Trước thực tế nhà ở cho công nhân hiện nay chỉ đáp ứng chưa đủ 20% nhu cầu, anh Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Kyoei Việt Nam mong muốn thành phố sớm có chính sách giúp người lao động an cư để yên tâm lao động sản xuất.
Giải đáp về nội dung này, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết: Thành phố đang có nhiều kế hoạch triển khai phát triển nhà ở cho công nhân.
Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát, dành quỹ đất, rà soát điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ với các thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động.
Tại buổi đối thoại, nhiều người lao động cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội tăng cao, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tính đến hết tháng 4/2023, tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp là 9,13% so với số phải thu, tương ứng hơn 5.000 tỷ đồng, ảnh hưởng đến 512.696 người lao động.
Trong khi đó, mức thu nhập bình quân của người lao động hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí, như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao…
Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Phan Văn Mến thừa nhận, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội trên địa bàn còn nhiều, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người lao động. Trước thực trạng này, thời gian qua, thành phố đã có nhiều giải pháp như tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội và phối hợp với cơ quan điều tra chuyển hồ sơ nợ đọng sang cơ quan điều tra thụ lý, xử lý các đơn vị vi phạm.
Ngoài ra, bảo hiểm xã hội phối hợp liên ngành để tăng cường tuyên truyền, thông báo số nợ của đơn vị và đăng các đơn vị nợ từ một tháng trở lên đến các cơ quan thông tin đại chúng, cho nên số nợ ngày càng giảm dần.
Bên cạnh đó, công nhân lao động Thủ đô cũng kiến nghị với lãnh đạo thành phố các vấn đề liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông, cải tạo cơ sở vật chất tại các khu công nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm, đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, tư pháp, chính sách đào tạo nghề cho người lao động.
Cùng với các ý kiến trực tiếp, lãnh đạo thành phố cũng đã tiếp nhận hàng trăm kiến nghị được tổng hợp, liên quan sát sườn với đời sống của công nhân, lao động. Trong đó đề nghị thành phố sớm khắc phục tình trạng thiếu nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ công nhân lao động ở các khu công nghiệp.
Thành phố cần kiến nghị các bộ, ngành chức năng có cơ chế tháo gỡ để con em công nhân các tỉnh ngoài không có hộ khẩu ở Hà Nội được đăng ký thi vào trường phổ thông trung học công lập của thành phố.
Chia sẻ với những mối quan tâm, khó khăn của người lao động, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, hiện nay chúng ta đã có cơ chế xây dựng chính sách tiền lương tương đối cụ thể, bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động, bảo đảm tính hấp dẫn tối thiểu nhà đầu tư đến Việt Nam, kể cả nhà đầu tư trong nước.
Trung ương và thành phố luôn quan tâm chỉ đạo bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Đồng chí bày tỏ mong muốn tổ chức công đoàn chia sẻ, hoạt động có hiệu quả hơn nữa vì đoàn viên, người lao động.
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, thành phố sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ, dự án để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số nhà ở xã hội theo kế hoạch, chương trình 1 triệu nhà ở xã hội cho người lao động.
Dự kiến, cuối năm 2023 và năm 2024 thành phố sẽ tập trung khởi công một số khu nhà. Hà Nội cũng sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Phạm Quang Thanh, tổ chức công đoàn và công nhân lao động rất mong tiếp tục được lãnh đạo thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan quan tâm giải quyết để công nhân lao động ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, góp phần vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, Thủ đô và đất nước.