Lan tỏa ý nghĩa ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Một tiết mục văn nghệ tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình. (Ảnh Đăng Anh)
Một tiết mục văn nghệ tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình. (Ảnh Đăng Anh)

Qua đó tạo sự đồng thuận xã hội, huy động tiềm năng và sự sáng tạo của nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ văn hóa, kinh tế, chính trị của địa phương, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Đáng chú ý, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện.

Tại Đông Anh, Huyện ủy đã có Nghị quyết chuyên đề số 250-NQ/HU về “5 có”, “3 không”. Trong đó, “3 không” gồm: Không vi phạm quy định về quản lý và sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, trật tự văn minh đô thị; không ô nhiễm môi trường; không có hộ nghèo.

Để tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, hằng năm, ngân sách huyện đều bố trí từ 10 đến 15 tỷ đồng hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp. Đến nay, huyện không còn hộ nghèo và chỉ còn 679 hộ cận nghèo. Đây là những tiền đề quan trọng trong lộ trình từ huyện lên quận của Đông Anh thời gian tới.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) Cam Văn Vũ chia sẻ: Từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào xây dựng xã hội học tập, xã hội giáo dục đã được phát động sâu rộng trong địa bàn dân cư. Các mô hình “gia đình học tập”, “dòng họ học tập” được phát triển và nhân rộng.

Quỹ khuyến học hằng năm được nhân dân đóng góp hàng trăm triệu đồng để kịp thời khen thưởng, động viên các cháu học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, các cháu thi đỗ đại học, cao đẳng... giúp phong trào học tập của xã ngày một phát triển.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Với yêu cầu không ngừng đổi mới nội dung, phương thức, chất lượng hoạt động, hướng về cơ sở, Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước có Kế hoạch liên tịch giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố trong triển khai tổ chức ngày hội và hỗ trợ kinh phí để triển khai tổ chức.

Việc tổ chức Hội nghị đại biểu nhân dân là cách làm mới, sáng tạo, rất riêng của Hà Nội, nhằm phát huy dân chủ của nhân dân với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và để các tầng lớp nhân dân ở cơ sở hiến kế, hiến công, góp những giải pháp hữu hiệu, thiết thực để xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương mình.

Đến nay, tất cả khu dân cư ở Hà Nội tổ chức ngày hội, 88% số khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội. 20 năm qua đã có 4.385 công trình dân sinh được xây dựng trong dịp tổ chức ngày hội, có 9.978 nhà đại đoàn kết được xây mới, 3.940 nhà đại đoàn kết được sửa chữa. Từ đó, số hộ nghèo đang từng bước thu hẹp dần khi nhận sự trợ giúp của chính quyền và cộng đồng. Nhiều gia đình từ diện đói nghèo vươn lên thành hộ khá, không ít hộ thành giàu có. Hiện thành phố còn 2.134 hộ nghèo (tỷ lệ 0,095%), 22.263 hộ cận nghèo (tỷ lệ 0,99%).

Bên cạnh đó, vai trò tự quản ở cộng đồng xuất phát từ những phong trào được phát động ở Ngày hội đại đoàn kết đã góp phần hỗ trợ đáng kể cho công tác quản lý nhà nước. Điển hình là việc nhân dân xây dựng các quy ước, hương ước giúp công tác quản lý trong từng cộng đồng dân cư, khu phố đi vào nền nếp. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, từ việc thành lập các Tổ Covid cộng đồng tới việc người dân chủ động lập và giữ chốt đã góp phần bảo vệ sự bình yên của từng khu phố, ngõ xóm...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định: 20 năm qua, Mặt trận Tổ quốc thành phố phối hợp cùng Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có nhiều đóng góp quan trọng tạo nên những thành tựu và kết quả nổi bật của Thủ đô.

Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã đem lại những giá trị tinh thần, làm giàu thêm ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng. Để việc tổ chức ngày hội ngày càng thiết thực, hiệu quả, đồng chí đề nghị Mặt trận cần tiếp tục chủ động làm tốt công tác tham mưu với các cấp ủy đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên nhằm phát huy vai trò, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tổ chức ngày hội ở khu dân cư; đồng thời phát huy sự năng động, sáng tạo của Ban công tác Mặt trận trong việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức ngày hội sát với tình hình thực tế của cộng đồng dân cư, rút ngắn phần lễ, tăng phần hội, bảo đảm vừa trang trọng, trang nghiêm, vừa vui tươi, phấn khởi, gần gũi, gắn bó trong nhân dân.