đem cho doanh nghiệp thuê nhưng không đòi được tiền thuê đất, hết hạn thuê, doanh nghiệp không chịu bàn giao mặt bằng, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước.

Thống kê trên phạm vi toàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hiện tổng quỹ nhà đất công thuộc phạm vi điều chỉnh theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công mà thành phố đang quản lý là 9.295 địa chỉ, trong đó cơ quan nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp quản lý 7.297 địa chỉ, khối doanh nghiệp quản lý 1.998 địa chỉ. Ngoài ra, thành phố còn có 2.380 nhà, đất với tổng diện tích hơn 530 ha thuộc diện Nhà nước trực tiếp quản lý nhưng chưa kê khai, xác lập.

Để tránh lãng phí tài sản nhà, đất công sản, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục. Đối với khu tái định cư Bình Khánh gồm 3.790 căn hộ, thành phố sẽ tiến hành tổ chức đấu giá lần thứ 5 vào đầu năm 2025, nhằm thu hồi vốn cho ngân sách nhà nước; đấu giá lần đầu 953 căn hộ chung cư tại khu dân cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.

Các khu đất có vị trí đắc địa, mới đây, thành phố đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí lãnh đạo chỉ đạo giải quyết các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án nhằm chống lãng phí, thất thoát. Đây là cơ hội để những dự án chậm triển khai nhiều năm được “hồi sinh”, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Các chuyên gia kinh tế hiến kế, ngoài phương án đấu giá, thành phố có thể chuyển đổi các căn hộ tái định cư đang bỏ trống sang làm nhà ở xã hội. Việc này vừa giúp thành phố bán nhà ở xã hội thu được tiền về, tránh lãng phí, vừa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người dân, hoàn thành các mục tiêu về phát triển nhà ở.

Bên cạnh đó, thành phố nên rà soát, phân loại từng căn hộ để đưa ra mức giá phù hợp, chỉ tổ chức đấu giá với căn hộ có vị trí đắc địa như khu vực trung tâm thành phố, khu đô thị Thủ Thiêm. Những căn hộ tái định cư có diện tích nhỏ, giá trị thấp thì ưu tiên bán giá bình dân cho đối tượng có nhu cầu về nhà ở, chuyển mục đích sử dụng làm nhà ở xã hội.