Lắng nghe, tập trung giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân:

Phát huy dân chủ, củng cố sức mạnh đại đoàn kết

Kịp thời giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, nắm chắc tình hình cơ sở để nhanh chóng xử lý các vấn đề phát sinh ngay từ đầu, không để xảy ra “điểm nóng” có thể xem là thành công lớn ở Ðồng Nai, một tỉnh có 70% dân số là tín đồ các tôn giáo; bao gồm đồng bào 37 dân tộc sinh sống, có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh, cùng lúc đang bứt tốc triển khai xây dựng nhiều dự án trọng điểm của quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh tiếp công dân tại Trụ sở Tỉnh ủy.
Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh tiếp công dân tại Trụ sở Tỉnh ủy.


Người đứng đầu trực tiếp tiếp dân, chỉ đạo xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân chính là cách góp phần hiện thực hóa cơ chế “Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, bảo đảm mọi quyền lực thuộc về nhân dân.

Tận tâm giải quyết đơn, thư của công dân

Trong sáu tháng đầu năm 2024, Ban Tiếp công dân trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Ðồng Nai tiếp nhận 1.975 đơn và xử lý 1.844 đơn, thư các loại do công dân gửi đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Trước áp lực lượng đơn, thư gia tăng, để công tác tiếp công dân và xử lý đơn, thư chuyển biến tốt, chất lượng nâng lên rõ rệt, Ban Tiếp công dân tỉnh đã tìm các biện pháp, sáng kiến để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan Ðảng, Nhà nước. Một số người dân đã tự nguyện rút đơn khiếu nại, góp phần giảm đơn thư vượt cấp đến các cơ quan Trung ương.

Là người trực tiếp phụ trách, đôn đốc tập thể tiếp 1.205 lượt công dân với tổng số 2.429 người trong năm 2023, trong đó 55 đoàn đông người, Phó Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh Ðồng Nai Ðinh Xuân Thùy đã đề xuất áp dụng hai sáng kiến nổi bật, đó là: Giải pháp rút ngắn thời gian xử lý đơn thư khiếu nại nội dung liên quan đến đền bù, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổng hợp báo cáo, theo dõi đôn đốc và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Thực tế, các sáng kiến đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian, công sức, tăng năng suất lao động, giải quyết đơn đúng hạn; xây dựng được môi trường gắn kết làm việc theo nhóm trong cán bộ, công chức; không gây phiền hà đến các cơ quan đơn vị khác khi thu thập hồ sơ. Việc viện dẫn quy định pháp luật để giải quyết đơn khiếu nại trong toàn dự án chính xác và thống nhất. Phần mềm cải tiến giúp theo dõi chuẩn xác, kịp thời tiến độ phối hợp giải quyết đơn, tham mưu kịp thời ổn định tình hình, giảm bức xúc của người dân.

Lãnh đạo tỉnh Ðồng Nai hết sức quan tâm những đơn, thư phức tạp được cấp có thẩm quyền giải quyết nhưng người dân chưa đồng ý và chuyển đến Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy và các huyện ủy, thành ủy.

Sáu tháng đầu năm 2024, Thường trực Tỉnh ủy Ðồng Nai đã chỉ đạo xử lý 721 đơn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, trong đó riêng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý 660 đơn, thư (đạt tỷ lệ 100%); Bí thư Huyện ủy các đảng bộ cấp huyện trực thuộc chỉ đạo xử lý 337 đơn, thư. Phần lớn nội dung đơn, thư đề cập sát đời sống người dân như chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; hoạt động tư pháp; lao động; hồ sơ chính sách xã hội và người có công.

Với những trường hợp khiếu kiện kéo dài, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh trực tiếp vào cuộc một cách công tâm, chỉ đạo xử lý rốt ráo vụ việc. Ðơn cử như, chủ trì buổi tiếp, xử lý đơn của ông Vũ Từ Thẩm, ngụ xã Phú Ngọc, huyện Ðịnh Quán, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, hai thửa đất ông Thẩm khiếu nại thuộc đất công do Nhà nước quản lý nên không thể cấp quyền sử dụng đất cho ông. Nguyên nhân dẫn vụ việc khiếu nại kéo dài của người dân là do công tác quản lý đất, sử dụng đất công tại địa phương chưa tốt.

Chính quyền cần chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, xây dựng, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Kết luận buổi tiếp, xử lý đơn phản ánh, kiến nghị của bà Trịnh Thị Tươi, ngụ phường Xuân Thanh, thành phố Long Khánh, liên quan đến việc ban hành các quyết định về thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với gia đình bà Tươi, Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai yêu cầu Thành ủy Long Khánh chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát kỹ nguồn gốc, quá trình sử dụng đối với thửa đất để giải quyết theo quy định pháp luật; vận động gia đình bà Tươi phối hợp với chính quyền giải quyết vụ việc, không để khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Trong buổi tiếp ông Nguyễn Văn Thảnh và bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, ngụ xã Bình Sơn, huyện Long Thành, sau khi nghe người trong cuộc trình bày hoàn cảnh hiện không có nơi ở và kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết cấp đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðồng Nai Võ Tấn Ðức đã kết luận: Kết quả kiểm tra, rà soát nhận thấy trường hợp hộ ông Thảnh bị thu hồi diện tích 260m2 đất nông nghiệp, trên đất không có nhà ở.

Ủy ban nhân dân huyện đã bồi thường, hỗ trợ theo quy định và ông Thảnh đã nhận đủ số tiền. Người đứng đầu chính quyền tỉnh giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân huyện Long Thành phối hợp với Sở Tài chính rà soát lại, xem xét điều kiện hoàn cảnh thực tế hiện nay của hộ ông Thảnh, nghiên cứu về chính sách nhà ở xã hội (nếu có) để giới thiệu cho ông, hoặc đề xuất hỗ trợ kinh phí nhà đại đoàn kết cho ông Thảnh... thậm chí vận dụng điều khoản khác, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý theo quy định.

Trong bối cảnh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hàng loạt dự án còn kéo dài, cải cách hành chính có lúc có nơi chưa theo kịp yêu cầu, việc giải quyết kiến nghị, phản ánh của người dân sau đối thoại còn chậm so với chỉ đạo, việc tăng cường tiếp công dân, kiên trì giải quyết từng trường hợp khiếu nại, tố cáo một cách có tình có lý đóng vai trò rất quan trọng để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Dân chủ là phương pháp hiện thực hóa mục tiêu

Là người khá gắn bó với Ðồng Nai, qua quan sát thực tiễn của tỉnh, Tiến sĩ Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Xây dựng Ðảng, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Ðồng Nai là một cực tăng trưởng hàng đầu của đất nước, trong quá trình phát triển chắc chắn sẽ phát sinh những vấn đề phức tạp trong cuộc sống. Thực tế, có những vấn đề lúc ban đầu không lớn nếu các cấp chính quyền minh bạch, công khai, đối thoại chân thành với người dân thì có thể tìm được tiếng nói chung để giải quyết ngay từ khi sự việc mới phát sinh. Thế nhưng từ sự chậm trễ và cả tắc trách, mà có những vụ việc từ bé đã xé ra to.

“Rất khó để bất cứ một chính sách, một quyết định nào của cơ quan công quyền có thể đáp ứng được tất cả nhu cầu của người dân. Song một chính quyền vì dân là phải ban hành các quyết sách, giải quyết công việc đúng pháp luật, đáp ứng được lợi ích, nguyện vọng chính đáng của đông đảo người dân” - Tiến sĩ Kiên cho biết.

Cũng theo Tiến sĩ Vũ Trung Kiên, trong thực tế, có những quy định của Nhà nước vẫn còn có sự chồng chéo, còn kẽ hở, còn những cách hiểu khác nhau. Vì vậy, nếu có một cá nhân nào đó lợi dụng để làm sai lệch bản chất vấn đề, đẩy cái khó cho dân, thu lợi về cho bản thân, thì sẽ mất lòng dân, mất niềm tin của dân. Ðể khắc phục tình trạng này, cùng với việc hoàn thiện, đồng bộ chính sách thì công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân, doanh nghiệp một cách công khai, minh bạch là cách tốt nhất để xây dựng một chính quyền phục vụ, một chính quyền vì dân.

Luôn đau đáu trăn trở bao vấn đề dân sinh đang đặt ra, nổi cộm nhất hiện nay là chính quyền phải tìm cách trả xong sớm “món nợ” tái định cư đối với người dân Ðồng Nai để kéo giảm bức xúc, khiếu nại, người đứng đầu Ðảng bộ tỉnh thường xuyên động viên đội ngũ cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở xông pha hành động làm tròn trách nhiệm trước Ðảng, trước nhân dân.

Về quá trình thực thi nhiệm vụ, Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đúc kết: “Dân chủ là phương pháp để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Lãnh đạo càng lắng nghe dân thì càng phát huy được trí tuệ của xã hội, càng xây dựng được sự đồng thuận trong dân, sự đoàn kết xã hội và sự nhất trí trong Ðảng. Ðơn vị nào càng dân chủ thì càng đoàn kết, nếu mất dân chủ thì nguy cơ mất đoàn kết lớn lắm, nên dân chủ là giải pháp cho sự đoàn kết. Chúng ta càng dân chủ thì càng ngăn ngừa được tiêu cực, vi phạm ở đơn vị, địa phương mình, có phản biện, giám sát thì không dám làm bậy. Nên, phải xem việc đề cao dân chủ là nhu cầu tự thân người lãnh đạo”.

Yêu cầu đặt ra cao hơn đối với cán bộ lãnh đạo trong bối cảnh hiện tại không chỉ “nói đi đôi với làm” mà còn phải truyền bá cảm hứng, năng lượng tích cực, thôi thúc ý chí phấn đấu tiến lên rộng khắp đến tập thể đội ngũ và nhân dân. Ðây chính là lý do Ban biên tập “Học cùng lãnh đạo Ðồng Nai” trực thuộc Tỉnh ủy Ðồng Nai được thành lập hơn một năm qua thường xuyên chia sẻ, lan tỏa gương những cán bộ nhiệt huyết, có cách làm hay trên không gian mạng, qua đó, khích lệ mỗi người lãnh đạo phát huy cao độ khả năng nhạy bén trong công việc, nâng cao năng lực giải quyết vấn đề hóc búa chưa từng có tiền lệ, phục vụ người dân và doanh nghiệp chu đáo hơn.